Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 09:50 (GMT +7)
Than Uông Bí - Nhiều giải pháp hoàn thành mục tiêu kép năm 2021
Thứ 6, 03/12/2021 | 09:00:01 [GMT +7] A A
Từ đầu năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 liên tiếp bùng phát đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Than Uông Bí - TKV. Có thời điểm, mỏ bị thiếu từ 200-400 lao động/ngày do liên quan đến những ca F0, F1 trên địa bàn TP Uông Bí. Trong khi, những khó khăn về biến động địa chất và diện sản xuất phức tạp vẫn luôn thường trực, buộc Than Uông Bí phải nỗ lực hơn so với các mỏ trong vùng. Để thực hiện thành công mục tiêu kép, Công ty Than Uông Bí đã chủ động đẩy mạnh ứng dụng và nhân rộng các giải pháp công nghệ để quản lý, điều hành sản xuất và mang lại hiệu quả.
Giao ca, nhật lệnh bằng phần mềm máy tính là một trong những giải pháp công nghệ mang lại nhiều lợi ích cho Công ty Than Uông Bí - TKV. Toàn bộ khâu viết nhật lệnh sản xuất trong một buổi giao ca sẽ được thực hiện trên môi trường phần mềm, thay vì viết và ký bằng tay như trước.
Anh Trịnh Xuân Nguyên, Quản đốc Phân xưởng K21 cho biết: “Nếu theo quy trình cũ, công tác viết nhật lệnh bằng tay sẽ diễn ra trong thời gian từ 60 phút đến gần 2 tiếng đồng hồ. Nhưng nay, bằng phần mềm ca lệnh sản xuất, thời gian dành cho công tác này được rút ngắn chỉ còn 10 phút”.
Khâu viết nhật lệnh sản xuất là căn cứ để Quản đốc phân xưởng giao việc cho từng lao động và quán triệt chặt chẽ những yêu cầu về công tác an toàn. Vì vậy, việc thực hiện các thao tác này trên phần mềm máy tính không những tiết kiệm thời gian giao ca, mà còn đảm bảo tính chính xác, dễ lưu trữ, dễ truy xuất thông tin về ca lệnh sản xuất.
Tích hợp với phần mềm viết nhật lệnh sản xuất là ứng dụng nhận diện khuôn mặt và ký ca lệnh bằng vân tay. “Ứng dụng này được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2021. Công nhân khi đến nhà giao ca tự điểm danh bằng phần mềm nhận diện khuôn mặt và ký lệnh sản xuất bằng vân tay, thay vì đợi phó quản đốc điểm danh bằng cách gọi tên từng người. Thời gian để thiết bị nhận diện khuôn mặt và ký lệnh bằng vân tay từ 1-2 giây, nhanh hơn nhiều lần so với quy trình cũ. Hiện, 100% các phân xưởng trong công ty đã được lắp đặt thiết bị nhận diện khuôn mặt và vân tay với tổng số 88 máy, đảm bảo độ chính xác tuyệt đối” - ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty cho biết thêm.
Nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý, điều hành sản xuất; ngoài việc giao ca, nhật lệnh sản xuất trên phần mềm máy tính đã được Công ty Than Uông Bí áp dụng, nhân rộng từ năm 2020 đến nay; đơn vị này cũng đã tiên phong áp dụng phần mềm kế toán chấm công chia lương trên máy tính, phần mềm thẻ từ kiểm soát ra vào lò, phần mềm chữ ký số...
Đồng bộ với giải pháp tin học hóa khâu quản lý, điều hành sản xuất là nỗ lực tiếp tục nhân rộng công nghệ khai thác hiện đại trong toàn mỏ. Đây là yếu tố quyết định đến mục tiêu tăng năng suất, cải thiện môi trường làm việc cho người lao động của Công ty. Hiện nay, mỏ này đang tổ chức khai thác 10 diện lò chợ cơ giới hóa và công nghệ mới nhân rộng, gồm 1 lò chợ áp dụng công nghệ 2ANSH, 5 lò chợ công nghệ giá khung GK và ZH, 4 lò chợ áp dụng công nghệ giàn chống mềm ZRY. Trong tháng 11 vừa qua, mỏ này đã tiếp tục đưa thêm 1 lò chợ sử dụng giàn mềm ZRY vào khai thác.
Xác định công tác phòng dịch vẫn là then chốt, từ đầu năm 2021 đến nay, Công ty Than Uông Bí luôn kiểm soát chặt chẽ người ra, vào công ty bằng test nhanh Covid-19; tiếp tục yêu cầu 100% cán bộ, công nhân quét mã QR trước khi vào khu vực sản xuất; duy trì hình thức giao ca giãn cách và nhật lệnh bằng công nghệ thông tin; ăn ca tự chọn trong nhà ăn có bố trí vách ngăn chắn giọt bắn. Hiện, 100% cán bộ, công nhân Công ty đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Nhờ những giải pháp hiệu quả trong phòng dịch và tổ chức sản xuất, kết thúc tháng 11/2021, Công ty Than Uông Bí đã hoàn thành gần 2,4 triệu tấn than nguyên khai; đào trên 28.000m lò chuẩn bị sản xuất, đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, trong bối cảnh các ngành kinh tế và nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; thì trên 5.000 lao động, thợ lò tại Công ty Than Uông Bí vẫn được đảm bảo an toàn, được duy trì công việc đầy đủ với mức thu nhập bình quân trên 15,8 triệu đồng/người/tháng. Riêng thợ lò có thu nhập bình quân trên 21,7 triệu đồng/người/tháng, tăng khoảng 5% so với kế hoạch năm 2021.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()