Tất cả chuyên mục

Chương trình “Tàu thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản” (The Ship for Southeast Asian and Japanese Youth Program, viết tắt: SSEAYP) là chương trình hợp tác thường niên giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản cùng với chính phủ 10 nước ASEAN. Thật may mắn, cuối năm 2014, Quảng Ninh đã có một bạn trẻ được tham gia SSEAYP (từ ngày 29-10 đến 17-12-2014, đến các nước Nhật Bản, In-đô-nê-xi-a, Campuchia, Bru-nây và Mi-an-ma). Đó là anh Nguyễn Văn Bình, công tác tại Ban Quốc tế, Tỉnh Đoàn Quảng Ninh. Không chỉ là một trong 29 người được lựa chọn từ hàng nghìn hồ sơ đăng ký dự thi của các bạn trẻ trong toàn quốc mà anh còn là đại diện duy nhất của Quảng Ninh tham gia chương trình này.
![]() |
Nguyễn Văn Bình, đại diện duy nhất của Quảng Ninh tham gia SSEAYP năm 2014. |
Gần ba tháng trôi qua kể từ ngày trở về từ chuyến tàu thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản, trên gương mặt anh vẫn rạng rỡ nụ cười và những câu chuyện thú vị về hành trình SSEAYP. Trò chuyện với PV Báo Quảng Ninh, anh chia sẻ:
+ “Ngay lúc này, cảm xúc về chuyến đi như mới ngày hôm qua, tất cả vẫn rõ nét và vẹn nguyên, như một động lực thúc đẩy, nhắc nhở tôi phải phấn đấu nhiều hơn nữa trong cuộc sống. Những người bạn, thành phố, con người, văn hoá nơi chúng tôi đến, những hoạt động, chia sẻ cùng nhau trên tàu Nippon Maru chính là trải nghiệm quý báu của tuổi thanh xuân không thể có lần thứ hai. Trước đó khoảng 6 tháng, khi nhận được thông tin tuyển thanh niên tham gia chương trình SSEAYP năm 2014, tôi đã vô cùng háo hức, bởi đây là ước mơ không chỉ của riêng tôi mà rất nhiều bạn trẻ cũng ao ước được một lần trong đời trải nghiệm chuyến đi này. Tôi nhanh chóng làm hồ sơ dự thi, chuẩn bị những kỹ năng cần thiết để phỏng vấn.
- Nếu “Cuộc đời là những chuyến đi” thì qua chia sẻ của anh, có thể thấy SSEAYP là một hành trình đặc biệt ý nghĩa đối với mọi thành viên. Vậy qua hành trình, anh đã có những trải nghiệm đặc biệt nào?
+ 52 ngày của chuyến đi là khoảng thời gian trải nghiệm không thể quên. Lần đi ngắm bình minh núi lửa Bromo ở Indonesia đẹp đến ngỡ ngàng, lần đầu tiên được mặc Yukata (một loại Kimono - PV), lần đầu tiên ăn bốc khiến tôi hơi bất ngờ rồi cũng “xông pha” như ai, rồi học “lỏm” cách cầu nguyện của các bạn đạo Hồi, biết nói cảm ơn và xin chào bằng nhiều ngôn ngữ… Không những thế, chúng tôi hoàn toàn “bị cô lập với thế giới bên ngoài” bởi vì trên tàu không có internet, mạng xã hội hay công nghệ. Thời gian đầu khá “bứt rứt” nhưng ngay sau đó, tất cả đều nhanh chóng hoà nhập vào những hoạt động trên tàu hay tham gia các chương trình tại địa điểm tàu cập bến. Chỉ khi nào hi hữu bắt được wifi, các thành viên mới tranh thủ cập nhật tin tức về cho gia đình và bạn bè.
Tham gia chương trình, tôi học ở người Nhật sự kỹ tính, đúng giờ, học ở người Philipines sự phóng khoáng và cởi mở, học ở người Thái Lan sự sáng tạo… học cả khi vấp ngã. Chỉ cần cố gắng, cố gắng, thật nhiều, dù kết quả thế nào bạn cũng đã làm hết khả năng của mình để không phải hối hận. Đặc biệt, trong suốt hành trình, điều tôi ấn tượng nhất chính là con người Nhật Bản. Hôm ấy, khi đang đi dạo ở một khu trung tâm thương mại tại Tokyo, nhóm tôi bị lạc đường. Sau khi hỏi một người dân bản địa, biết chúng tôi là người nước ngoài, anh ta đã dẫn chúng tôi đi tận hai con phố, về đúng điểm tập kết đoàn. Mọi người đều rất cảm kích và ấn tượng.
![]() |
Các đại biểu tham dự SSEAYP năm 2014 cùng nhau thể hiện biểu tượng “Nụ cười Hạ Long”. |
- Trong chuyến đi anh đã chuẩn bị những gì để giới thiệu hình ảnh của Quảng Ninh cũng như Việt Nam đến bạn bè thế giới?
