Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:52 (GMT +7)
Thảm họa mới của điện ảnh Việt
Thứ 3, 05/09/2023 | 17:03:34 [GMT +7] A A
Phim kinh dị, hành động “Bến phà xác sống” vẫn chưa khắc phục được những hạn chế của phần trước. Tác phẩm mất điểm vì kịch bản nhiều lỗi và khâu sản xuất thiếu đầu tư.
Bến phà xác sống là hậu truyện (sequel) của Cù lao xác sống từng gây xôn xao năm ngoái. Phần tiền nhiệm được chú ý vì là một trong những phim Việt đầu tiên khai thác đề tài xác sống, đồng thời quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng gồm Huỳnh Đông, Ốc Thanh Vân, Trần Phong…
Khi ra mắt, tác phẩm lập tức nhận nhiều lời chê về nội dung, kỹ xảo lẫn tạo hình xác sống. Thậm chí, nhiều khán giả còn mạnh dạn đánh giá đây là “thảm họa” của điện ảnh Việt trong năm 2022.
Dẫu vậy, phim vẫn có doanh thu khá tốt, đạt gần 13 tỷ đồng theo số liệu từ Box Office Vietnam (đơn vị quan sát phòng vé độc lập). Thành tích đó là động lực để nhà sản xuất tiếp tục ra mắt phần tiếp theo nhưng chất lượng phim vẫn chỉ ở mức trung bình.
Kịch bản nhiều sạn
Chuyện phim nối tiếp những sự kiện ở phần trước, sau khi đại dịch xác sống lan rộng đến vùng cù lao thuộc phía hạ nguồn sông Mekong. Nhân vật chính là thầy thuốc Công (Huỳnh Đông) phải tìm cách dẫn theo cha (Tấn Thi) và con gái (Mona Bảo Tiên) chạy trốn dịch bệnh.
Trên đường đi, gia đình Công gặp nhiều khó khăn nhưng cũng có thêm vài người bạn đồng hành. Họ chạy đến bến phà nhưng số phận chưa biết sẽ ra sao vì bầy xác sống xuất hiện ngày càng đông.
Khi Cù lao xác sống ra mắt, nhiều khán giả bày tỏ sự thất vọng vì phim kết thúc dang dở, với nhiều tình tiết chưa được xử lý trọn vẹn. Do đó, những ai chưa xem phần trước có thể cảm thấy phim hơi khó hiểu vì nội dung gắn liền với phần trước.
Tác phẩm vẫn do Nguyễn Thành Nam đạo diễn. Nhà làm phim lạm dụng lối kể đa tuyến khiến câu chuyện bị rối. Nhiều nhân vật xuất hiện nhưng chưa thực sự kết nối với nhau, thậm chí có phần thừa thãi.
Như phần đầu, kịch bản vẫn là điểm trừ lớn của phim. Câu chuyện có ý tưởng đơn giản nhưng trở nên hỗn loạn vì biên kịch quá tham lam, tạo ra nhiều tình huống liên tục.
Tác phẩm có những chi tiết khá ngớ ngẩn và phi logic, dễ khiến người xem chán nản. Chẳng hạn các nhân vật tranh cãi to tiếng trong khi xác sống nhạy cảm với âm thanh. Hay có nhân vật tự giải thoát bản thân bằng cách dùng răng cắn đứt dây trói một cách dễ dàng.
Vai phản diện được cài cắm từ phần trước bắt đầu lộ diện nhiều hơn, là một cú twist trong phim. Song, tính cách và số phận của nhân vật được khai thác thiếu hợp lý, trở thành dấu hỏi lớn với người xem.
Khâu sản xuất chưa được đầu tư
Bên cạnh nội dung, phần hình ảnh cũng là yếu tố khiến phim mất điểm. Tạo hình xác sống và khâu hóa trang được thực hiện sơ sài, trông không thật.
So với phần trước, ê-kíp có sáng tạo khi thêm thắt chủng loài xác sống mới, biết chạy và rượt theo con mồi, gợi nhớ bom tấn Train to Busan (2016) của Hàn Quốc. Song, phần lớn thời lượng, loài thây ma cũ vẫn di chuyển chậm chạp và khù khờ.
Việc các nhân vật di chuyển từ làng cù lao đến bến phà khiến bối cảnh phim thiếu đa dạng. Cách cắt dựng, sắp đặt khung hình cũng chưa được đầu tư. Đôi lúc, tác phẩm tạo cảm giác của web drama (phim chiếu mạng).
Diễn xuất của các diễn viên chỉ ở mức tròn vai. Đảm nhận vai chính Công, Huỳnh Đông không để lại nhiều ấn tượng trên màn ảnh rộng. Với phần kịch bản hạn chế, anh chủ yếu trung thành với nét diễn một màu, chưa lột tả được nội tâm nhân vật.
Các gương mặt nhí xử lý nhân vật còn thiếu tự nhiên, trong khi các diễn viên như Ốc Thanh Vân, Trần Phong không có nhiều cơ hội để tỏa sáng. Trái lại, 2 "cây hài" La Thành, Xuân Nghị đôi khi xuất hiện không đúng lúc, khiến tác phẩm chuyển tông sang phim hài thay vì giật gân, kịch tính.
Chọn thời điểm phát hành vào dịp lễ 2/9, Bến phà xác sống gặp nhiều thuận lợi vì không có quá nhiều tác phẩm cạnh tranh. Nhưng đến hiện tại, dự án chỉ thu về hơn 2,8 tỷ đồng tại phòng vé. Với tốc độ này, phim khó thể đạt được thành tích 13 tỷ đồng của phần đầu.
Trước khi Bến phà xác sống phát hành, một số ý kiến cho rằng nhà sản xuất cố tình tách bộ phim làm 2 phần để thu lợi nhuận. Quả thật, cả hai hoàn toàn có thể được cắt gọn và biên tập để trở thành một câu chuyện gọn gàng hơn.
Như phần đầu, phim vẫn khép lại với cái kết mở. Một vài tình tiết được cài cắm để làm bàn đạp cho các phần sau, hứa hẹn mở ra một “vũ trụ xác sống” của Việt Nam. Song, chất lượng của cả 2 phần đều thấp, khiến khán giả mất niềm tin vào ê-kíp.
Nhìn chung, Bến phà xác sống chưa phải là tác phẩm giúp điện ảnh Việt tự hào như cách Train to Busan từng làm với Hàn Quốc. Lỗi kịch bản và hạn chế trong khâu đạo diễn, sản xuất khiến dự án trở thành một bộ phim đáng quên trong năm nay.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()