Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 09:22 (GMT +7)
Thảo luận tại tổ và hội trường: Sôi nổi và trách nhiệm
Thứ 6, 13/12/2013 | 06:53:20 [GMT +7] A A
Ngày làm việc thứ hai, thứ ba của kỳ họp, các đại biểu (ĐB) đã thảo luận tại tổ và hội trường, tập trung vào những vấn đề trọng tâm: Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và những năm tiếp theo; cho ý kiến về các báo cáo giải quyết kiến nghị cử tri gửi tới HĐND tỉnh, đồng thời tham gia ý kiến vào các tờ trình, dự thảo nghị quyết.
Các đại biểu Tổ Cẩm Phả - Tiên Yên - Ba Chẽ thảo luận ở tổ. |
Tăng cường các giải pháp phát triển kinh tế
Tại phiên thảo luận ở tổ và hội trường, các ý kiến đều khẳng định năm 2013, mặc dù có nhiều khó khăn, trở ngại, song bằng các biện pháp quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn duy trì mức tăng trưởng khá ổn định. Đó là kết quả của việc phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và LLVT trong tỉnh.
Các đại biểu Tổ Đông Triều - Móng Cái sôi nổi thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014. |
Về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, các ĐB thống nhất, cần chủ động, tăng cường hơn nữa các giải pháp trong chỉ đạo, điều hành; tiếp tục đề ra các nhóm giảm pháp, nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững; thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược… Đồng chí Lê Minh Hải, Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ cho rằng, để thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và những năm tiếp theo, tỉnh cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại trong sản xuất do ảnh hưởng thiên tai, nhất là hỗ trợ trồng rừng sản xuất. Như cơn bão số 14 vừa qua, huyện Ba Chẽ có trên 28ha hoa màu bị ngập lụt, đổ gẫy 10ha mía và trên 3,6 ngàn ha keo, sa mộc. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Sở Tài chính về việc thực hiện chi hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 14, thì trồng rừng sản xuất không có trong danh mục hỗ trợ.
ĐB Nguyễn Thị Huân (Tổ Đông Triều) khẳng định, thời gian qua HĐND tỉnh đã thông qua nhiều chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp, xây dựng NTM; UBND tỉnh tích cực chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện, góp phần tích cực vào việc cơ cấu lại nền sản xuất nông nghiệp, đổi mới bộ mặt nông thôn, song hiện nay chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp được đăng ký chất lượng, nên khó cạnh tranh, sản xuất nông nghiệp chưa có sự liên kết vùng, chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo, xây dựng quy hoạch phát triển nông nghiệp của tỉnh gắn với quy hoạch, quy hoạch vùng sản xuất, tạo mối liên hệ phát triển giữa các vùng, các địa phương trong tỉnh và đa dạng sản phẩm hàng hoá nông, lâm nghiệp.
ĐB Hồ Văn Vịnh (Tổ Cẩm Phả): Trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh, tỉnh cần tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển kinh tế biển đảo, trong đó chú trọng xây dựng hệ thống cảng biển, dịch vụ hậu cần nghề cá. Đồng chí Hồ Chí Đức, Trưởng BQL các Di tích trọng điểm tỉnh chỉ ra rằng, trong năm 2013 tỉnh đã phát huy hiệu quả các danh lam, thắng cảnh, tuy nhiên việc khai thác giá trị danh lam, thắng cảnh chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có. Vì vậy, năm 2014 tỉnh cần đầu tư cải tạo, nâng cấp các trung tâm di tích lịch sử.
Cũng liên quan đến các giải pháp trong phát triển kinh tế của tỉnh, ĐB Phạm Hồng Thái (Tổ Cẩm Phả) cho rằng, theo lộ trình thì TP Cẩm Phả hết năm nay có 3 xã miền núi (Cộng Hoà, Cẩm Phả, Dương Huy) cơ bản đạt xã NTM. Tuy nhiên, đến nay 3 xã này chưa đạt tiêu chí, chỉ tiêu về nước sạch, giáo viên. Ngành Giáo dục Cẩm Phả hàng năm phải luân phiên tăng cường giáo viên cho các xã, nhưng do giao thông khó khăn, chưa tạo được sự yên tâm công tác cho các giáo viên tăng cường. Đề nghị tỉnh có chế độ chính sách cử tuyển đi học các trường trung học, đại học thuộc hệ công lập, cũng như xét tuyển viên chức ngành Giáo dục đối với các giáo viên là người địa phương.
Đầu tư hơn cho chính sách an sinh xã hội
Đồng chí Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, trong năm 2013, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song bằng sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, nên việc đầu tư đảm bảo an sinh xã hội tiếp tục được đẩy mạnh, thu được nhiều kết quả khả quan. Điển hình là tỉnh đã vươn lên đứng 17/63 tỉnh, thành trong cả nước có tỉ lệ học sinh đỗ đại học, cao đẳng; đầu tư nâng cấp cơ sở khám, chữa bệnh từ tỉnh đến cơ sở; tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh theo hướng bền vững hơn. Mặc dù vậy, số hộ nghèo ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn cao, vì thế năm 2014, tỉnh cần phải chú trọng đầu tư hơn cho khu vực này, trước hết là làm thay đổi tập quán canh tác, sinh hoạt của bà con; tăng cường tuyên truyền, định hướng và triển khai có hiệu quả các chương trình văn hoá - xã hội; tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở giáo dục, cơ sở khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn.
