Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 05:46 (GMT +7)
Tham nhũng và “hợp lý hóa”
Thứ 5, 18/10/2012 | 00:14:14 [GMT +7] A A
Trong báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) qua 5 năm thực hiện Luật PCTN của UBND tỉnh Quảng Ninh đã đánh giá việc tự thanh tra, kiểm tra để phát hiện tham nhũng trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế. Các vụ, việc tham nhũng chủ yếu được phát hiện thông qua giải quyết đơn thư tố cáo, tố giác của công dân và phát hiện chủ yếu ở cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn).
Vì sao tham nhũng ít được phát hiện qua công tác kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước, qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, mà chủ yếu qua tố cáo của công dân?
Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được chú trọng, công tác phối hợp chưa chặt chẽ. Kết quả xử lý, thực hiện các kiến nghị về tham nhũng, lãng phí sau kiểm tra, thanh tra, kiểm toán còn hạn chế. Nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở một số đơn vị biểu hiện buông lỏng, một số cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân, biểu hiện nói không đi đôi với làm hoặc làm chiếu lệ. Đồng thời công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống nói chung và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN nói riêng chưa đủ sức động viên và nâng cao ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên, chưa phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của xã hội và nhân dân trong PCTN.
Tình hình thực hiện Luật PCTN ở Quảng Ninh cũng là tình hình chung ở các địa phương trong cả nước. Điều này đã thể hiện rõ qua hội thảo về PCTN do Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh phối hợp tổ chức tại TP Hạ Long mới đây.
Có ý kiến cho rằng, để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí như hiện nay, có nguyên nhân từ cơ chế, chính sách còn chưa hoàn thiện và đồng bộ. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, mặc dù cơ chế, chính sách còn chưa hoàn thiện và đồng bộ, nhưng chỉ cần thực hiện nghiêm những gì đã có cũng sẽ chặn đứng, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Có người còn cho rằng, trong một việc, nhiều người cùng làm, cùng biết là làm sai, nhưng vờ như không biết, rồi cùng nhau tìm cách “hợp lý hóa”. Đã “hợp lý hóa” rồi thì kiểm tra khó mà phát hiện. Đã có lợi cùng nhau qua “hợp lý hóa” thì sao có thể tố cáo?
Chính cái tư tưởng “hợp lý hóa” mọi chuyện làm sai đang làm cản trở công tác PCTN của chúng ta. Tiến hành kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 cần phải xóa bỏ được tư tưởng “hợp lý hóa” này trong cán bộ, đảng viên.
Nguyên Đan
Liên kết website
Ý kiến ()