Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:57 (GMT +7)
Kết nối du lịch liên vùng an toàn
Chủ nhật, 23/01/2022 | 10:17:21 [GMT +7] A A
Theo kịch bản lạc quan nhất, phải đến nửa sau năm 2022 du lịch quốc tế mới phục hồi, 6 tháng đầu năm 2022, du lịch nội địa sẽ tiếp tục là động lực vực dậy toàn ngành. Phát triển du lịch vùng xanh đã được ngành du lịch Quảng Ninh xác định là vô cùng cấp bách nhưng hợp tác như thế nào để du lịch vừa an toàn, hấp dẫn vừa thân thiện vẫn đang là bài toán khó.
Bức tranh với nhiều điểm sáng
Mặc dù sự xuất hiện của biến thể Omicron đang phủ bóng đen lên triển vọng phục hồi của du lịch, tuy nhiên đây sẽ chỉ là tác động trong ngắn hạn. Bức tranh chung của ngành du lịch trong năm 2022 được đánh giá là sẽ tươi sáng hơn so với năm 2021 do những thay đổi mang tính quyết định như Chính phủ thay đổi cách tiếp cận từ “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Tiếp đến là những nỗ lực của Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng trong việc bao phủ vắc-xin cho toàn dân. Quảng Ninh hiện đang đứng trong top các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất cả nước. Hơn 99% dân số Quảng Ninh đủ điều kiện đã được tiêm mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19; tỉnh cũng đặt mục tiêu trong tháng 1/2022 hoàn thành việc tiêm mũi 3 vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân.
Sau 2 năm bị kìm nén bởi dịch Covid-19, việc bị kìm chân trong nhà, đã khiến nhu cầu du lịch của người dân được đẩy lên cao. Khảo sát của các hãng lữ hành chỉ ra rằng, nhu cầu đi du lịch của người Việt Nam hiện nay rất lớn, được ví như "lò xo bị nén" có thể bật mạnh trong thời gian tới. Những thị trường du lịch lớn như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đều đang có những chuyển biến tích cực về tình hình dịch bệnh. Cụ thể TP Hồ Chí Minh - thị trường chính của du lịch nội địa Quảng Ninh đã chuyển “xanh” xét về cấp độ dịch.
Bức tranh chung với nhiều điểm sáng không chỉ là thuận lợi duy nhất. Qua 2 năm “thích nghi” với Covid-19, sức đề kháng và khả năng ứng phó với dịch bệnh của du lịch Quảng Ninh đã tăng lên đáng kể. Theo báo cáo của Sở Du lịch, toàn tỉnh đã có 625 doanh nghiệp/cơ sở đạt các tiêu chí an toàn về phòng chống dịch theo bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch của tỉnh Quảng Ninh. Các điểm đến và cơ sở dịch vụ này cung cấp sự đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho du khách khi tới nghỉ dưỡng và sử dụng dịch vụ.
Quảng Ninh cũng đã sẵn sàng phương án đón khách quốc tế, lựa chọn được các đơn vị cung cấp dịch vụ bao gồm điểm đến, khách sạn, tàu lưu trú, đơn vị vận chuyển, đáp ứng các tiêu chí an toàn và hấp dẫn.
Kết nối du lịch trọng điểm phía Bắc
Khẳng định để phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay cần tận dụng mọi thời gian, mọi cơ hội, trước mắt là đón dòng khách du lịch mùa xuân, ngày 14/1, Sở Du lịch Quảng Ninh đã chủ trì phối hợp với Công ty CP Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Vietravel tổ chức Hội nghị “Hợp tác, kết nối chương trình du lịch an toàn giữa Quảng Ninh - Hà Nội - Ninh Bình”.
Tại hội nghị, đại diện các sở du lịch đã giới thiệu hành lang du lịch an toàn; thông tin về định hướng du lịch năm 2022; chia sẻ về các chương trình du lịch an toàn, sản phẩm du lịch mới năm 2022, từ đó xây dựng nền tảng để quảng bá, xúc tiến các sản phẩm du lịch liên vùng.
Phát biểu tại hội nghị, bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó Giám đốc Ban Sản phẩm dịch vụ của Vietravel, cho biết: Quảng Ninh - Hà Nội - Ninh Bình là 3 trọng điểm du lịch phía Bắc, hợp thành tam giác trọng điểm du lịch mà hãng lữ hành này từ lâu đã khai thác với các sản phẩm đặc thù. Các chương trình tour đang được hãng lữ hành này chào bán bao gồm chương trình trong ngày đến chương trình dài ngày (5 ngày).
Thế mạnh của du lịch Quảng Ninh - Hà Nội - Ninh Bình là cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và đa dạng; Nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc riêng; giao thông thuận tiện cả về đường bộ, đường thủy, đường hàng không; hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ, quy mô, hiện đại và mỗi địa phương lại có tiềm năng, thế mạnh và thị trường du lịch riêng.
