Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:58 (GMT +7)
Tham gia lễ hội xuân văn minh, an toàn
Thứ 4, 28/02/2024 | 07:50:54 [GMT +7] A A
Lễ hội xuân trên địa bàn tỉnh đang diễn ra trong bầu không khí vui tươi, phấn khởi. Để các lễ hội diễn ra trang trọng, tôn vinh nét đẹp phong tục truyền thống, rất cần ý thức tham gia lễ hội văn minh, an toàn của mỗi người dân.
Lễ hội đền Cửa Ông năm 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 12-13/3 (mùng 3-4/2 âm lịch). Theo BQL Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên, lực lượng hướng dẫn viên, thuyết minh viên miễn phí được bố trí sẵn sàng chào đón, hướng dẫn các đoàn đến đền. Các điều kiện, phương án phù hợp đảm bảo ANTT và ATGT khu vực di tích được chuẩn bị kỹ, chu đáo, đáp ứng số lượng lớn du khách và nhân dân. Công tác tuyên truyền trước, trong và sau lễ hội với hình thức đa dạng. Qua đó giúp người dân nhận diện đúng giá trị của lễ hội, di tích; nâng cao nhận thức, có ứng xử văn minh, ăn mặc phù hợp, hành xử đúng mực.
Tháng Giêng là thời điểm các lễ hội được tổ chức ở khắp các địa phương trong tỉnh. Qua việc tổ chức lễ hội, nhiều nét đẹp sinh hoạt văn hóa truyền thống của nhân dân được khơi dậy, bảo tồn và phát huy giá trị. Từ đó góp phần bảo tồn những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, của địa phương theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ. Để các lễ hội xuân diễn ra văn minh, an toàn, các ngành, địa phương trong tỉnh đều chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch cụ thể trong công tác tổ chức và quản lý. Trong đó chú trọng bám sát các quy định, nghị định, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VH,TT&DL, của tỉnh để rà soát, kiểm tra đồng loạt phương án phòng chống cháy nổ, đảm bảo ANTT, thuận tiện cho nhân dân, du khách khi tham gia lễ hội. Các đoàn liên ngành của tỉnh và cấp huyện được thành lập, tăng cường giám sát, đôn đốc việc chấp hành tại các lễ hội, di tích, nhằm kịp thời phát hiện các dấu hiệu, xử lý nghiêm những vi phạm, đặc biệt là các hành vi trục lợi từ lễ hội, trộm cắp, lừa đảo, cờ bạc, mê tín dị đoan...
Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh. Lễ hội xuân 2024 có nhiều điểm đổi mới khi toàn quốc thực hiện Bộ tiêu chí “Môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” do Bộ VH,TT&DL ban hành (Quyết định số 2068/QĐ-BVHTTDL, ngày 3/8/2023). Trên cơ sở đó, các địa phương xây dựng môi trường văn hóa lễ hội văn minh, lành mạnh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và lan tỏa trong đời sống xã hội; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, du khách về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh khi tham gia lễ hội; bài trừ các hủ tục, tập tục, tập quán lạc hậu, nghi lễ có tính bạo lực và các hành vi phản cảm, lệch chuẩn trong lễ hội.
Ghi nhận tại các địa phương trong tỉnh cho thấy, công tác phối hợp liên ngành trong quản lý, tổ chức lễ hội xuân văn minh, an toàn... nhìn chung được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Bên cạnh vai trò của lực lượng chức năng, mỗi người dân tham gia lễ hội xuân cần tự trang bị cho mình ý thức hành xử văn minh, an toàn, như không chen lấn gây ùn tắc, đảm bảo ATGT, giữ gìn vệ sinh môi trường và ATTP, phòng chống cháy nổ, dâng hương và hóa vàng mã theo đúng quy định của ban tổ chức...
Trong hai ngày 19 và 20/2, Đoàn thanh tra Bộ VH-TT&DL đã kiểm tra thực tế công tác quản lý lễ hội tại Di tích quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông – Cặp Tiên và Khu danh thắng Yên Tử. Đoàn đề nghị các BQL di tích, BTC lễ hội tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm công tác quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội và khai thác giá trị di tích lịch sử văn hóa tại địa phương theo quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật Tín ngưỡng tôn giáo; các Chỉ thị của Ban Bí thư; Công điện, Chỉ thị, Nghị định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ VHTTDL về công tác quản lý và tổ chức lễ hội... Đồng thời cần tăng cường phối hợp, nâng cao trách nhiệm để kịp thời chấn chỉnh những phát sinh, tồn tại (như đốt nhiều vàng mã, ăn xin, khấn thuê, hàng quán lấn chiếm lối đi vào di tích, tổ chức trò chơi cờ bạc trá hình...); hướng dẫn nhân dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm hiện tượng phản cảm diễn ra trong lễ hội; quản lý nguồn thu công đức công khai, minh bạch; tăng cường công tác tuyên truyền về lịch sử di tích và ý nghĩa lễ hội...
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()