Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:38 (GMT +7)
Thăm trang trại sâm tiến vua tiền tỷ ở Bình Khê
Chủ nhật, 19/03/2023 | 14:44:39 [GMT +7] A A
Nhân chuyến công tác Đông Triều, tôi được nghe người bạn kể câu chuyện về việc trồng thành công giống sâm Nam núi Dành - giống sâm tiến vua, được coi là thần dược quý hiếm tại xã Bình Khê. Vì tò mò tôi và anh em trong đoàn hôm ấy quyết về bằng được để thăm vườn sâm quý.
Hành trình sâm quý về Bình Khê
Những ngày cuối tháng 3 trời nắng vàng, cái nắng mùa xuân làm con đường về với Bình Khê thêm đẹp hơn. Bình Khê hôm nay không chỉ là thủ phủ của những loài hoa muôn màu mà bà con nơi đây còn đang chuyển đổi thành công nhiều giống cây trồng, mang lại nguồn lợi lớn cho người dân. Một trong số đó là sâm Nam núi Dành.
Sâm Nam núi Dành là loài dược liệu quý vang danh từ hàng trăm năm trước, một sản vật độc nhất, sinh trưởng ở khu vực núi Dành (thuộc hai xã Liên Chung và Việt Lập, huyện Tân Yên, Bắc Giang). Giống dược liệu quý này gắn với huyền tích xa xưa. Tương truyền rằng có thời kỳ mẹ vua Tự Đức bị lòa mắt, nhiều thuốc thang chữa trị mà vẫn không khỏi, may nhờ có sâm núi Dành mà mắt bà sáng lại.
Tiếng lành đồn xa. Xưa đói kém nhưng một gốc sâm to có thể đổi được cả tạ gạo trắng nên bị người dân săn tìm ráo riết khiến sâm Nam ngày càng khan hiếm. Ở thế kỷ trước, sâm Nam núi Dành dần bị lãng quên, sau nhiều nỗ lực của các nhà khoa học cùng các cấp chính quyền và nhân dân, sâm Nam núi Dành đã hồi sinh.
"Người đầu tiên đưa sâm Nam về vùng đất Bình Khê là anh Nguyễn Xuân Huynh (thôn Dọc Mản), anh là người đi tiên phong đưa nhiều giống hoa, cây cảnh về Bình Khê. Đây là giống sâm được nhân giống ở một dự án nhân giống sâm Nam quý ở ngoại thành TP Bắc Giang do Sở Khoa học - Công nghệ và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đảm nhiệm" - chị Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Bình Khê chia sẻ.
Chuyện anh Huynh biết tới giống sâm này trong một lần rất tình cờ. Tháng 8/2022, anh Huynh có dịp đi chơi, được đến thăm Dự án này. “Thấy vườn sâm 3 - 4ha xanh mơn mởn, ra hoa nở trắng, tinh khôi bạt ngàn trong các vườn, đồi dưới chân ngọn núi cằn đầy sỏi đá. Ngoài giá trị kinh tế tiền tỷ của củ sâm, ít ai biết rằng hoa sâm cho thu hoạch hàng năm với giá cả triệu đồng/kg khô. Tôi bất giác nhớ tới những ngọn đồi cằn sỏi đá ở quê mình” - anh Huynh kể.
Thấy Dự án có định hướng mở rộng giống sâm quý này trên diện tích 200ha, anh Huynh mạnh dạn ký kết chuyển giao giống về Bình Khê. Sau đó, anh mời chuyên gia dự án về các quả đồi ở Bình Khê để khảo sát, đánh giá khá kỹ lưỡng về sự tương đồng ở khí hậu, thổ nhưỡng; chất đất ở những dãy đồi ở Bình Khê, vốn có giá trị địa chất tương đồng với vùng đất Bắc Giang ở phía Tây Yên Tử.
Và cuối tháng 8/2022, chừng 6 vạn cây sâm Nam giống được chuyển về Bình Khê. Do chưa có đủ không gian canh tác, số cây giống này được anh hợp tác trồng cùng một số hộ dân ở thôn xã Bình Khê.