Dựa trên lợi thế sẵn có Quảng Ninh - Hà Nội - Ninh Bình khi liên kết đã tạo ra vùng tam giác du lịch trọng điểm với sản phẩm nổi trội, mang tới đa dạng trải nghiệm cho du khách. Tại Hà Nội, du khách được trải nghiệm du lịch mua sắm, giải trí, ẩm thực đường phố; tại Quảng Ninh du khách được sống trọn từng khoảnh khắc không gian thiên nhiên của biển đảo hùng vĩ, trong lành, du lịch miền núi và du lịch nghỉ dưỡng; còn Ninh Bình sẽ cung cấp những sản phẩm du lịch văn hóa và sinh thái.
Thu hẹp độ “chênh” liên kết vùng và “du lịch thân thiện”
Lợi thế khi phát triển du lịch liên vùng giữa các địa phương là rất lớn. Tuy nhiên để đưa khách di chuyển giữa các điểm đến liên vùng trong thời điểm hiện tại vẫn hết sức thử thách. Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Vietravel, chia sẻ: “Mặc dù Việt Nam có tỷ lệ tiêm chủng cao vào nhóm đầu của thế giới. Có thể nói Việt Nam là một điểm đến an toàn, tuy nhiên giữa các địa phương về công tác phòng chống dịch vẫn có những độ “chênh”, chưa có sự thống nhất. Chính vì vậy, chúng tôi cũng có kiến nghị với ngành du lịch của 3 địa phương Quảng Ninh - Hà Nội - Ninh Bình nên tổ chức một buổi xúc tiến, trọng tâm là thống nhất các biện pháp phòng chống dịch cũng như các kịch bản xảy ra khi có F0 và F1 trong đoàn đi”.
Đưa khách qua các điểm đến liên vùng, doanh nghiệp lo lắng khi chương trình tour đã lên kế hoạch nhiều tháng trời “đột ngột” thay đổi trở tay không kịp, lo ngại khi khách được đón tiếp tại một địa phương nhưng khi đến địa phương khác không được tiếp nhận. Một vấn đề khác cũng được đơn vị lữ hành đưa ra là khi đoàn du lịch xuất hiện ca F0 thì phương án cách ly nào là phù hợp để vừa an toàn nhưng cũng đảm bảo sự thuận tiện, đảm bảo chương trình tour không bị vỡ? Đối tượng nào phải cách ly, đối tượng nào được phép tiếp tục lịch trình?
Trong dịch bệnh, thông điệp truyền thông du lịch an toàn là nhất quán ở tất cả các điểm đến. Tiếp đó, là yếu tố hấp dẫn. Nhưng các sở du lịch, điểm đến và công ty lữ hành đều nhận ra rằng yếu tố “thân thiện” của du lịch đang bị lãng quên. Nhiều câu chuyện về cách ứng xử với du khách được nêu ra tại hội nghị trở thành bài học thấm thía để cả ngành du lịch soi lại mình: Đó là câu chuyện giữa đêm người khách bị mời ra khỏi khách sạn; là câu chuyện cả một nhóm khách cùng đi, cùng chọn một sản phẩm giống nhau nhưng đơn vị cung cấp dịch vụ buộc phải cung cấp đãi ngộ khác nhau.
Một hành trình du lịch nơi những vị khách có thể gặp rắc rối bất cứ lúc nào có lẽ cũng không còn hấp dẫn để họ muốn xách ba lô lên và đi. Chính vì thế, du lịch liên kết vùng ngoài an toàn, hấp dẫn còn phải thuận tiện và thân thiện.
Việc thống nhất các tiêu chí đón khách liên vùng giữa các điểm đến đồng thời cũng tạo thuận lợi cho các hãng lữ hành khi xây dựng các chương trình quảng bá, xây dựng thông điệp quảng bá chung cho cả vùng, ông Trần Đoàn Thế Duy cho biết.
Sở Du lịch 3 tỉnh, thành phố cùng Công ty Vietravel đã ký biên bản ghi nhớ triển khai du lịch an toàn; thống nhất hợp tác tư vấn nghiên cứu xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, các sản phẩm liên kết vùng nhằm mục tiêu tạo chuỗi sản phẩm phát triển du lịch chung; hợp tác trong các hoạt động xúc tiến du lịch, quảng bá du lịch, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ ngành du lịch của các tỉnh, thành phố; tổ chức thực hiện các đoàn xúc tiến du lịch, thương mại, đầu tư... trong và ngoài nước cho các cơ quan, ban, ngành của các tỉnh.
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, khẳng định: Với tinh thần hỗ trợ, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó, Sở Du lịch Quảng Ninh sẽ tổng hợp các đề xuất ý kiến, đề xuất trình UBND tỉnh xem xét tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện khơi thông du lịch liên vùng, trước mắt là để đón đầu dòng khách cho mùa du lịch xuân, ngay trong và sau Tết Nguyên đán, từng bước hiện thực mục tiêu đón 9,5 triệu khách trong cả năm 2022 và phục hồi bền vững ngành du lịch.
Đào Linh
Liên kết website
Ý kiến ()