Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 07:15 (GMT +7)
Tết đoàn viên, chia sẻ và tấm lòng người trẻ Móng Cái
Chủ nhật, 25/12/2022 | 09:12:46 [GMT +7] A A
Dù no, dù đói, dù giàu hay nghèo thì Tết trong tâm trí mỗi người đều là một sự mong đợi đến thiêng liêng. Điều đó cũng phải thôi bởi Tết là sự đoàn viên của mỗi gia đình Việt. Mong Tết đến để người đi xa được trở về nhà, để có dịp báo hiếu ông bà, cha mẹ, để sống chậm lại và chiêm nghiệm 365 ngày đã qua. Và ở một nơi, trên mảnh đất Móng Cái địa đầu của Tổ quốc, có những người, mong Tết đến để được chia sẻ yêu thương.
Điều đó cũng không có gì là lạ, bởi chúng ta đều biết, người Móng Cái, những con người chân chất, nồng hậu, những con người vẫn giữ được lối sống mộc mạc làm nên một nét văn hóa riêng biệt, không lẫn vào đâu.
Có lẽ từ thuở cha ông xưa đến nay, thì người Móng Cái vẫn thế, từ lớp cha ông hay thế hệ trẻ bây giờ vẫn giữ nếp xưa, chăm lo một cái tết đoàn viên thật ấm áp và đậm chất nhân văn. Chất nhân văn ấy không chỉ là ngọn lửa được thắp lên trong mỗi gia đình mà đã trở thành nhiệt huyết, thành sự yêu thương lan tỏa tới cộng đồng.
Tôi và những người bạn của mình có lẽ không ít người đã trải qua một tuổi thơ đầy khó khăn, háo hức chờ Tết đến để nhà có thịt, có bánh chưng, cân miến dong hay lọ hành muối. Kinh tế khó khăn nên chúng tôi ngày đó ít khi được đi chợ Tết, không khí ngày Tết chỉ cảm nhận rõ nét nhất qua nồi bánh chưng đêm 30 và chờ được bố mẹ vớt ra khỏi nồi bánh nghi ngút khói mấy chiếc bánh bé xíu. Đặc biệt ngày ấy đứa trẻ nào cũng mong chờ Tết để được mặc bộ quần áo mới và được người lớn mừng tuổi.
Nếu cuộc sống như một dòng sông không ngừng chảy thì chúng ta là những người đang bơi trong dòng sông ấy. Người bơi nhanh, người bơi chậm, thậm chí có người không biết bơi. Nhưng người Việt Nam nói chung hay người Móng Cái nói riêng muôn đời vẫn thế, vẫn tồn tại trong mỗi con người lòng trắc ẩn, tình thương yêu, sự chia sẻ. Truyền thống đạo lý “lá lành dùm lá rách” đã ăn sâu vào máu thịt. Có lẽ từ đứa trẻ trong nôi, ngày ngày được nghe lời ru của bà, của mẹ đã thuộc câu "Bầu ơi thương lấy bí cùng" trước cả khi thuộc mặt chữ.
Có lẽ đầu tiên phải nhắc đến là mô hình Chợ Tết 0 đồng của Câu lạc bộ thiện nguyện Nhân Ái Móng Cái. Từ năm 2018, với mong muốn chia sẻ với người nghèo không chỉ đơn thuần là một túi quà Tết, các bạn trẻ đã làm một điều vô cùng đặc biệt có ý nghĩa, đó là đem lại cho người nghèo một không khí của ngày Tết. Đem lại cảm xúc nguyên vẹn khi được đi chợ Tết, được lựa chọn món hàng gia đình mình cần, món ăn nhà mình thích. Được mua sắm những vật dụng gia đình và ăn những món quà vặt thật ngon, "Chợ Tết 0 đồng" Móng Cái đủ hết, từ bánh chưng, gạo nếp, đỗ xanh đến chăn ấm, giỏ quà...
Chợ Tết này cho dù là người cho hay người nhận đều hoan hỉ, đều hạnh phúc. Người cho đi thì cả tháng trời tính toán mua sắm, nghĩ đến nụ cười, niềm vui của người nghèo để thực hiện công việc. Người nhận về thì ngỡ ngàng không tin nổi: Sao nhiều thế, có thật là mua tất cả những món này đều có giá 0 đồng không?
Vui nhất là các cụ già, những hộ nghèo, những người không nơi nương tựa, những hoàn cảnh khó khăn được nhận yêu thương từ những bạn trẻ mà họ không hề quen biết. Những cái ôm được trao đến nghẹn ngào xúc động. Vui nhất là trẻ con ở quầy ăn vặt. Những món ngon từ các làng quê, như bánh mật Quảng Yên, bánh chuối Hà Nội, xôi vò, chè 3 miền, thạch đen Cao Bằng đều được các bạn đặt hàng và chăm chút.
Chị Phạm Thị Hồng Ngân, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ thiện nguyện Nhân Ái Móng Cái, tâm sự rằng mua cho người nghèo ăn, phải mua đồ ngon nhất, vì có lẽ trong đời những món đó, có khi họ chưa từng được thưởng thức.
