Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 11:19 (GMT +7)
Thành tố quan trọng trong sự phát triển KT-XH ở Đầm Hà
Thứ 5, 18/04/2024 | 13:21:28 [GMT +7] A A
Trong quá trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, huyện Đầm Hà rất coi trọng di sản vân hoá vật thể, phi vật thể truyền thống và các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao quần chúng, coi đây là thành tố quan trọng trong sự phát triển KT-XH trên địa bàn.
Đầm Hà là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, hiện trên địa bàn huyện có 8 di tích được kiểm kê và xếp hạng, 3 nghệ nhân dân gian, 17 loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, 5 loại hình tập quán xã hội đã được kiểm kê để lập hồ sơ đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể của tỉnh. Toàn huyện có 2 lễ hội truyền thống là Lễ hội đình Đầm Hà, Lễ hội đình Tràng Y, cùng một số lễ hội đặc sắc của các DTTS. Trong đó, Lễ hội đình Đầm Hà giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân đồng bằng Bắc Bộ, kết hợp những nét độc đáo của diễn xướng dân gian hát nhà tơ - hát, múa cửa đình của cư dân ven biển.
Trong những năm qua, từ cấp huyện đến cấp xã, thôn và mỗi hộ dân ở Đầm Hà luôn quan tâm đến công tác giữ gìn, tôn tạo các di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa. Tiêu biểu, xã Dực Yên có Di tích miếu Sâu trong danh mục kiểm kê di tích của tỉnh, có các di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn, phát huy giá trị như Lễ hội Kiêng gió, CLB Hát sán cố của đồng bào người Dao. Xã Đầm Hà có miếu Cửa Sông, nhà thờ xứ Hà Lai, có Nghệ nhân nhân dân Đặng Thị Tự gắn với di sản văn hóa phi vật thể hát nhà tơ - hát, múa cửa đình. Xã xây dựng và duy trì các CLB Hát nhà tơ - hát, múa cửa đình để truyền dạy và lưu giữ cho các thế hệ sau.
Xã Quảng Tân duy trì làn điệu soóng cọ, nghi thức cầu mùa của dân tộc Sán Chỉ; nghi thức cúng cơm mới và cầu mùa của dân tộc Tày; nghi thức cấp sắc, hát đối của dân tộc Dao Thanh Y. Đặc biệt, xã Quảng Tân đã thành lập CLB Hát soóng cọ để tổ chức gặp gỡ, giao lưu và tôn vinh nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Xã Tân Bình cũng đang duy trì làn điệu soóng cọ của đồng bào dân tộc Sán Chỉ, trong đó ông Trần Văn Phú còn lưu giữ được sách ghi chép những làn điệu, bài hát soóng cọ đặc sắc. Xã Tân Lập có nghi thức cúng cơm mới và cầu mùa của dân tộc Tày, hát đối trên sông của một số đồng bào ven biển.
Bên cạnh đó, các di tích lịch sử, văn hóa cũng được các xã quan tâm bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị gắn với việc tổ chức các lễ hội truyền thống trên địa bàn...
Cùng với văn hoá truyền thống, Đầm Hà đẩy mạnh các phong trào văn hoá quần chúng, hoạt động văn nghệ, thể thao bề nổi. Đến nay, trên địa bàn huyện có 7/8 xã có nhà văn hóa thể thao sức chứa 250-500 chỗ ngồi, có đầy đủ trang, thiết bị hoạt động theo quy định và tổ chức hoạt động thường xuyên; 7/8 xã có sân thể thao cấp xã, trong đó 5 xã có lắp đặt các dụng cụ thể dục, thể thao ngoài trời.
Từ nguồn vốn xây dựng NTM, huyện Đầm Hà đã xây mới 39 nhà văn hóa và sửa chữa, nâng cấp 27 nhà văn hóa thôn, bản, nâng tổng số lên thành 70 nhà văn hoá thôn, bản trên địa bàn. Hiện 100% thôn, bản, khu phố có nhà văn hóa, đảm bảo diện tích quy hoạch theo quy định và đảm bảo công năng hoạt động. Tỷ lệ thôn văn hóa trên địa bàn Đầm Hà đạt 100%, trong đó 9 thôn, khu dân cư được khen thưởng Khu dân cư văn hóa 5 năm liên tục. Cùng với đó, Đầm Hà còn có 156 điểm vui chơi giải trí dành riêng cho trẻ em, trong đó 46 điểm tại các điểm trường mầm non, 23 điểm tại các trường tiểu học, 83 điểm tại các xã, thị trấn do đoàn thanh niên phát động làm từ vật liệu tái chế, 4 điểm do tư nhân mở.
Việt Hoa
- Trao tặng thiết bị y tế cho Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà
- Đầm Hà phát triển toàn diện ngành thủy sản
- Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra nuôi biển tại Đầm Hà
- Phụ nữ Đầm Hà tích cực giúp nhau phát triển kinh tế
- Đầm Hà: Thi Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp THCS năm học 2023-2024
- Đầm Hà: Hiệu quả từ thực hiện Nghị quyết 06
- Đầm Hà: Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn và tuyên dương tài năng trẻ, học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2023-2024
Liên kết website
Ý kiến ()