Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 12:56 (GMT +7)
Tham vọng của điện ảnh Việt Nam và giấc mơ giữa muôn trùng khó khăn
Thứ 3, 02/01/2024 | 11:24:46 [GMT +7] A A
“Giữa muôn trùng vây” hay “Thập diện mai phục” vốn là tên một bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, nhưng cụm từ này đang trở nên thích hợp để diễn tả muôn vàn khó khăn, bộn bề của điện ảnh Việt khi được xác định là một trong 12 ngành mũi nhọn của chiến lược công nghiệp hóa văn hóa.
Trong chiến lược công nghiệp văn hóa đến 2030 tầm nhìn đến 2045, ngành điện ảnh cùng với 11 ngành mũi nhọn được kỳ vọng sẽ kiếm ra tiền, đóng góp cho GDP.
Khi được hỏi về tham vọng này, nhiều đạo diễn nói, “Chúng ta thậm chí chưa có nổi một trường quay đúng nghĩa. Với phim ảnh, trường quay giống như nhà máy, khi chưa có nhà máy, rất khó để tính những chuyện xa xôi”.
Trường quay đang để... trồng bưởi
Ông Nguyễn Minh Tiệp - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa, (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc trường quay Cổ Loa từ ngày 1.12.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Tiệp nói: “Tôi đã về nhận nhiệm vụ tại trường quay Cổ Loa. Nói chung, chúng tôi đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn”.
Trường quay Cổ Loa được xây dựng từ năm 1959 với sự hợp tác của Đức và Nga, nhiều lần được đầu tư, “đổ tiền đổ của” vào xây dựng, nhưng không hoạt động hiệu quả.
Từ năm 2009-2010, hơn 100 tỉ đồng đã được rót vào trường quay này để thực hiện 2 bộ phim lịch sử chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngay sau khi phim quay xong, bối cảnh bị bỏ hoang.
Theo ghi nhận của phóng viên Lao Động, trên vùng đất của trường quay hiện đang cho... trồng bưởi.
Trước câu hỏi đặt ra về kế hoạch để trường quay Cổ Loa hoạt động đúng chức năng, ông Nguyễn Minh Tiệp nói: “Sắp tới, chúng tôi sẽ cho dẹp hết những loại cây trồng này. Tôi mới nhận công việc được 2 tuần nhưng đã bàn với ban lãnh đạo những kế hoạch ban đầu để sang năm mới 2024, trường quay Cổ Loa sẽ đi vào hoạt động, trước mắt sẽ là kế hoạch hợp tác với các hãng phim, đoàn phim để xây dựng bối cảnh quay phim tại đây”.
Ông Tiệp cho rằng, để xây dựng được các bối cảnh tại trường quay Cổ Loa sẽ phải cần đến “nhiều tiền”. Và đó sẽ là bài toán “xã hội hóa” không hề đơn giản với lãnh đạo trường quay trong năm 2024.
Nhân lực thiếu và yếu
Ông Minh Tiệp - xuất thân từ một diễn viên cho biết: “Thời điểm là diễn viên, tôi từng tham dự nhiều liên hoan phim quốc tế, từng đến các trường quay của Hàn Quốc, Trung Quốc, tiếp xúc với diễn viên nước bạn... Tôi luôn nể phục sự chuyên nghiệp và mức độ đầu tư của họ cho điện ảnh. Tôi cho rằng, diễn viên Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia nào, đều có ngoại hình, có tài năng, nhưng chưa có đủ đất để tỏa sáng. Tôi muốn nói đến đội ngũ biên kịch của chúng ta còn mỏng, ít ỏi. Chúng ta chưa có được nhiều kịch bản hay. Diễn viên có nổi tiếng đến mấy, tài đến mấy cũng không thể cứu nổi một kịch bản tệ”.
Chuyên gia văn hóa Hàn Quốc - Tiến sĩ Đặng Thiếu Ngân chia sẻ, biên kịch ở Việt Nam chưa được coi trọng như một nghề nghiệp. Rất ít sinh viên theo học chỉn chu, chuyên nghiệp công việc này. Trong khi đó, để có được số lượng hằng mấy trăm phim sản xuất mỗi năm, Hàn Quốc có lực lượng biên kịch rất lớn, chuyên nghiệp.
“Biên kịch là một nghề hái ra tiền ở Hàn Quốc. Một bộ phim thành công có thể giúp biên kịch đổi đời sau một đêm, sống dư dả với số tiền cát-xê kếch xù. Biên kịch ở Hàn Quốc cũng rất quyền lực, họ có quyền chọn đạo diễn, diễn viên để thực hiện tác phẩm của mình. Trong khi đó, đội ngũ biên kịch ở Việt Nam rất mỏng, chưa kể đều là các cây viết trẻ, còn tập sự, vốn sống ít...” - Tiến sĩ Đặng Thiếu Ngân nói.
Khi biên kịch chưa đủ vốn sống, thiếu tầm nhìn, sẽ khó có được sự đột phá về kịch bản, ý tưởng, câu chuyện. Bởi vậy, trong nhiều năm, phim Việt bị chỉ trích chỉ quẩn quanh chuyện gia đình, ngoại tình, đánh ghen. Kịch bản phim Việt luôn bị đánh giá yếu và thiếu.
Cùng với sự thiếu vắng biên kịch giỏi nghề, đội ngũ đạo diễn tài năng, có thể tạo nên những cú bứt phá phòng vé chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Để thực hiện công nghiệp hóa được điện ảnh, chúng ta cần đến rất nhiều tài năng ở nhiều lĩnh vực, nhiều khâu khác nhau, từ biên kịch, đạo diễn, diễn viên đến cả những lực lượng làm ánh sáng, phục trang và công tác PR, quảng bá. Riêng điều đó đã là một thách thức quá lớn” - Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đưa quan điểm.
Giấc mơ và tham vọng
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng, ngay cả khi “công nghiệp điện ảnh” là một giấc mơ giữa muôn trùng khó khăn vây quanh, chúng ta vẫn cần phải mơ ước, và cần phải có tham vọng.
Để có được nền công nghiệp giải trí hùng mạnh bậc nhất, ngoài chiến lược bài bản, ngoài chính sách hỗ trợ, còn là sự đồng lòng, nỗ lực, chăm chỉ và thực hiện tính kỷ luật nghiêm ngặt của cả hệ thống nhân sự, trong đó tiêu biểu là những nghệ sĩ.
Tại một hội thảo về công nghiệp văn hóa, nhạc sĩ Quốc Trung đã trao đổi với phóng viên Lao Động, “Trước khi bàn tới việc thu tiền cho GDP hay bước ra thế giới, tôi nghĩ trước nhất, mỗi nghệ sĩ phải ý thức được trách nhiệm, phải chăm chỉ làm việc, và có khát vọng lớn. Hầu hết nghệ sĩ Việt đều chỉ đang mải chơi gameshow, chạy sô kiếm tiền... Gần như không có ai nghĩ sẽ học tập, rèn luyện để bước ra thế giới”.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()