Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:37 (GMT +7)
Thảo luận tại tổ và hội trường: Quyết tâm tạo bứt phá toàn diện
Thứ 3, 12/12/2017 | 19:09:08 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khoá XIII, ngày 12/12, các đại biểu đã tiến hành thảo luận tại tổ và hội trường. Không khí các phiên thảo luận diễn ra nghiêm túc, dân chủ, sôi nổi nhằm thảo luận các mục tiêu, chỉ tiêu và đề xuất giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2018; tham gia cụ thể vào nội dung các dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp, nhất là nghị quyết về cơ chế, chính sách, có tác động trực tiếp đến an sinh xã hội, đời sống nhân dân và sự phát triển của tỉnh.
Huy động tổng thể các nguồn lực phát triển kinh tế
Thảo luận về các giải pháp phát triển kinh tế, các đại biểu đều thống nhất cho rằng cần có giải pháp huy động tổng thể các nguồn lực để phát triển kinh tế. Đại biểu Nguyễn Xuân Ký, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Tổ TP Móng Cái chỉ ra rằng tình trạng thất thu trong khu vực dịch vụ còn rất lớn. Vì năm 2017, theo báo cáo của UBND tỉnh tổng lượt khách du lịch tăng 18%, trong đó khách quốc tế tăng 23%, doanh thu du lịch tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016; thu ngân sách từ dịch vụ du lịch ước đạt 2.103 tỷ, nhưng trong đó đã có khoản thu hơn 800 tỷ đồng từ thu phí tham quan Vịnh Hạ Long, như vậy số thu ngân sách này chưa tăng tương ứng với chiều tăng của khu vực dịch vụ du lịch. Do vậy, cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác quản lý thu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương về thu ngân sách. Nếu cần thiết phải điều tra, xử lý nghiêm những trường hợp điển hình trốn, lậu thuế. Bên cạnh đó, ngành Thuế cần đổi mới mạnh mẽ hơn về phương pháp thu, chống thất thu quyết liệt hơn nữa. Số doanh nghiệp thành lập mới còn ít, khó đạt chỉ tiêu 25.000 doanh nghiệp vào năm 2020 nếu không có giải pháp phù hợp...
Đại biểu Trần Đức Lâm, Tổ TP Hạ Long, đề xuất cần tập trung nâng cao tỷ trọng và chất lượng dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh nói chung và TP Hạ Long nói riêng để tạo ra những sản phẩm độc đáo, chất lượng cao, có như vậy mới tạo được sự hấp dẫn, thu hút du khách...
Đại biểu Nguyễn Xuân Ký, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Tổ TP Móng Cái phát biểu tại phiên thảo luận tổ. |
Đại biểu Đỗ Thị Ninh Hường,Tổ TP Uông Bí, khẳng định: Năm 2017, tỉnh đã cố gắng thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhất là về vấn đề thu ngân sách. Song năm 2018, chỉ tiêu thu ngân sách (thu nội địa tăng 10% so với năm 2017; thu xuất nhập khẩu đạt 6.000 tỷ đồng theo chỉ tiêu Trung ương giao) khó có thể đạt được. Bởi, thu xuất nhập khẩu đang giảm sâu; thêm nữa, trong thu ngân sách còn nhiều vấn đề tồn tại, như: Chỉ tiêu về thu thuế ngoài quốc doanh; thu nợ thuế đều không đạt, việc chọn mẫu 47 doanh nghiệp kê khai thuế thì các đơn vị đều thực hiện không đúng... Do vậy, đề nghị trong nghị quyết HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 cần phải đưa giải pháp thu nợ đọng thuế là giải pháp trọng tâm trong nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2018.
Cũng liên quan đến các giải pháp phát triển kinh tế năm 2018, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Chủ tịch UBND huyện Hải Hà, cho rằng, theo mục tiêu đến năm 2020, tỉnh phấn đấu trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp, song đến nay, chuyển dịch còn chậm, hết năm 2017, mới đạt được 42,2%. Như vậy, để đến năm 2020, tỷ trọng dịch vụ đạt trên 50% thì còn phải đạt trung bình 7,3%/3năm, bình quân là 2,6%/năm. Trong khi đó, theo dự thảo Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 8/12/2017 của Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 xác định “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng cao tỷ trọng dịch vụ” thì mục tiêu tăng 0,2% tỷ trọng dịch vụ trong kế hoạch là chưa phù hợp. Đồng chí nhấn mạnh, cần đặc biệt quan tâm đến các giải pháp tăng tỷ trọng dịch vụ du lịch; cần phân tích và nêu rõ tăng trưởng kinh tế cần phải đi đôi với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; phát triển kinh tế biển (du lịch, cảng biển, vận tải biển…).