Liên quan đến vấn đề này, ĐB Châu Hoài Thu (Tổ Vân Đồn) khẳng định, tỉ lệ giảm nghèo của tỉnh trong năm 2013 là đáng mừng. Tuy nhiên, qua giám sát của Ban Văn Hoá - Xã hội về chính sách tín dụng từ Ngân hàng CSXH tỉnh thấy rằng, hầu hết ở các địa phương có việc vận dụng cho nhiều hộ không phải là hộ nghèo vay vốn ưu đãi hộ nghèo. Vì thế, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ngân hàng phải triển khai đúng các quy định cho vay vốn hộ nghèo. Đối với các hộ khó khăn thì hướng dẫn cho vay hộ cận nghèo theo quy định của Chính phủ để đảm bảo công bằng trong thực thi chính sách.
ĐB Triệu Đức Hương (Tổ Hoành Bồ) nêu rõ, trong năm 2013, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã thu được những kết quả đáng mừng. Đến nay, không chỉ kết cấu hạ tầng đồng bộ ở các xã vùng sâu, vùng xa được từng bước hoàn thiện, mà các công trình đảm bảo an sinh xã hội như nhà văn hoá, trường học, trạm y tế xã cũng được chú trọng đầu tư nâng cấp. Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong năm 2014, đề nghị, bên cạnh việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh cũng cần quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ các xã NTM để sớm hoàn thiện các tiêu chí.
Nhiều ĐB cũng đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các trường học để đến năm 2015 đạt chỉ tiêu 70% số trường đạt chuẩn quốc gia; có biện pháp để hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi trong năm 2014; nâng cao hiệu quả công tác y tế trường học; tiếp tục tháo gỡ khó khăn đối với các trường ngoài công lập; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc hoạt động của các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; xã hội hoá trong lĩnh vực y tế, khuyến khích đầu tư các dịch vụ y tế chất lượng cao; củng cố và nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế dự phòng và y tế cơ sở để chủ động phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân; bồi dưỡng y đức, nghiệp vụ cho đội ngũ thầy thuốc...
Đẩy mạnh CCHC - Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Đồng chí Vũ Minh Thiết, Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, năm 2013 tỉnh có những bước tiến mạnh mẽ trong công tác CCHC, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là tỉnh đã tổ chức thi tuyển được một số chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở; địa phương như TP Hạ Long, huyện Đông Triều... cũng tổ chức thi tuyển một số chức danh lãnh đạo cấp phòng. Cũng trong năm, tỉnh đã thành lập được một số trung tâm dịch vụ hành chính công cấp huyện và đầu năm 2014, sẽ đưa vào hoạt động Trung tâm dịch vụ hành chính công cấp tỉnh. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn, công tác CCHC vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đáng chú ý, ở một số sở, ngành, tình trạng CBCC chưa phát huy hết được năng lực chuyên môn; nhiều thủ tục tại các sở vẫn còn rườm rà. Để đẩy nhanh cải cách TTHC, đề nghị các ngành, các cấp, địa phương cần rà soát, thống nhất điều hành, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng tập thể, cá nhân, để triển khai nhiệm vụ sát đúng với vị trí, vai trò được giao, tránh tình trạng bao biện, làm thay. Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương cần bám sát các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh và Trung ương để triển khai đồng bộ, toàn diện công tác cải cách hành chính; chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai tốt nhiệm vụ tinh giản bộ máy...
Cùng quan điểm này, ĐB Nguyễn Thành Phố (Tổ TP Uông Bí) khẳng định, việc thành lập các trung tâm hành chính công là một bước tiến quan trọng trong CCHC mà tỉnh chỉ đạo quyết liệt trong năm 2013. ĐB minh chứng, từ tháng 8-2013 đến nay, Trung tâm dịch vụ hành chính công TP Uông Bí đã tiếp nhận và giải quyết trên 3.000 hồ sơ. Quá trình thực hiện đã được đông đảo các tổ chức, cá nhân ghi nhận, đánh giá cao. Đề nghị, thời gian tới cần có cơ chế phù hợp hơn với đội ngũ CB,CC,VC-LĐ đang thực hiện nhiệm vụ tại các trung tâm dịch vụ hành chính công.
ĐB Đào Thanh Lưỡng (Tổ Đầm Hà) cho rằng: Thực hiện CCHC, vấn đề đặt ra là phải có giải pháp để điều chỉnh và rà soát các đơn vị sự nghiệp. Đơn cử, nên hợp nhất 4 cơ quan: Trung tâm Y tế và Phòng Y tế, Y tế dự phòng, Trung tâm Dân số huyện là một để tiết kiệm biên chế chứ không nên để dàn trải thành 4 đơn vị như hiện nay…
Liên quan đến vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhiều đại biểu đề nghị HĐND tỉnh ban hành nghị quyết chuyên đề quy định cụ thể những cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời cần xây dựng, ban hành bộ TTHC cho doanh nghiệp. Ví dụ như: Ưu tiên thời gian giải quyết thủ tục; minh bạch, công khai các loại thủ tục; tăng cường giám sát, đánh giá năng lực, thái độ, trách nhiệm của CB,CC,VC trong giải quyết hành chính đối với doanh nghiệp.
Nhiều ĐB có ý kiến, HĐND tỉnh đã có nghị quyết về hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, theo đó chủ đầu tư được hỗ trợ tiền thuê đất, vay ưu đãi, vay lãi suất thấp... Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp chưa được hưởng các chế độ hỗ trợ này, đề nghị tỉnh quan tâm triển khai nghị quyết hiệu quả hơn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện chủ trương của Chính phủ và tỉnh tốt hơn. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng gặp khó khăn do liên quan đến thủ tục thế chấp, vì vậy đề nghị vốn ngân sách hỗ trợ cho vay được uỷ thác qua ngân hàng chính sách để giải ngân, có như vậy nhiều doanh nghiệp mới tiếp cận được nguồn vốn và tháo gỡ về thủ tục thế chấp...
Nguyễn Huế - Quang Minh - Minh Thu
Liên kết website
Ý kiến ()