Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 03:22 (GMT +7)
Thanh tra 17 doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất xăng dầu
Thứ 6, 14/10/2022 | 15:36:25 [GMT +7] A A
Thanh tra Chính phủ ra quyết định số 396/QĐ-TTCP về thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu đối với 15 đầu mối kinh doanh xăng dầu tại ba miền Bắc, Trung, Nam và 2 đơn vị sản xuất xăng dầu.
Cụ thể, đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra 6 doanh nghiệp phía Bắc, trong đó có Tập đoàn xăng dầu Việt Nam và Công ty TNHH MTV – Tổng Công ty xăng dầu Quân đội; 7 doanh nghiệp phía Nam, trong đó có Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Công ty CP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty CP Thương mại đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu… và 2 doanh nghiệp ở miền Trung.
Ngoài ra, đoàn thanh tra cũng sẽ thanh tra tại 2 đơn vị sản xuất xăng dầu thuộc PVN gồm: Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn và Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Theo quyết định thanh tra nêu trên, đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra trong giai đoạn từ 1/1/2017 đến 30/6/2022, khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra. Thời hạn thanh tra là 60 ngày làm việc thực tế.
Đoàn thanh tra gồm 12 người, trong đó, Trưởng đoàn là ông Dương Quốc Huy, Vụ trưởng Vụ I, Thanh tra Chính phủ.
Trước đó, vào tháng 7/2022, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), các thương nhân đầu mối xăng dầu về việc cử tổ công tác làm việc và thu thập thông tin, tài liệu phục vụ công tác thanh tra năm 2022.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương báo cáo về công tác lập và công bố công khai quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu; quy hoạch phát triển hệ thống kho cảng xăng dầu đầu mối, kho xăng dầu dự trữ chiến lược và dự trữ lưu thông, hệ thống tuyến ống xăng dầu trên phạm vi cả nước; công khai, kết quả thực hiện quy hoạch, các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; quy trình cấp phép kinh doanh xăng dầu đối với lĩnh vực kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu; sản xuất, pha chế xăng dầu; dự trữ xăng dầu cũng như tổng số đơn vị được cấp phép, trách nhiệm của từng đơn vị trong đảm bảo nhu cầu cung ứng xăng dầu trên thị trường.
Một nội dung khác cũng được cơ quan thanh tra yêu cầu báo cáo, đó là quy trình trích, sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; việc niêm yết công khai giá bán xăng dầu, công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu...
Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu 3 bộ (Công Thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ) báo cáo về việc xây dựng, ban hành kế hoạch, quyết định phân công tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ; việc tham mưu theo thẩm quyền để cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để thực hiện các nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện hàng năm, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.
Thanh tra Chính phủ còn đề nghị các cơ quan nêu trên thông tin về quỹ bình ổn giá xăng dầu (quy trình trích, sử dụng, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân); việc niêm yết công khai, công tác kiểm tra, kiểm soát giá xăng dầu…
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()