Từ 0h ngày 23/8, Công an Nghệ An lập thêm 70 chốt, kết hợp với 43 chốt cũ để kiểm soát người tham gia giao thông trên các tuyến đường. Mỗi chốt có từ 3 đến 5 chiến sĩ trực, dừng tất cả xe đi qua để kiểm tra giấy tờ.
Khoảng 15 phút đầu buổi sáng, tại chốt đầu đường Hồ Tùng Mậu, cán bộ công an dừng gần 20 ôtô, xe máy. Trung bình, mỗi xe dừng khoảng khoảng nửa phút để hoàn tất thủ tục kiểm tra. "Người tham gia giao thông chủ yếu là công chức, viên chức, người làm việc tại cơ quan. Họ đã chuẩn bị sẵn giấy đi đường nên việc kiểm tra thuận lợi", vị cán bộ nói.
Đi từ nhà tới cơ quan hơn 2 km, chị Hoàng Thị Hà, trú phương Lê Mao, gặp 4 chốt đều kiểm tra giấy tờ. "Tôi thấy hơi bất tiện và tốn thời gian cho việc phải xuất trình giấy tờ. Tuy nhiên, việc kiểm soát chặt như vậy cũng vì mục đích chung là phòng dịch nên tôi ủng hộ", chị Hà nói.
Càng về trưa, trên nhiều tuyến đường khác như Trần Phú, Phan Đình Phùng, Quang Trung, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai..., xe cộ càng thưa thớt. Có lúc cả đoạn đường dài hàng trăm mét không có xe nào.
Một cán bộ công an giải thích việc lập nhiều chốt trên một trục đường nhằm kiểm tra được hết tất cả phương tiện. Nếu nhiều xe cùng qua một chốt thì không nhất thiết dừng tất cả để kiểm tra, nhằm đảm bảo giãn cách. "Xe có thể đi qua chốt này, song chắc chắn tới chốt khác sẽ bị kiểm tra", vị này giải thích.
Thực hiện nghiêm yêu cầu "không ra khỏi nhà trong 7 ngày", nhiều người dân lo lắng sinh hoạt có thể ảnh hưởng bởi không được đi mua thực phẩm. "Thông tin 'không ra khỏi nhà trong 7 ngày' công bố muộn nên gia đình chưa kịp tích trữ gì. Chúng tôi chỉ có thể xoay xở trong 3 ngày, những ngày sau sẽ thiếu thốn", chị Lý, trú ở xã Hưng Đông, nói.
Chiều 23/8, TP Vinh ban hành văn bản siết chặt hơn những nhóm người được ra đường. Theo đó, thành phố dừng hoạt động hoạt động của shipper thuộc doanh nghiệp dịch vụ. Với lao động tại các nhà máy, xí nghiệp, chủ doanh nghiệp phải thực hiện "3 tại chỗ" (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ); nếu không phải thuê khách sạn hoặc nơi lưu trú cho lao động trong nội thành.
Ngoài ra, thẻ đi chợ của người dân tại các siêu thị cũng không còn tác dụng. Ông Trần Quang Lâm, Phó chủ tịch TP Vinh, cho hay phương án cung ứng lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân trong những ngày tới đang được tính toán.
TP Vinh hiện có một ổ dịch và hai chùm lây chính chưa xác định được nguồn lây. Nguy hiểm nhất vẫn là ổ dịch tại chợ đầu mối Vinh, từ ngày 14/8 tới nay ghi nhận 214 F0 ở 11 huyện thành, thị. Chùm ca bệnh tại trường cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, ở đường Hồ Tông Thốc, phát hiện từ 19/8, tới nay có 40 F0, lan ra 6 huyện thành.
Chùm thứ ba liên quan tới công nhân nhà máy may ở thị trấn huyện Yên Thành được phát hiện hôm 21/8, tới nay có 7 F0; chùm tại thứ tư tại huyện Diên Châu có 25 F0. "Các ca nhiễm trong cộng đồng trong những ngày tới vẫn còn, đặc biệt là tại TP Vinh. Ca nhiễm có giảm hay không phụ thuộc vào việc lấy mẫu người dân toàn thành phố để tách F0 ra khỏi cộng đồng", lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An cho biết.
Không chỉ cơ quan y tế lấy mẫu cộng đồng, những ngày này nhiều người dân TP Vinh cũng chủ động tới các bệnh viện, cơ sở y tế để test nhanh và xét nghiệm dịch vụ.
TP Vinh áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 17/8 sau khi ghi nhận 6 ca nhiễm trong cộng đồng. Từ 0h ngày 23/8, tỉnh quyết định nâng một mức so với Chỉ thị 16 yêu cầu người dân "ai ở đâu thì ở đó".
Ý kiến ()