“Tôi yên tâm đầu tư tiền tỷ đưa giống sâm này về Bình Khê bởi cơ sở khoa học, sự phù hợp với địa phương. Theo kết quả nghiên cứu công bố của Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) xác định, sâm Nam núi Dành có tên khoa học là Callerya speciosa, phân bố hẹp, chủ yếu ở xã Việt Lập và Liên Chung, nơi có thành phần thổ nhưỡng đặc biệt (đá cám, Canxi và Magiê). Nhóm chất chính trong mẫu sâm là saponin (hoạt chất chính tạo nên những công dụng kỳ diệu của sâm), flavonoid (hoạt chất chống lão hóa), acid hữu cơ, acid amin...
Mẫu sâm hơn 5 tuổi có hàm lượng lớn hơn đáng kể so với mẫu 2, 3, 4 tuổi. Cụ thể, nhóm chất saponin ở củ sâm Nam núi Dành 5 tuổi cao hơn so với 2 tuổi 253%, flavonoid là 595%. Đáng nói, hàm lượng chất saponin tương đương với sâm Hàn Quốc và chỉ đứng sau sâm Ngọc Linh. Trong cuộc sống bà con cũng thường sử dụng sâm Nam để chữa các bệnh mãn tính như viêm gan, thấp khớp, gia tăng sự hồi phục các chức năng của cơ thể, được xem là loại thuốc bổ” - Anh Huynh kể đầy hào hứng.
Thử thách cho những người đi tiên phong
Dẫn chúng tôi qua tuyến đường mới khang trang đi xuyên thôn Đồng Đò, cán bộ nông nghiệp xã Bình Khê vừa chỉ vừa nói: Ngoài thủ phủ hoa cây cảnh, trên những ngọn đồi của thôn là những trang trại trồng sâm Nam núi Dành. Trong thời gian tới, kỳ vọng đó sẽ là những trang trại cho thu hoạch tiền tỷ từ giống sâm quý, được coi là thần dược.
Tới trang trại sâm Nam của gia đình ông Vũ Văn Túc (thôn Đồng Đò, xã Bình Khê), ông không giấu được hạnh phúc khi cả vạn cây sâm sinh trưởng phát triển tốt. “Quả ngọt” mà đôi bàn tay ông dày công chăm sóc đang vươn mình xanh tốt trên những sườn đồi đất đỏ bazan chi chít đá sỏi, quanh năm khô cằn.
Thế nhưng, theo ông Túc, khó khăn ban đầu khi các hộ trồng tiếp cận sâm Nam ở Bình Khê chính là thời gian cây sinh trưởng, phát triển đến khi thu hoạch khá lâu, trung bình từ 4-5 năm, thậm chí tới 6-7 năm để củ sâm đạt khối lượng, dược tính theo yêu cầu. Điều này khiến chúng tôi cũng suy nghĩ nhiều. "Thế nhưng khi được biết, sâm Nam có đặc tính sinh trưởng phù hợp với diện tích đất đồi khô cằn của gia đình xưa nay chỉ hợp trồng vải, vài cây ăn quả, cho thu nhập thấp, hoặc để không, tôi cũng xuôi" - ông Túc kể.
Bên cạnh việc hy sinh lợi ích trước mắt để tính đến nguồn thu nhập ổn định lâu dài, những người trồng sâm như ông Túc cũng đã phải “dầm mưa dãi nắng” chăm sóc loài dược liệu này như “báu vật” của gia đình.
Vừa nghỉ mệt, lau mồ hôi đầm đìa trên trán, ông Túc chỉ giàn sâm bảo: Trồng được 1 năm cây đã khỏe, lớn nhanh. Trồng sâm Nam nhàn do đặc thù không dùng các loại phân bón trong quá trình canh tác. Thế nhưng khâu tưới tiêu, làm đất, dọn cỏ và gia cố hệ thống giàn leo... lại vất vả, quan trọng hàng đầu. Đất đồi cây trồng sinh trưởng chậm nhưng hễ 1- 2 hôm ngơi tay, cỏ dại lại mọc xanh um, ăn hết chất dinh dưỡng của sâm. Ban đầu thiếu kinh nghiệm nên cũng có một số gốc sâm bị còi, “chột” không lớn được.