Cùng với suy nghĩ "của cho không bằng cách cho", ông Nguyễn Hà Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch Hòn Gai, đến với "Chợ tết 0 đồng" nào cũng ủng hộ quầy thịt lợn với suy nghĩ: Ngày 30 Tết không thể thiếu thịt lợn.
Trong chợ Tết, những trẻ em mồ côi đều có thêm thêm những suất quà đặc biệt, đây như là một sự chia sẻ khi các em nhỏ thiếu vắng tình thương của cha mẹ, để các em thấy mình vẫn được yêu thương, vẫn có một cái Tết như tất cả mọi trẻ em khác. Và tất nhiên rồi, kết thúc chợ Tết là những lời chúc và những chiếc lì xì được trao đến các cụ già và các em bé như nếp văn hóa có từ lâu đời của quê hương.
Có thể nói, làm nên và duy trì được một "Chợ Tết 0 đồng" từ năm 2018 đến nay là sự nỗ lực của các bạn trẻ Móng Cái. Xuất phát từ tình yêu thương chia sẻ vô bờ bến nên cứ mỗi khi quyển lịch năm cũ mỏng dần đi, chưa biết nhà mình sẽ ăn Tết ra sao nhưng mọi người đều gác lại hết công việc để tập trung lo "Chợ Tết 0 đồng" dành cho người nghèo và những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Gần 20 gian hàng và hàng nghìn món đồ dù chưa phải là lớn nhưng điều chúng ta vô cùng trân trọng đó là tấm lòng của những người trẻ, biết chia sẻ yêu thương. Cuộc sống có thể khó khăn hơn nhưng tất cả đều hứa với nhau duy trì "Chợ Tết 0 đồng" bởi đây là phiên chợ mua bán duy nhất bằng nụ cười hạnh phúc và ánh mắt thương yêu.
Một trong những thế hệ trẻ luôn nghĩ về người nghèo, nhất là dịp Tết đến xuân sang đó là nhóm "Cơm 0 đồng" Móng Cái. Đó là nhóm 6 bạn trẻ của thế hệ 8X và 9X. Năm 2020 là một năm khó khăn theo nhiều nghĩa. Người có kinh doanh khó khăn của người kinh doanh. Người lao động có khó khăn của người lao động. Từ bác xe ôm đến những người làm thuê đều chật vật với miếng cơm manh áo hàng ngày. Một bạn trẻ đã tâm sự với tôi rằng: Mình khó khăn nhưng vẫn còn đủ ăn, chỉ không có để dành. Nhưng ngoài kia còn nhiều người đến bát cơm qua ngày cũng khó.
Nhóm 6 bạn trẻ, mỗi người một công việc khác nhau nhưng có lẽ họ giống nhau khi lập nên một nhóm chia sẻ và lan tỏa yêu thương. Ngày mưa cũng như ngày nắng, mỗi ngày vài trăm suất cơm cho những người hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch. Khi dịch bệnh được kiểm soát, cuộc sống sinh hoạt trở lại bình thường, nhóm bạn trẻ tiếp tục phục vụ bữa trưa 0 đồng tới các bệnh nhân chạy thận, bệnh nhân nghèo và khó khăn tại Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái.
Sắp Tết đến xuân về, bạn Phạm Chi sinh năm 1993, một thành viên của nhóm "Cơm 0 đồng" nhắn nhủ: Dù khó khăn bao nhiêu cũng hãy duy trì "Chợ Tết 0 đồng", vẫn chung tay tiếp tục bữa cơm tất niên yêu thương dành cho nhân viên y tế và các bệnh nhân. Đó là những việc mình cần làm và nên làm để người nghèo được đón Tết vui vẻ, đầy đủ.
Nghe những tâm sự, những lời nhắn nhủ và thấy được những việc làm của thế hệ trẻ Móng Cái trong việc chia sẻ yêu thương trước dịp Tết nguyên đán mới thấy mình thật may mắn và hạnh phúc. Hạnh phúc vì được sống trong một cộng đồng mà ở đó tình thương yêu không có giới hạn. May mắn vì một thế hệ trẻ họ biết sống không chỉ cho riêng bản thân mà còn biết nghĩ đến những người khác. Họ chính là những người đang gìn giữ nếp xưa, gìn giữ truyền thống đạo lý của dân tộc, gìn giữ những lời dạy của thế hệ cha ông. Những việc làm thiện nguyện ấy lặng lẽ mà tỏa hương. Không ồn ào phô trương nhưng lại rất nhiều người quan tâm theo dõi, bởi việc xuất phát từ tâm. Làm không chỉ để cho người hạnh phúc mà chính bản thân mình cũng thấy hạnh phúc hơn.
Trong ồn ào vội vã của những ngày cuối năm, khi mà mọi người đang tất bật để hoàn thiện những công việc cuối cùng của một năm, khi mà ai ai cũng đang tất bật lo lắng lo cho gia đình mình một cái Tết đoàn viên thật chu toàn thì vẫn có những người đâu đó, nhất là các bạn trẻ họ đang làm và chắc chắn sẽ tiếp tục làm những việc thầm lặng, tiếp tục chia sẻ yêu thương để Tết đoàn viên, nhà nhà đều hạnh phúc.
Bình Nguyên Trần (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()