Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 03/11/2024 19:24 (GMT +7)
Thảo luận tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khoá XII: Sôi nổi và trách nhiệm
Thứ 4, 16/07/2014 | 06:33:57 [GMT +7] A A
Trong ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khoá XII, các đại biểu (ĐB) sôi nổi thảo luận về những nội dung của kỳ họp. Ghi nhận của nhóm PV Báo Quảng Ninh tại phiên thảo luận tổ và tại hội trường trong ngày hôm qua 15-7.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Hiền tham gia phát biểu thảo luận tại tổ. |
Tăng cường giải pháp phát triển KT-XH
Tại phiên thảo luận, các ý kiến đều khẳng định: 6 tháng đầu năm 2014, mặc dù có nhiều khó khăn, song bằng các biện pháp quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, KT-XH của tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng khá. Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, các ĐB thống nhất, cần chủ động, tăng cường hơn nữa các giải pháp trong chỉ đạo, điều hành; tiếp tục thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược… ĐB Phạm Hoàng Dương (tổ Hạ Long) cho rằng, thời gian gần đây, thị trường bất động sản trầm lắng. Chính phủ và tỉnh đã có nhiều giải pháp kích cầu, tuy nhiên thị trường này vẫn chưa có tín hiệu tốt. Vì vậy, tỉnh cần có cơ chế thông thoáng hơn để kích cầu thị trường bất động sản. Tỉnh đang khởi động chủ đề hợp tác công - tư, đây là chủ trương rất đúng đắn và rất cần thiết, nhất là trong tình hình khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, thực hiện thế nào để có kết quả tốt lại là vấn đề cần tính toán kỹ. Vì vậy, tỉnh cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể, rõ nét để hấp dẫn các doanh nghiệp thực hiện mô hình này.
ĐB Trịnh Thị Minh Thanh (tổ Hạ Long) cho rằng: Tỉnh đang dành nhiều nguồn lực tập trung phát triển các công trình trọng điểm. Tuy nhiên, nhiều cử tri vẫn kiến nghị về một số công trình, dự án chậm triển khai, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh. Để phát triển KT-XH năm 2014 và những năm tiếp theo, tỉnh cần đẩy nhanh và triển khai dứt điểm các công trình, dự án nhằm đảm bảo đời sống cho người dân.
Theo ĐB Vũ Thị Thanh (tổ Quảng Yên), ngoài những giải pháp đã nêu trong dự thảo nghị quyết, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, tỉnh cần quan tâm hơn đến quản lý giá, nhất là đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn... để thu hút du khách đến Quảng Ninh, từ đó tăng thu từ ngành Du lịch. Cùng với đó, cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế, giá đối với các hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh để tận thu các khoản nợ đọng... ĐB Vũ Thị Thanh cũng đề nghị, để đẩy nhanh công tác giảm nghèo thì vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm được coi là yếu tố quan trọng, do đó, tỉnh cần có chính sách đặc thù về đào tạo nghề một cách phù hợp với từng đối tượng, từng vùng, miền.
Siết chặt quản lý tài nguyên rừng
Liên quan đến vấn đề Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2012-2020 và Quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh, ĐB Đỗ Thị Lan (tổ Uông Bí) cho rằng, việc thông qua quy hoạch này là hết sức cần thiết, phù hợp với điều kiện thực tiễn, cũng như đáp ứng mong muốn của đông đảo cử tri. Tuy nhiên, ĐB đề nghị tỉnh quan tâm bổ sung vào quy hoạch cơ sở xây dựng quy hoạch; làm rõ nhiệm vụ phân định đất rừng để tránh tình trạng xâm lấn, chồng lấn đất rừng. Cùng với đó, nên có định hướng thu hút đầu tư và phát triển bảo vệ rừng, quy hoạch phát triển lâm sản ngoài gỗ, quy hoạch phát triển vùng dược liệu.