Các đại biểu thảo luận tại Tổ số 4. |
Nâng cao chất lượng cuộc sống
Cùng với các giải pháp phát triển kinh tế, các nội dung liên quan đến công tác an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân trên địa bàn cũng là một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm, đề cập nhiều tại các phiên thảo luận.
Đầu tiên là về công tác bảo vệ môi trường, đại biểu Vũ Thành Long, Tổ TX Đông Triều đề nghị cần có giải pháp tích cực về công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin cho cử tri và nhân dân biết, đồng thuận thực hiện, phát huy trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong bảo vệ môi trường tự nhiên để đảm bảo phát triển bền vững. Cùng với đó, đại biểu đề nghị cần chủ động rà soát tổng thể về quy hoạch môi trường, các quy hoạch nhà máy xử lý rác thải tại các địa phương đáp ứng yêu cầu xử lý và tránh ô nhiễm môi trường khu dân cư lân cận; hỗ trợ các địa phương khó khăn xây dựng trung tâm xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ các hoạt động sản xuất than, xi măng, nhiệt điện; phát động phong trào thi đua trong tất cả các tầng lớp nhân dân để bảo vệ môi trường tự nhiên ở nông thôn, đô thị; quan tâm thu gom xử lý nước thải đảm bảo hiệu quả; giám sát, đôn đốc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về chấm dứt hoạt động của Nhà máy Tuyển than Nam Cầu Trắng vào cuối năm 2018...
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Hồ Văn Vịnh, Tổ TP Hạ Long, kiến nghị tỉnh cần tăng cường quan tâm đến vấn đề thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Hiện nay, khối lượng rác thải tại các đô thị là rất lớn, chi phí ngân sách cho thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải ở mức cao. Đại biểu đề nghị tỉnh giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu việc phân loại rác thải từ đầu nguồn để tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường.
Các đại biểu thảo luận tại hội trường. |
Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Đánh giá về tỷ lệ qua đào tạo năm 2017 là 70,5%, đại biểu Phạm Văn Thể, Tổ TX Đông Triều bày tỏ băn khoăn về số liệu này. Bởi theo đại biểu, thực tế Quảng Ninh đang thiếu trầm trọng lực lượng lao động có chất lượng tay nghề cao, nhất là trong khu vực dịch vụ. Nhiều doanh nghiệp của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh khó tuyển được lao động tại chỗ đã qua đào tạo. Hơn thế, việc kiểm chứng chất lượng đầu ra sau đào tạo thông qua doanh nghiệp là khách quan nhất. Vì thế, đại biểu đề nghị tỉnh cần tiếp tục có cơ chế thu hút, hỗ trợ đào tạo nguồn lao động chất lượng cao... Đại biểu Hoàng Bá Nam, Tổ huyện Cô Tô đề nghị cần rà soát tình hình triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, xác định rõ trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện; quan tâm đào tạo nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch, kinh tế, thương mại, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế; hỗ trợ hạ tầng xã hội, nhà trẻ và nhà ở xã hội, có các giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút lao động vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Cũng liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội, đại biểu Đặng Văn Tuấn, Tổ huyện Đầm Hà, đề nghị HĐND tỉnh ban hành cơ chế, mở rộng độ tuổi hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em từ 0-2 tuổi tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thuộc các xã, thôn đặc biệt khó khăn, trẻ em trong hộ gia đình cận nghèo, chưa được hưởng các cơ chế, chính sách của Nhà nước và nghị quyết của HĐND tỉnh. Cụ thể là: Hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ từ 0-2 tuổi tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc các xã, thôn đặc biệt khó khăn, xã ven biển; con em hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em khuyết tật, đối tượng thuộc gia đình chính sách.
Cũng tại phiên thảo luận, vấn đề tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai hỗ trợ nhà ở cho người có công; rà soát đánh giá lại một số trường học đạt chuẩn quốc gia; quan tâm phát triển các khu dân cư tập trung dọc các tuyến biên giới để đảm bảo giữ vững chủ quyền; có các giải pháp nhằm ngăn chặn các tệ nạn xã hội được nhiều đại biểu đề cập…
Nhóm Phóng viên
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()