George Barros, chuyên gia về Nga tại Viện nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở ở Mỹ, ngày 22/9 đăng ảnh do vệ tinh thương mại của công ty Maxar chụp, trong đó cho thấy miệng hố rộng khoảng 62 m ở vị trí giếng phóng cùng nhiều dấu hiệu hư hại xung quanh bãi thử tại sân bay vũ trụ Plesetsk, tây bắc Nga.
"Đây là hậu quả từ vụ thử thất bại của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat hôm 21/9. Quả đạn có thể đã phát nổ ngay trên bệ phóng sau khi kích hoạt động cơ", Barros cho biết.
Vụ nổ có thể đã làm bùng phát đám cháy tại khu rừng gần đó, do dữ liệu vệ tinh cho thấy một số dấu hiệu nhiệt ở đây vào cùng thời điểm. Barros cho biết Mỹ không triển khai máy bay trinh sát RC-135S Cobra Ball, loại phi cơ thường được dùng để theo dõi các vụ thử tên lửa đạn đạo của nước ngoài.
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin.
Ảnh vệ tinh được cho là chụp bãi thử ở trung tâm vũ trụ Plesetsk của Nga trước và sau vụ phóng hôm 21/9. Ảnh: Maxar |
Dự án tên lửa Sarmat được Nga khởi động năm 2011 để thay thế dòng R-36M lạc hậu. Nga lần đầu thử nghiệm tầng đẩy sơ tốc giúp tên lửa rời giếng phóng vào tháng 12/2017, kết quả cho thấy hệ thống phóng đạn vẫn còn gặp một số vấn đề. Hai đợt thử tầng đẩy sơ tốc tiếp theo diễn ra vào tháng 3 và 5/2018 đều thành công.
Tổng thống Vladimir Putin ngày 20/4/2022 thông báo Nga đã thử thành công quả đạn RS-28 Sarmat hoàn chỉnh với tầm bắn tối đa. Lần phóng thử hoàn chỉnh tiếp theo diễn ra hồi tháng 2/2023, nhưng dường như tên lửa gặp trục trặc và vụ phóng thất bại.
Mỗi quả đạn Sarmat dài 35,5 m, có đường kính 3 m, mang lượng nhiên liệu nặng 178 tấn và đạt tầm bắn trên 18.000 km. Đầu đạn cơ bản của Sarmat mạnh tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ TNT, được trang bị nhiều loại mồi bẫy để đánh lừa hệ thống phòng thủ đối phương.
Ý kiến ()