Nuôi 200 tấn cá chép giòn mỗi năm, ông Lê Văn Dũng, 60 tuổi, ở huyện Thanh Bình thu về hàng chục tỷ đồng.
Từng trắng tay vì thua lỗ nhiều vụ cá tra, 10 năm trước ông Dũng tìm nuôi những giống cá mới, mong gầy lại sự nghiệp vì không nỡ bỏ nghề "cha truyền con nối". Trong chuyến tham quan ở Hải Dương, lần đầu tiên ông biết đến cá chép giòn.
Thấy loài cá lạ, miền Tây chưa có, giá trị kinh tế lại cao, ông Dũng nhập gần 3.000 cá giống về nuôi tại bè cặp sông Tiền ở xã An Phong, huyện Thanh Bình. Với kinh nghiệm nuôi cá nhiều năm, ngay vụ đầu tiên tỷ lệ cá nuôi cho thịt giòn ít nhiều thành công.
"Chép giòn không phải là một giống cá mà chúng được nuôi bằng thức ăn đặc biệt, giúp thịt dai hơn bình thường", ông Dũng nói và cho biết nhìn mắt thường rất khó phân biệt cá chép giòn với cá chép thường, chỉ nấu thịt của chúng lên ăn mới biết được.
Giải thích kỹ hơn, nông dân này cho biết cá chép bình thường nuôi trong lồng từ bé bằng thức ăn công nghiệp. Khi đạt khoảng 1,5 kg cá được chuyển qua lồng khác nuôi, bắt đầu thời gian chuyển giòn trong khoảng 100 ngày tiếp theo. Giai đoạn này, cá chỉ ăn hạt đậu tằm được nhập từ Trung Quốc, Australia... Chính thành phần có trong đậu tằm đã chuyển biến thịt của cá chép. Mỗi con có thể ăn hết 1,5-2 kg đậu. Cũng từ lúc này, cá không tăng trọng lượng.
Theo ông Dũng, cá chép trong hai giai đoạn nuôi ngoài thức ăn công nghiệp và đậu tằm, không sử dụng thêm bất kỳ loại nào khác. Sự chuyển hóa thịt của cá diễn ra nhờ đậu tằm một cách tự nhiên theo liều lượng cho ăn và thời gian, ngoài ra không thể can thiệp thêm bằng cách khác. Nhiều loại cá ăn hạt đậu tằm thịt cũng trở nên giòn và dai, chứ không riêng cá chép.
Kỹ thuật nuôi cá chép không quá phức tạp vì loài này vốn dễ nuôi. Ông Dũng nhập giống cá chép thường từ miền Bắc, giá 300-350 đồng mỗi con bằng chân nhang. Người nuôi tùy thời điểm nước chảy mạnh hay yếu, lượng oxy trong nước nhiều hay ít để điều chỉnh mật độ cá trong bè.
"Ở điều kiện nước bình thường, trong giai đoạn chuyển giòn có thể thả 40-60 kg trên mỗi m3; nếu nước chảy mạnh có thể tăng lên 70 kg mỗi m3. Với giống cá tốt và nguồn nước thuận lợi, tỷ lệ cá đạt giòn có thể lên tới 90%", ông Dũng nói.
Cũng theo người nông dân này, thị trường tiêu thụ cá chép giòn không chỉ ở miền Tây mà còn ở nhiều địa phương khác. Vì còn khá lạ, loài cá này ít bán ở chợ mà thường được cung ứng cho các nhà hàng, quán ăn. Những vụ thu hoạch đầu tiên, ông phải chở cá đến từng nhà hàng giới thiệu, hướng dẫn đầu bếp và thậm chí nấu cá để mời chủ nhà hàng thưởng thức.
Đến nay, hơn 20 bè cá mỗi vụ của ông Dũng đều có thương lái, bạn hàng đến tận nơi thu mua. Giá bán chép giòn cao gấp đôi so với cá chép thường, trên dưới 100 nghìn đồng mỗi kg, thời điểm hút hàng lên đến 200 nghìn đồng mỗi kg. Mỗi năm ông xuất khoảng 200 tấn cá chép giòn, thu lời nhiều tỷ đồng.
Giảng viên Dương Nhật Long (Khoa Thủy sản, Đại học Cần Thơ) cho biết, cá chép giòn được các tỉnh phía Bắc nuôi từ nhiều năm trước. Tỉnh Lâm Đồng từng trồng hạt đậu tằm để cung cấp cho người nuôi. "Cá chép giòn không phải là loài cá bị đột biến. Do thành phần đạm có trong hạt đậu tằm đã thay đổi thịt của chúng, con người có thể yên tâm sử dụng", ông nói.
Ý kiến ()