Hệ thống Patriot Mỹ cung cấp khó bao phủ toàn bộ diện tích Ukraine, đạn tên lửa đắt đỏ, khiến tổ hợp này không thể giải quyết mọi vấn đề phòng không của Kiev.
Nhà Trắng ngày 21/12 xác nhận Mỹ sẽ cung cấp một khẩu đội tên lửa phòng không Patriot cho Ukraine, nhân chuyến thăm của Tổng thống Volodymyr Zelensky tới Washington.
Tổ hợp Patriot được kỳ vọng là vũ khí có thể thay đổi đáng kể cục diện trên bầu trời Ukraine, nhờ khả năng bắn hạ tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo tầm ngắn và máy bay ở độ cao lớn hơn đáng kể so với các hệ thống phòng không mà Mỹ từng chuyển cho Ukraine.
Thiếu tướng Mỹ về hưu James Marks nói tổ hợp Patriot "tăng độ chính xác và tỷ lệ bắn hạ mục tiêu để có thể bảo vệ các mục tiêu quan trọng trên mặt đất". Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) nhận định hệ thống radar của Patriot "tích hợp các chức năng giám sát, theo dõi và tác chiến trong cùng một đơn vị".
"Điều này khiến Patriot nổi bật giữa các tổ hợp phòng không khác. Patriot vận hành gần như tự động trong phát hiện, xác định và bám bắt các mối đe dọa trên không, trừ quyết định phóng cuối cùng do con người đưa ra", CSIS đánh giá.
Trung tướng Mark Hertling, người từng là chỉ huy Lục quân Mỹ tại châu Âu, cho rằng Patriot là hệ thống hiện đại, có thể cải thiện năng lực phòng không của Ukraine. Nhưng ông cảnh báo rằng kỳ vọng Patriot đóng vai trò như "viên đạn bạc" có thể giải quyết mọi vấn đề phòng không của Ukraine là "không thực tế".
Ông chỉ ra rằng tổ hợp Patriot không thể sẵn sàng chiến đấu ngay lập tức sau khi Mỹbàn giao cho Ukraine. Các binh sĩ Ukraine sẽ phải mất nhiều tháng tham gia huấn luyện cách vận hành hệ thống phòng không hiện đại này. Ngoài ra, binh sĩ Mỹ sẽ phải đảm nhận nhiệm vụ bảo trì hoặc sửa chữa tổ hợp trong khoảng một năm, trước khi Ukraine tự chủ được quá trình này.
Jack Watling, chuyên gia cao cấp về tác chiến trên bộ tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), cho hay Patriot là tổ hợp phức tạp cả về vận hành lẫn bảo trì.
"Các binh sĩ Ukraine từng gặp nhiều vấn đề về vận hành những vũ khí được phương Tây chuyển giao trước đây, do không được huấn luyện đầy đủ về cách bảo trì và sửa chữa trên chiến trường", Watling nói. "Sẽ mất nhiều thời gian để đảm bảo các binh sĩ Ukraine vận hành tổ hợp Patriot một cách bền vững".
Tướng Hertling còn cho rằng tổ hợp Patriot mà Mỹ viện trợ không phải khí tài "thay đổi cuộc chơi", vì chỉ có thể bảo vệ một khu vực tương đối nhỏ, không bao phủ được toàn bộ không phận Ukraine.
"Những hệ thống này khá lớn, không thể thu lại và di chuyển liên tục trên chiến trường", ông Hertling nói. "Người ta triển khai chúng ở đâu đó để bảo vệ mục tiêu mang tính quan trọng chiến lược nhất, ví dụ một thành phố như Kiev. Nếu bất cứ ai nghĩ rằng đây là hệ thống có thể trải rộng khắp biên giới giữa Nga vàUkraine, họ không biết chúng vận hành ra sao".
Một rào cản khác với hệ thống Patriot triển khai ở Ukraine là chi phí vận hành của nó. Báo cáo gần đây của CSIS cho biết một quả đạn tên lửa của Patriot có giá khoảng 4 triệu USD. Tướng Hertling nhận định với giá thành đắt đỏ của đạn đánh chặn như vậy, Ukraine không thể khai hỏa Patriot để đối phó với mọi đòn tập kích của Nga.
"Đây không phải là tổ hợp sẽ bắn hạ máy bay không người lái (UAV) hoặc tên lửa đạn đạo cỡ nhỏ", ông Hertling nói. "Chúng làm được điều này không? Chắc chắn là có, nhưng dùng quả đạn 4 triệu USD để hạ một UAV trị giá 20.000 USD hoặc tên lửa 100.000 USD của Nga sẽ không mang lại lợi ích. Những gì Ukraine nên làm là sử dụng các hệ thống phòng không tầm thấp và tầm trung để bắn hạ những mục tiêu giá rẻ đó".
Theo chuyên gia Watling, Mỹ và các đồng minh trong NATO cũng khó có thể nhanh chóng cung cấp thêm tổ hợp Patriot cũng như đạn đánh chặn cho Ukraine, do năng lực sản xuất thấp, trong khi nhu cầu của khách hàng nước ngoài ngày càng tăng.
"Ngành công nghiệp quốc phòng của NATO bị kéo căng, khiến liên minh khó hỗ trợ chiến dịch cường độ cao kéo dài. Thách thức với các tổ hợp như Patriot lớn hơn so với các loại pháo bình thường rất nhiều, bởi quá trình chế tạo tên lửa đánh chặn chính xác mất nhiều thời gian và tốn kém hơn", Watling nhận định.
Watling nhận định điều này từng xảy ra với đạn rocket của pháo phản lực HIMARS. Ban đầu, Ukraine sử dụng pháo HIMARS tập kích các mục tiêu ưu tiên cao, song sau đó dùng phổ biến hơn, khiến tốc độ tiêu thụ đạn vượt quá khả năng cung cấp của các đối tác.
Patriot là tên lửa phòng không do Mỹ phát triển và được quân đội nước này biên chế từ năm 1981. Biến thể Patriot PAC-2 có thể bắn trúng mục tiêu cách hơn 96 km và bay cao hơn 32.000 m, theo Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ.
Biến thể mới nhất trong dòng Patriot là PAC-3, có khả năng tiêu diệt các mối đe dọa trên không như tiêm kích, máy bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
Tuy nhiên, chuyên gia Watling nhận định những điểm tồn tại của Patriot sẽ sớm bộc lộ trên chiến trường Ukraine, khi nó đối mặt với sức ép chưa từng có từ các đợt tập kích của Nga. "Các đối tác của Ukraine sẽ cần tư duy đổi mới trong nỗ lực giúp Kiev phòng thủ hợp lý và bền vững trước các đợt tập kích nhằm vào hạ tầng năng lượng mà Moskva tiến hành", ông đánh giá.
Ý kiến ()