Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 22:40 (GMT +7)
Thắng để làm chi vậy?
Chủ nhật, 24/12/2006 | 09:49:42 [GMT +7] A A
Nhìn bảng tổng sắp huy chương Đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á thấy Việt Nam ngất ngưởng ở ngôi đầu, huy chương vàng nhiều gần gấp đôi Thái Lan (74 so với 42) mà... buồn. Và xấu hổ.
Sao lại buồn, sao xấu hổ khi mình đứng nhất, đâu phải đứng chót ? Những người lãnh đạo thể thao và giáo dục Việt Nam trong buổi họp báo tổng kết giải đã "hồ hởi" và "tự hào" với thành tích của "thể thao sinh viên VN" kia mà! Đâu có ai nói buồn, càng không thấy ai nói ngượng hay gì cả kia mà! Ông Nguyễn Trọng Hỷ còn nói: "Chúng ta tự hào khi các tuyển thủ quốc gia của chúng ta là sinh viên". Ông Hỷ chỉ quên nói: những tuyển thủ quốc gia chúng ta có phải thi vào đại học để thành sinh viên không ? Và họ học chủ yếu ở trường nào? Với lịch tập luyện và thi đấu quanh năm suốt tháng, liệu họ có thời gian để tới trường ? Không ai phản đối chuyện ưu tiên các vận động viên có thành tích khi đặc cách cho họ vào đại học TDTT (dĩ nhiên, chỉ đại học TDTT, chứ không phải bất cứ đại học nào), nhưng không phải vì thế ta lại nhập nhằng "đánh bùn sang ao" khi nói họ là sinh viên rồi mặc nhiên đưa họ đi thi đấu ở một giải phong trào, một giải khuyến học thể thao, khuyến chơi thể thao là chính như thế này. Nên nhớ, những huy chương vàng ở đại hội này cũng chỉ "vui là chính" chứ không nhằm khẳng định đẳng cấp của VĐV, dù là ở khu vực hay châu lục. Tại sao lại đưa một VĐV đẳng cấp châu Á, vừa đoạt huy chương vàng ở Doha sau những trận thi đấu kiệt sức, về chơi ngay ở giải thể thao phong trào này ? Và... thua. Bởi thắng để làm gì, và sức người chứ đâu phải máy mà thi đấu liên tục như thế ? Với tâm lý quyết có thành tích bằng mọi giá, dù thừa biết thành tích ấy chẳng có mấy ý nghĩa với thể thao đẳng cấp, nhưng lại có thể có nhiều ý nghĩa với... lãnh đạo ngành thể thao hay giáo dục, nên những nhà lãnh đạo ngành thể thao "hồ hởi" với kết quả "nhất ĐNA" này là phải ! Thậm chí, có người còn phát biểu rất... kỳ quặc là: "Nếu đưa VĐV là sinh viên đúng nghĩa đi thi đấu, chúng tôi sẽ không thể bảo đảm an toàn cho SV, vì làm thế sẽ rất... nguy hiểm (sic!)". Tôi thực sự không hiểu, đưa vận động viên đúng là sinh viên chơi ở giải đấu sinh viên này thì tại sao lại "nguy hiểm" ? Nếu thế, thì tổ chức đại hội thể thao sinh viên Đông Nam Á này làm gì ? Và mục đích của nó là gì ? Và để "chữa thẹn", người ta đã "vu" cho một số VĐV nước bạn là "VĐV chuyên nghiệp vừa thi đấu ở Doha về", trong khi thực ra không phải vậy: họ đúng là sinh viên, chỉ chơi thể thao nghiệp dư, và cũng chưa có vinh dự đi ASIAD. Thực ra, chuyện nhập nhằng này chưa phải lớn so với những nhập nhằng gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho Nhà nước hay góp phần làm mất uy tín quốc gia như những vụ tham nhũng. Nhưng "tham danh", "hám danh" kể cả những hư danh, liệu có được coi là "anh em" với "hám lợi" hay "tham tiền"? Vì ở ta, từ cái "danh" đi tới cái "thực" cũng chẳng mấy hồi! Vì thế mới có chuyện thuê người làm luận văn thạc sĩ, tiến sĩ, lo chạy hội đồng này hội đồng nọ để được những cái "danh" nhiều khi rất khó hiểu. Với những vận động viên quốc gia của ta, thì giải đấu phong trào này đúng là "cuộc dạo chơi" với họ. Nhiều khi họ cũng chẳng tha thiết gì, vì nó không mang lại cho bảng thành tích thực sự của họ một lợi điểm nào. Nhưng họ phải ra sân thi đấu vì... các sếp. Cũng là nỗi khổ "ăn cơm chúa múa tối ngày" mà thôi. Xét về thực chất, thì việc những VĐV quốc gia Việt Nam được Nhà nước nuôi và trả lương để quanh năm tập luyện và thi đấu không thua bất cứ VĐV chuyên nghiệp nào trên thế giới (dĩ nhiên là thua rất xa về thu nhập và đãi ngộ). Nhưng không thể vin vào lý do Việt Nam "chưa có thể thao chuyên nghiệp" để gọi họ là VĐV nghiệp dư rồi đưa họ đi thi đấu ở một giải thể thao hoàn toàn nghiệp dư để... kiếm thành tích. Làm thế là không giống ai đâu! Kỳ lắm!
Liên kết website
Ý kiến ()