Tương tự, trang trại chị của Vũ Thị Hẹn kế bên, trồng chừng hơn 1 vạn gốc sâm, đang sinh trưởng tốt. Nhiều gốc sâm bắt đầu lên nhanh, thân leo trên 1m. “Để có thành quả đó không hề đơn giản. Chăm sâm Nam núi Dành khó nhất chính là giai đoạn đầu khi sâm vừa được ươm xuống. Chúng tôi đã có những bài học xương máu khi xuống giống cây tháng 9, dịp đầu Thu. Ban đầu cây sinh trưởng tốt, lên đều. Thế nhưng vào Đông cây sinh trưởng kém, dần héo úa và chết hàng loạt, khiến chúng tôi rất bất ngờ", chị Hẹn kể.
Không chỉ trang trại chị Hẹn mà các trang trại khác trong xã đều gặp tình huống tương tự. "Nhận được thông tin từ các trang trại, tôi cũng bất ngờ. Bởi trước đó, cây hợp đất, sinh trưởng tốt. Kỹ thuật canh tác đúng hướng dẫn. Vào Đông ít mưa, thời tiết khắc nghiệt khiến hàng loạt sâm bị rụng lá chết dần. Nhìn cả nghìn cây sâm giống ở các trang trại lá úa, ngả vàng như lá bàng, rụng dần rồi chết…
Ước tính cả trăm triệu đồng khiến tôi chết điếng. Về sau tôi mới biết, mùa Đông cây sâm thường rụng hết lá, để dồn dưỡng chất cho củ. Để cây sống, trước vụ Đông cần chăm sóc tốt, làm cỏ kỹ, tưới đủ nước để cây khỏe, có đủ dinh dưỡng tích cho củ. Thế nhưng do thiếu kinh nghiệm, thiệt hại lần đó cũng cả trăm triệu đồng", anh Huynh kể.
Triển vọng trên quê hương mới
Trà hoa sâm Nam núi Dành có công dụng mát gan, tiêu độc, giải nhiệt, tiêu hóa, an thần chữa mất ngủ. Ngoài ra, hoa sâm còn được sử dụng làm thang trong các bài thuốc đông y. Chất Saponin trong củ sâm Nam núi Dành có tác dụng cung cấp hoạt chất bồi bổ cơ thể như axit amin, khoáng chất, dầu thơm… giúp tăng cường sinh lực, tăng khả năng miễn dịch, ngừa lão hóa, chống oxy hóa, tăng khả năng hấp thụ dưỡng chất, chống viêm, kháng khuẩn, ức chế vi rút và một số tác dụng ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư.
Theo cam kết, đơn vị đối tác của Dự án đang mong muốn mở rộng diện tích lên 200 ha để đáp ứng nhu cầu chế biến, đồng thời đảm bảo bao tiêu toàn bộ sản phẩm hoa và củ sau khi thu hoạch, anh Túc chia sẻ thêm.
Theo tìm hiểu, giống sâm quý này hiện đã được các nhà khoa học bắt tay vào nghiên cứu, phát triển quy mô lớn. Hiện hoa sâm thu hoạch chế biến trà hoa sâm khô cho giá thành từ 700.000đ - 1.000.000đồng/kg. Củ sâm tươi cũng có giá khoảng 2 triệu đồng/kg.
Ngoài ra, khi nhân được giống sâm Nam, cây giống có giá dao động từ 15.000 - 25.000đồng/gốc. Mỗi héc-ta sâm 2 tuổi trở lên sẽ cho 3 - 4 tấn hoa tươi, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Nếu canh tác đúng kỹ thuật, cây trồng này có thể đưa lại thu nhập hàng tỷ đồng/ha.
"Đây là cây trồng mới, bước đầu cho thấy có sự phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất Bình Khê. Hiện đang có 3 hộ ở thôn Đồng Đò và Tây Sơn canh tác. Diện tích đất đồi canh tác cây lâu năm ở Bình Khê chiếm khá nhiều. Trong đó có nhiều diện tích đất đồi sỏi đá, canh tác các loại cây ăn quả nhưng hiệu quả chưa cao, có thể chuyển đổi để trồng sâm Nam. Điều chúng tôi hy vọng là cây sâm Nam chứng minh được hiệu quả để có thể nhân rộng, giúp người dân Bình Khê làm giàu trên mảnh đất của mình", chị Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Bình Khê chia sẻ.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()