ĐB Phạm Văn Hoài (tổ Tiên Yên) cho rằng việc thông qua kết quả rà soát, điều chỉnh cục bộ 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết, bởi nội dung này được nhiều ĐB cũng như đông đảo cử tri quan tâm. Theo ĐB, phần lớn các vụ khiếu kiện, kiến nghị, bức xúc của nhân dân hiện nay đều liên quan đến đất đai, đặc biệt là đất lâm nghiệp. ĐB Phạm Văn Hoài lý giải trước đây do phương tiện đo vẽ thô sơ, địa hình phức tạp nên khi thực hiện giao đất rừng và đất bãi triều, đất mặt nước thiếu cụ thể và chưa chính xác, có nhiều trường hợp chồng lấn, không xác định được ranh giới... Do vậy, ĐB này đề nghị, trước khi thực hiện quy hoạch, cần rà soát một cách chi tiết, cụ thể, phân định ranh giới rõ ràng. Đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, cần quan tâm giữ nguyên, thậm chí tăng thêm chứ không nên giảm; đồng thời siết chặt quản lý gắn với trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan.
ĐB Chu Văn Tuyển (tổ Quảng Yên) đề nghị, tỉnh sớm thông qua quy hoạch bảo vệ phát triển rừng, đồng thời tăng cường tuyên truyền về tầm quan trọng trong công tác bảo vệ rừng, có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho trồng rừng; tiếp tục đổi mới hoạt động của các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng tình với quan điểm này, ĐB Nguyễn Xuân Ký (tổ Móng Cái) nhấn mạnh, quy hoạch cần gắn chặt với những quy hoạch của Trung ương và của tỉnh đã được thông qua liên quan về môi trường, du lịch, KT-XH... Đặc biệt, quy hoạch cần làm rõ cơ chế, chính sách để người dân hiểu và triển khai thực hiện, tạo đà cho người dân làm giàu từ rừng.
Quyết liệt xử lý nợ công
Vấn đề xử lý nợ công và đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) cũng thu hút sự quan tâm của nhiều vị ĐB. Đồng chí Vũ Văn Diện, Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên cho rằng, năm 2014, thực hiện chủ đề đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, vấn đề nợ đọng vốn đầu tư XDCB vẫn rất nan giải, gây trở ngại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì thế, tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương rà soát làm rõ, công khai số tiền ngân sách nhà nước nợ doanh nghiệp và ngược lại. Bởi, nếu không công khai thì không phân biệt được đâu là chủ nợ. Trong khi đó, nhiều dự án đã quyết toán xong tiền nhưng doanh nghiệp vẫn nợ công trình và ngược lại, nhiều công trình đã hoàn thiện nhưng vẫn chưa quyết toán được...
Đồng chí Nguyễn Như Hiền, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, vấn đề nợ đọng trong XDCB được đề cập từ lâu, nhưng hầu như trong các báo cáo tại kỳ họp này chưa nêu rõ thực trạng. Trong khi khoản nợ công của tỉnh còn rất lớn, vậy mà theo lộ trình đến hết năm 2015 phải giải quyết dứt điểm thì lấy nguồn nào để trả? Do vậy, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng cần phải rà soát, đánh giá một cách toàn diện các khoản thu để tăng thu ngân sách, nhất là phải làm tốt công tác quản lý nguồn thu, từ đó có nguồn để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ đọng XDCB. Mặt khác, cần phải huy động tốt nguồn lực xã hội hoá ở những địa bàn trung tâm để xây dựng một số công trình đảm bảo an sinh xã hội. Còn nguồn ngân sách nhà nước sẽ tập trung đầu tư cho các địa phương khó khăn hoặc để xử lý các khoản nợ XDCB.
ĐB Nguyễn Ngọc Minh (tổ Ba Chẽ) đề nghị tỉnh xem xét có giải pháp tháo gỡ vì thực tế hiện nay, chính quyền cấp huyện không có nguồn để thanh toán những khoản nợ từ các dự án do UBND tỉnh làm chủ đầu tư trước đây.
Tại phiên thảo luận, các ĐB còn tham gia vào nhiều vấn đề như: Giải ngân vốn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; đầu tư xây dựng các công trình đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng hệ thống đê biển trên địa bàn; chế độ, chính sách đối với các đối tượng thuộc diện tinh giản bộ máy, biên chế khi thực hiện Đề án này trong thời gian tới; công tác đảm bảo ANTT, đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia...
Nguyễn Huế - Phạm Hoạch - Quang Minh
Liên kết website
Ý kiến ()