Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 00:51 (GMT +7)
Thanh niên nông thôn lập nghiệp
Thứ 3, 21/05/2024 | 12:31:52 [GMT +7] A A
Với ý chí vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương; nhiều thanh niên nông thôn đã mạnh dạn khởi nghiệp, lập nghiệp bằng những mô hình kinh tế sáng tạo. Qua đó khẳng định vai trò của tổ chức đoàn trong việc hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội, anh Lê Văn Dương (thôn Nam 1, xã Liên Vị, TX Quảng Yên) mong muốn được trở về địa phương để lập nghiệp. Sau khi đi thực tế, tìm hiểu một số mô hình kinh tế của thanh niên, anh nhận thấy ở địa phương mình có lợi thế về nuôi trồng thủy sản (NTTS) nên đã đầu tư đầm nuôi cá vược. Gia đình anh Dương có truyền thống nghề NTTS nên rất có kiến thức về công việc này.
Anh Dương chia sẻ: “Lúc đầu nuôi cũng gặp trường hợp cá chết, nên tôi nghiên cứu lại về tỷ lệ nuôi thả, điều kiện nguồn nước, loại thức ăn phù hợp để cho cá sinh trưởng tốt. Thành quả thu được từ mô hình nuôi cá vược đem lại thu nhập ổn định cho gia đình tôi. Với diện tích 2ha, mỗi năm tôi nuôi 1,5 vạn con cá giống, cho thu hoạch mỗi vụ khoảng 10-12 tấn, trừ chi phí thu lãi trên 400 triệu đồng”.
Anh Phùn Tắc Sếnh (thôn Cao Lâm, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên) cũng là một trong những tấm gương thanh niên vượt khó vươn lên. Đầu năm 2021, nhận thấy tiềm năng từ mô hình nuôi gà Tiên Yên, anh đã mạnh dạn đầu tư trang trại chăn nuôi gà. Được sự đồng hành và tư vấn của Đoàn Thanh niên xã, anh Sếnh tham gia các lớp tập huấn nuôi gà thương phẩm và tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi qua kênh của tổ chức Đoàn. Đến nay với khoảng 1.500 con gà được xuất bán mỗi năm, gia đình anh Sếnh có thu nhập 60-70 triệu đồng/năm.
Anh Sếnh cho biết: "Nhờ sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn, tôi được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, chuyển giao tiến bộ KHKT... Vì thế mô hình nuôi gà của gia đình tôi phát triển thuận lợi, cuộc sống khấm khá hơn. Tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi, liên kết với các đơn vị, tổ chức để bao tiêu sản phẩm, hướng tới mục tiêu lập nghiệp bền vững hơn".
Thời gian qua, xác định đồng hành cùng thanh niên trong phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Đoàn, Tỉnh Đoàn đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thanh niên về nghề nghiệp, việc làm, khởi nghiệp với nhiều hoạt động đa dạng; đồng thời đẩy mạnh truyền thông và nhân rộng các mô hình khởi nghiệp thành công. Tỉnh Đoàn thành lập và duy trì tốt hoạt động của CLB Đầu tư và Khởi nghiệp ở cấp tỉnh, cấp huyện. Qua đó tạo diễn đàn cho thanh niên chia sẻ, trao đổi những kỹ năng, kinh nghiệm về khởi nghiệp, lập nghiệp.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, toàn Đoàn đã phát triển được 2 mô hình kinh tế mới trong thanh niên ở TP Móng Cái, huyện Ba Chẽ, là mô hình thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi. Cụ thể là Đại lý cám gạo, Tiệm giặt sấy cao cấp Khoa Phú của anh Phạm Văn Minh (TP Móng Cái); Tổ hội liên kết sản xuất và phát triển cây dược liệu xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ). Cùng với đó, các cấp bộ đoàn đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 3.500 lượt ĐVTN; tiếp tục khai thác các nguồn vốn vay hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo, đảm bảo tăng chất lượng vốn vay, không để xảy ra tình trạng vay sai đối tượng. Tính đến tháng 3/2024, tổng dư nợ vốn vay ủy thác qua Ngân hàng CSXH đạt trên 100 tỷ đồng.
Phong trào lập nghiệp của thanh niên nông thôn phát triển mạnh, không ít thanh niên lập nghiệp với nhiều dự án mới, phù hợp thị trường trong và ngoài tỉnh. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều CLB đầu tư khởi nghiệp ở các địa phương đã có những tấm gương thanh niên tiêu biểu xuất sắc trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, dịch vụ…
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()