Hai ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump và Kamala Harris ngày 8/8 nhất trí tham gia tranh luận do đài ABC News tổ chức ngày 10/9. Thông tin về địa điểm, quy tắc và người điều phối sự kiện chưa được công bố.
Đây sẽ là cuộc đối đầu trực tiếp đầu tiên giữa ông Trump và bà Harris, sau khi Tổng thống Joe Biden rời cuộc đua vào Nhà Trắng cuối tháng 7 và "trao lại ngọn đuốc" cho cấp phó.
Cuộc tranh luận sẽ là cơ hội để cử tri Mỹ chứng kiến hai ứng viên đưa ra phương án giải quyết những câu hỏi khó về kinh tế, nhập cư và chính sách đối ngoại của đất nước. Tương tự cuộc tranh luận Trump - Biden ngày 27/6 do CNN tổ chức, cách hai ứng viên thể hiện trên sân khấu sẽ tác động rất lớn đến chiến dịch của họ, có thể tạo ra bước ngoặt trên con đường vào Nhà Trắng.
"Sự kiện có thể thu hút lượng người xem kỷ lục, cùng hàng loạt bài bình luận sau đó. Đây là cơ hội để Harris xóa bỏ hoài nghi rằng bà không có khả năng tranh luận, còn Trump có thể tái khởi động chiến dịch tranh cử, sau khi đối thủ Dân chủ cải thiện vị thế nhanh chóng trong các khảo sát", theo Todd Landman, nhà quan sát chính trị Mỹ tại Đại học Nottingham, Anh.
"Tôi nghĩ hai ứng viên đều có thể được hoặc mất nhiều trong tranh luận. Những sự kiện như vậy có ảnh hưởng đáng kể đến nhóm cử tri lưỡng lự, do đó, họ đều cần phải thể hiện tốt", Patricia Crouse, nhà khoa học chính trị Đại học New Haven, bang Connecticut, nhận định.
Sân khấu tranh luận sẽ là nơi thể hiện rõ sự tương phản giữa Trump và Harris, hai ứng viên có phong cách khác nhau khi phát biểu trước công chúng.
Theo Todd Graham, giáo sư về tranh luận tại Đại học Southern Illinois, bang Illinois, phong cách của ông Trump là "cường điệu khoa trương", thường nói chung chung và không đưa ra bằng chứng củng cố cho quan điểm của mình.
"Ông ấy sẽ đưa ra cả loạt tuyên bố nhưng không có quá nhiều nội dung liên quan đến câu hỏi", Graham nói. "Đó là phương pháp tranh luận kiểu 'ném đủ thứ lên tường, thể nào cũng có miếng dính lại'".
Graham cho rằng cách Trump tranh luận sẽ tạo ra thách thức cho cả bà Harris lẫn khán giả.
"So với bà Hillary Clinton và ông Biden, Trump luôn là diễn giả đại chúng tốt hơn, nhưng ông ấy cũng là người đưa ra nhiều thông tin sai lệch trong tranh luận", Graham bổ sung. "Do đó, nếu khán giả không quan tâm đến nội dung, chỉ chú trọng cảm xúc và cách thể hiện, Trump thường là người đáp ứng những tiêu chí này".
Ben Voth, giáo sư về hùng biện và tranh luận tại Đại học Southern Methodist, bang Texas, cho rằng bà Harris sẽ thể hiện bản thân là công tố viên đang đối đầu với một bị cáo. "Bà ấy từng thể hiện tốt khi đối đầu ông Biden cạnh tranh đề cử của đảng Dân chủ năm 2020. Những kỹ năng này có thể đã giúp bà trở thành phó tướng của ông Biden".
Một yếu tố tương phản nữa giữa hai ứng viên là ông Trump nổi tiếng thiếu kỷ luật trong khi bà Harris, từng là công tố viên, ngược lại.
Phong cách tranh luận quyết liệt của Trump được những người ủng hộ ông ca ngợi, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro đáng kể.
Một trong những nguy cơ lớn nhất với Trump là ông quay lại phong cách công kích giống như khi vận động tranh cử. "Ông ấy an toàn khi công kích bà Harris tại sự kiện vận động tranh cử của mình, nhưng điều này không hiệu quả nếu diễn ra trực tiếp trong tranh luận, trước hàng triệu người xem truyền hình", Graham cảnh báo.
Trump vốn không được lòng cử tri nữ, đặc biệt là phụ nữ da màu, và nhóm này có thể chống lại ông. "Nếu hành xử tệ, Trump còn có nguy cơ để mất nhóm cử tri độc lập ở các bang dao động mà ông cần để chiến thắng", Alan Schroeder, giáo sư danh dự tại Đại học Northeastern, bang Massachusetts, nói.
Một cạm bẫy tiềm ẩn là ông Trump "dễ bị chọc tức", trong khi bà Harris đã thể hiện khả năng chỉ trích khiến cựu tổng thống phải khó chịu.
Bà Harris cũng phải đối mặt những thách thức riêng. Phó tổng thống sẽ mất đi sự ủng hộ nếu lặp lại quá nhiều những lời sáo rỗng, như câu "không bị quá khứ đè nặng". "Đây là sự kiện tranh luận quan trọng nhất bà Harris từng đối mặt. Khi phát biểu trước công chúng, bà đôi lúc từng trả lời ngập ngừng, với lời lẽ được mô tả là 'lộn xộn' không đi vào trọng tâm câu hỏi", giáo sư Voth lưu ý.
Bà Harris cần tránh thể hiện hình ảnh "người theo chủ nghĩa tự do ở San Francisco" trước khán giả toàn quốc, bởi cách mô tả này có thể gây mất thiện cảm. Phó tổng thống còn phải tìm cách giữ bình tĩnh nếu bị ông Trump ngắt lời hay công kích.
Năm 2020, bà Harris cũng bị chen ngang khi tranh luận với Mike Pence, cấp phó của ông Trump. "Tôi đang nói" và "tôi đang nói, thưa phó tổng thống" là cách bà Harris đáp trả khi đó, nhưng chiến lược này sẽ không hiệu quả với ông Trump.
"Có thể có tác dụng một, hai lần, nhưng nếu bà Harris sử dụng nhiều lần, nó sẽ là dấu hiệu của sự kích động", Graham bổ sung.
Với hàng triệu người dự kiến theo dõi, tranh luận Trump - Harris sẽ là một trong những sự kiện được đón xem nhiều nhất mùa bầu cử năm 2024.
"Quy mô khán giả cho hình thức tranh luận này khoảng 50-80 triệu người. Nếu ứng viên tạo ra ấn tượng tiêu cực, họ sẽ hứng chịu thiệt hại sâu rộng, kéo dài", Voth nói. "Và cả hai ứng viên chắc chắc đều nhận ra rủi ro này".
Ý kiến ()