Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 03:31 (GMT +7)
Tết độc lập
Thứ 5, 30/08/2012 | 05:53:02 [GMT +7] A A
Có lẽ, không ít bạn trẻ thắc mắc với cách gọi này. Bởi, đã từ lâu, mọi người thường chỉ quen gọi ngày Quốc khánh 2-9. Trong khi chúng ta vẫn thường nói: Tết thiếu nhi (1-6), Tết trung thu (Rằm tháng Tám), Tết đoan ngọ (5-5 âm lịch)... thì tại sao không giữ cách gọi Tết độc lập cho ngày Quốc khánh 2-9.
Mùa xuân năm 1946, trên Báo “Cứu Quốc” có đăng bài viết với nhan đề “Tết” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bài báo này, Người viết “Tết Xuân đầu tiên của Nước Việt Nam độc lập”. Đó là nói về Tết Bính Tuất - lần đầu tiên sau 80 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, cả dân tộc đã được đón một Tết Nguyên đán của Nước Việt Nam độc lập. Theo nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc, bắt đầu từ mùa xuân 1946 và cho đến nhiều năm về sau, trong nhân dân quen gọi “Tết độc lập” vào dịp Lễ Quốc khánh.
Tết độc lập - một trong những việc rất thiêng liêng mà mọi nhà, mọi khu phố, thôn bản, ngõ xóm đều cần nghiêm túc thực hiện là treo cờ Tổ quốc. Việc làm này vừa nhằm nhắc nhở, giúp chúng ta ôn lại truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc vừa có ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ một cách sâu sắc nhất. Do đó, mỗi gia đình, mỗi địa phương cần nêu cao ý thức trong việc này, không thể làm theo kiểu “cho có” hay “lấy lệ”. Bởi, đây còn là nét đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc, đồng thời, góp phần vào không khí tưng bừng, rực rỡ của ngày Tết độc lập.
Cùng với đó, các địa phương và những ngành như Văn hóa cần quan tâm tổ chức nhiều điểm sinh hoạt tinh thần cho nhân dân trong ngày Tết độc lập. Với thời gian được nghỉ đến 2 ngày (do ngày 2-9 trùng vào chủ nhật nên được nghỉ bù sang thứ hai 3-9), càng cần các hoạt động vui chơi lành mạnh, bổ ích và ý nghĩa. Đặc biệt, cần có những hình thức sinh hoạt giáo dục truyền thống cách mạng một cách hiệu quả nhất tới thế hệ trẻ.
Ngọc Lê
Liên kết website
Ý kiến ()