Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:14 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV Thảo luận tại tổ và hội trường về nhiều nội dung quan trọng
Thứ 6, 09/06/2023 | 19:01:07 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 9/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao Chính phủ đã chỉ đạo Cơ quan soạn thảo và các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của Nhân dân, ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến các cơ quan của Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật có bước tiến quan trọng về chất lượng, nhiều nội dung đã được tiếp thu, giải trình. Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bám sát tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, chỉ cụ thể hóa tại Luật những nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW đã chín, đã đủ rõ. Đối với những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, điều kiện thực tiễn chưa cho phép quy định ngay tại Luật để trình Quốc hội thông qua, đề nghị Chính phủ phối hợp báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật. Đồng thời tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng sự tương thích đối với cam kết trong các điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực đầu tư và thương mại.
Phát biểu thảo luận tại tổ 9, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần quán triệt tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, những nội dung đã chín, đã rõ thì đưa vào dự thảo Luật lần này. Đại biểu bày tỏ nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và đề nghị rà soát một số nội dung của dự thảo Luật để sau khi ban hành đưa vào sử dụng thì không cần hướng dẫn, trong đó đặc biệt lưu ý nội dung liên quan đến 3 luật gắn với nhau rất chặt chẽ là Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi). Đối tượng cho thuê đất giữa 3 luật này còn khác nhau.
Đại biểu nêu ví dụ, Điều 47 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định cá nhân, tổ chức người nước ngoài không được xem là người được sử dụng đất, không được cho thuê đất, mua, nhận, thừa kế… trong khi Luật Nhà ở (sửa đổi) lại quy định cá nhân người nước ngoài được sở hữu đất tại Việt Nam thông qua thuê, mua, nhận, cho, nhận thừa kế… Luật Kinh doanh bất động sản cũng quy định cá nhân người nước ngoài được thuê, mua, sử dụng nhà, đất… Do đó, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, cần đặt ra yêu cầu rà soát, sửa đổi lại các điều khoản này nhằm đảm bảo sự nhất quán, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đặc biệt, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng đề nghị cần làm rõ 3 nội dung: Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, Nhà nước nhận sự ủy quyền của dân đối với quyền sử dụng đất; Nhà nước với tư cách là quản lý; Nhà nước với tư cách là người sử dụng đất - đây là nội dung phức tạp nhất. Ví dụ, Nhà nước sử dụng đất với rất nhiều hình thức như đất quốc phòng an ninh, các dự án kinh tế - xã hội lớn… Do đó, cần phân biệt sử dụng đất với mục đích quốc phòng an ninh, đất trong lĩnh vực quốc phòng mà có tính chất lưỡng dụng, đất trong lực lượng quốc phòng an ninh sử dụng với mục đích dân sự, kinh tế - xã hội… thì dự thảo Luật quy định thế nào? Đại biểu đề nghị cần rà soát và quy định rõ các nội dung cơ bản này.
Về vấn đề định giá đất, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng lưu ý, định giá đất theo nguyên tắc thị trường nhưng phải là thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tùy từng loại đất cụ thể để có cơ chế định giá phù hợp. Về Hội đồng thẩm định giá, đại biểu nhận thấy, dự thảo Luật chưa quy định cụ thể, Hội đồng thẩm định giá là ai và chuyên môn như thế nào thuộc thành phần Hội đồng thẩm định giá để đảm bảo khách quan. Vì vậy, cần quy định rõ các vấn đề này trong dự thảo Luật.
Phát biểu thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Vũ Hồng Thanh cung cấp thêm thông tin của Cơ quan thẩm tra về một số định hướng chính sách lớn về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đại biểu nêu rõ Ủy ban Kinh tế nhất trí không lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đối với quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương như quy định tại khoản 3 Điều 66. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ hơn sự cần thiết phải lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đối với các khu vực này. Ngoài ra, một số ý kiến của ĐBQH đề nghị bỏ kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.
Thảo luận về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, cơ bản các đại biểu đều đồng tình, nhất trí cao với nội dung dự thảo Luật được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị đối với quy định về công trình liên quan đến công trình nằm trong ranh giới, phạm vị bảo mật quốc phòng và khu quân sự cần có quy định giới hạn diện tích tối thiểu. Làm rõ khái niệm về công trình lưỡng dụng. Tại chương 4, đối với quy định về cơ chế quản lý đối với hộ gia đình và hộ cá nhân trong khu vực quân sự, cần có cơ chế rõ ràng với người tham gia trồng rừng, giao quản lý tại khu vực này….
Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu tiếp tục khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Các đại biểu đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời thể chế hóa đường lối của Đảng, bảo đảm đồng bộ đường lối, chủ trương của Đảng với pháp luật của Nhà nước. Ghi nhận dự thảo Nghị quyết có nhiều thay đổi tiến bộ đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.
Các đại biểu cũng cho rằng việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là một trong điểm đổi mới của hoạt động Quốc hội, HĐND từ nhiệm kỳ trước đã được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm, theo dõi, ghi nhận, đánh giá cao. Mặc dù mới chỉ triển khai thực hiện được một lần từ khi ban hành các quy định và hướng dẫn đến nay nhưng hoạt động này đã đạt được những kết quả nhất định, tạo thêm niềm tin của cử tri và Nhân dân đối với Quốc hội và HĐND.
Nguyễn Thanh
- Cần quy định cụ thể phương pháp xác định giá đất trong Luật Đất đai
- Thông cáo báo chí số 15, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
- Quốc hội nhất trí giám sát tối cao kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở xã hội trong năm 2024
- Hoàn thành nội dung chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
- Biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024
- Chủ tịch Quốc hội: Phiên chất vấn, trả lời chất vấn rõ trách nhiệm, rõ giải pháp
- Tiếp tục tái cơ cấu thị trường vận tải theo hướng tăng thị phần đường thủy, đường sắt
Liên kết website
Ý kiến ()