Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 12:17 (GMT +7)
Thách thức mới của ngành chăn nuôi gia cầm
Thứ 3, 08/02/2022 | 12:44:09 [GMT +7] A A
Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, năm 2021, đàn gia súc, gia cầm của cả nước phát triển khá tốt, trong đó gia cầm đạt khoảng 525 triệu con, tăng 5,8% so với năm 2020. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dịch bệnh trên đàn vật nuôi, cho nên năm 2022 ngành chăn nuôi gia cầm vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Vì vậy, để vượt qua những khó khăn, thách thức này cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hữu hiệu.
Theo Cục Thú y, năm 2021, dịch bệnh trên động vật tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát, đã xuất hiện một số chủng vi-rút có độc lực cao trên đàn gia cầm (A/H5N6, A/H5N1, A/H5N8), trong đó chủng A/H5N8 lần đầu xâm nhiễm vào Việt Nam, buộc phải tiêu hủy 450 nghìn con gia cầm (tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2020). Đầu tháng 1/2022, trước tình hình dịch cúm gia cầm xảy ra ở nhiều nước châu Á và châu Âu, Tổ chức Thú y thế giới đã cảnh báo sự xuất hiện của nhiều biến thể, dẫn tới khó khăn hơn trong công tác kiểm soát dịch bệnh. Cùng với đó, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ở nhiều tỉnh, thành phố, học sinh chủ yếu học trực tuyến, các quán ăn mở đón khách với số lượng hạn chế, do vậy mức tiêu dùng thực phẩm ít, thị trường tiêu thụ gia cầm giảm, khiến ngành hàng này lao đao.
Đơn cử như thời điểm tháng 7, 8/2021, giá gà công nghiệp lông trắng tại các tỉnh phía bắc chỉ khoảng từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg; các tỉnh phía nam từ 6.000 đến 10 nghìn đồng/kg, giá giảm sâu đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, thu nhập của nông dân. Dịch Covid-19 cũng đã làm đứt gãy hàng loạt các chuỗi cung ứng, nhất là nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dẫn đến giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng, trong khi Việt Nam phải nhập khẩu hơn 90% lượng nguyên liệu chế biến thức ăn, trong khi thức ăn lại chiếm từ 65% đến 70% giá thành sản phẩm chăn nuôi, ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chăn nuôi gia cầm. Đó là chưa kể chi phí lao động, chi phí vận chuyển hàng hóa, chi phí giết mổ đều tăng cũng tạo áp lực cho toàn bộ chuỗi cung ứng gia cầm. Mặt khác, theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh, tỷ lệ tiêu thụ thịt gia cầm ở nước ta hiện chỉ chiếm khoảng 22%, trong khi thịt lợn là gần 70%, 8% là các loại thịt khác. Số nông hộ chăn nuôi gia cầm khá cao, chiếm từ 40% đến 50%, chăn nuôi bán chăn thả khoảng từ 30% đến 35%, chăn nuôi theo hình thức nuôi nhốt hoàn toàn chỉ từ 15% đến 20%. Giá thức ăn chăn nuôi chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, giá sản phẩm chăn nuôi bấp bênh, nông hộ có tâm lý e dè khi vào đàn, tái sản xuất. Hệ thống giết mổ gia cầm còn bất cập; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều tồn tại. Thí dụ như ở Hà Nội, trong số 738 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thì phần lớn là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, nhiều điểm giết mổ không có địa điểm cố định, nằm rải rác ở các chợ, khu dân cư thuộc các huyện, thị xã, chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Theo các chuyên gia, để ngành chăn nuôi gia cầm vượt qua những thách thức và phát triển cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm nhằm đáp ứng cơ bản các loại thực phẩm thiết yếu (thịt, trứng) cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Chú trọng chọn lựa giống chất lượng cao, ưu tiên nhập khẩu giống tốt, lai tạo các tổ hợp gà thả vườn có năng suất, chất lượng cao, chi phí thức ăn thấp, nhất là các giống gà đặc sản gắn với từng vùng, miền; phổ biến, nhân rộng giống thủy cầm lai chuyên thịt hoặc chuyên trứng. Các địa phương cần tăng cường kiểm tra chất lượng và nguồn gốc con giống; kiểm soát tốt dịch bệnh như dịch cúm gia cầm và các bệnh truyền nhiễm khác, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho đàn gia cầm; triển khai thêm các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt trên đàn gia cầm; đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hữu cơ trong chuỗi nông nghiệp tuần hoàn, sản xuất theo chuỗi sản phẩm; xây dựng mã định danh cho cơ sở chăn nuôi, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm. Đối với chăn nuôi nông hộ, phổ biến cách thức sử dụng thức ăn chăn nuôi hiệu quả, khuyến khích người dân tận dụng lao động tự phối trộn thức ăn cho gia cầm. Cần xây dựng quy định và chính sách về việc thu mua, giết mổ, chế biến và dự trữ sản phẩm chăn nuôi nói chung, sản phẩm gia cầm nói riêng khi ứ đọng, chậm tiêu thụ do cung vượt cầu, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… nhằm giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi, góp phần bảo vệ người tiêu dùng và chủ động điều hành sản xuất. Trao đổi thêm về vấn đề này, Chi Cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn đề xuất, cần hỗ trợ cơ khí hóa sản xuất thiết bị chuồng nuôi, thiết bị chế biến, giết mổ, máy chế biến thức ăn, chế biến sản phẩm gia cầm để thúc đẩy sản xuất.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()