+ Trước khi đi, tôi cũng đã suy nghĩ khá nhiều và quyết định chọn các sản phẩm truyền thống, đồ lưu niệm làm từ ốc và than đá để giới thiệu. Các bạn nước ngoài đều rất hứng thú và ấn tượng. Bên cạnh đó, trong các buổi thảo luận quốc tế, chúng tôi tích cực quảng bá hình ảnh của Vịnh Hạ Long, mang đến nhiều thông tin hữu ích để bạn bè hiểu thêm về văn hoá, con người Việt Nam. Không những thế, mọi người trong đoàn còn làm biểu tượng “Nụ cười Hạ Long” như thông điệp về một Hạ Long thân thiện, hiếu khách. Với chủ đề của chương trình năm vừa qua là “Sự tham gia của thanh niên trong các hoạt động xã hội”, đoàn Việt Nam đã trình bày báo cáo quốc gia về chiến dịch Mùa hè xanh. Với cách thể hiện trẻ trung, sinh động qua video clip theo phong cách hoạt hình, bài trình bày của đoàn đã được Ban Tổ chức và các đoàn bạn hào hứng theo dõi, đánh giá cao. Tới đây, từ ngày 23 đến 26-4, Việt Nam sẽ có cơ hội đăng cai Đại hội cựu thành viên tàu thanh niên Đông Nam Á (SIGA) tại Hà Nội và Quảng Ninh. Đây sẽ là cơ hội để bạn bè quốc tế tìm hiểu và khám phá về Vịnh Hạ Long và Quảng Ninh.
- Qua những điều anh chia sẻ, hẳn anh đã có được những dự định cho công việc của mình sau chuyến đi?
+ Bản thân làm việc tại Ban Quốc tế của Tỉnh Đoàn, đã từng tổ chức nhiều hoạt động tại địa phương nhưng chưa có cơ hội để tham gia hoạt động giao lưu quốc tế. Tham dự chuyến đi là dịp để tôi tiếp xúc với các bạn trẻ tài năng, học hỏi nhiều điều về văn hoá, phong tục, con người các nước trong khu vực, cách ứng xử, thích nghi với môi trường quốc tế. Không những thế, trong quá trình tham gia SSEAYP, tôi có thêm nhiều kinh nghiệm về cách thức tổ chức các chương trình bổ ích dành cho đoàn viên thanh niên, đặc biệt để thúc đẩy và phát triển CLB tiếng Anh Đoàn Khối Các cơ quan tỉnh và CLB tiếng Anh cơ quan Tỉnh Đoàn Quảng Ninh. Bên cạnh đó, với mạng lưới các thành viên tham gia SSEAYP, tôi hy vọng mình sẽ là một trong những cầu nối để kết hợp thực hiện nhiều chương trình quốc tế cho các bạn trẻ Quảng Ninh.
- Là đại diện duy nhất của Quảng Ninh tham gia chương trình, anh có thể “bật mí” một vài “bí kíp” với các bạn đoàn viên thanh niên không?
+ Thực sự nói “bí kíp” thì hơi quá, đó chỉ là một số kinh nghiệm mà tôi đã “góp nhặt” được, mong muốn chia sẻ cùng các bạn. Điều quan trọng nhất và là hành trang trong chuyến đi này chính là ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh. Trong thời buổi hiện nay, hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu và ngoại ngữ chính là chiếc chìa khoá cần phải có để mở cánh cửa bước ra thế giới. Ngay từ bây giờ, các bạn trẻ hãy trang bị cho mình một vốn tiếng Anh thật chắc chắn để có thêm nhiều cơ hội giao lưu, hoàn thiện bản thân. Điều thứ hai, bên cạnh việc trang bị kiến thức, các bạn có thể rèn luyện thêm về kỹ năng mềm như: Giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề… để có đủ tự tin và bản lĩnh khi tham dự các chương trình quốc tế. Cuối cùng, tuổi trẻ chỉ có một lần, hãy nỗ lực phấn đấu để trải nghiệm và tận hưởng cuộc sống này. Trên tàu, chúng tôi hay gọi đây là chuyến đi “một lần trong đời” (once-in-a-lifetime journey) để thấy ý nghĩa sâu sắc mà bất cứ ai đã tham gia chương trình đều không thể quên. Hiện nay, chương trình đang tuyển đại biểu cho mùa 2015, chúc các bạn sẽ sớm trở thành đại diện của Quảng Ninh, của Việt Nam trên chuyến tàu Đông Nam Á và Nhật Bản này.
- Xin cảm ơn anh về chia sẻ đáng quý vừa rồi, chúc anh sức khoẻ và thành công trong cuộc sống!
Hoàng Quỳnh (thực hiện)
Ý kiến (0)