Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:50 (GMT +7)
“Thắp sáng” kinh tế đêm
Thứ 6, 09/09/2022 | 06:51:47 [GMT +7] A A
Dù còn là khái niệm khá mới mẻ, nhưng kinh tế đêm thực sự nhận được sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, nhà quản lý, một bộ phận lớn người dân. Với Quảng Ninh, kinh tế đêm mang lại nhiều lợi ích kép. Vì vậy, ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, tỉnh đã tập trung khởi động thúc đẩy hoạt động kinh tế đêm. Qua đó vừa hình thành loại hình du lịch độc đáo, nối dài những trải nghiệm của du khách, vừa thúc đẩy các nguồn thu từ dịch vụ, du lịch tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều tiềm năng lợi thế
Quảng Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế đêm do có nhiều tài nguyên du lịch đa dạng, đặc biệt có Vịnh Hạ Long ngày càng trở thành điểm đến ưa thích của nhiều du khách quốc tế. Tỉnh có hệ thống hạ tầng hoàn thiện theo hướng hiện đại, nền văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc, có mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao; môi trường dần được cải thiện và thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu...
Thời điểm chưa có dịch Covid-19, lượng khách du lịch đến Hạ Long - Quảng Ninh khá đông, trung bình khoảng trên 12 triệu lượt mỗi năm, gấp 10 lần dân số của tỉnh, trong đó khách quốc tế khoảng trên 5 triệu lượt. Hiện tại, khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, du lịch mở cửa trở lại, 8 tháng năm 2022, các điểm đến du lịch Quảng Ninh đã đón khoảng 8,2 triệu lượt du khách, tăng 218% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy sức hấp dẫn vô cùng lớn của du lịch Hạ Long - Quảng Ninh. Đây cũng là cơ sở rất thuận lợi để phát triển các dịch vụ du lịch phục vụ du khách, nhất là các dịch vụ vào ban đêm đối với du khách quốc tế ở các quốc gia có múi giờ khác với Việt Nam.
Từ những ưu thế sẵn có, từ năm 2020, Quảng Ninh đã đánh giá, nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm phát triển kinh tế đêm trên cơ sở Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt ngày 27/7/2020 tại Quyết định 1129/QĐ-TTg. Theo đó, các hoạt động của kinh tế đêm diễn ra từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau trên 4 lĩnh vực: Văn hóa, vui chơi, giải trí; dịch vụ ăn uống; dịch vụ mua sắm; dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, các hoạt động dịch vụ, du lịch, giải trí phải tạm dừng đã tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế đêm.
Sau khi mở cửa trở lại, Quảng Ninh đã tích cực khôi phục những sản phẩm du lịch đêm sẵn có, đồng thời đưa nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, đa dạng đi vào hoạt động, đón nhận được sự phản hồi tích cực của du khách. Điển hình cuối tháng 4 vừa qua, một sản phẩm du lịch mới là phố đêm du thuyền được đưa vào hoạt động tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (Bãi Cháy, TP Hạ Long). Phố đêm du thuyền hoạt động từ 17-23h hằng ngày, quy tụ gần 30 tàu đẳng cấp 4-5 sao, đưa du khách vào hải trình khám phá thành phố biển Hạ Long về đêm lung linh sắc màu, chiêm ngưỡng những danh thắng, công trình nổi tiếng như núi Bài Thơ, vòng quay Mặt Trời, cầu Bãi Cháy. Du khách còn được thưởng thức không gian ẩm thực, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc ngay trên các con tàu trong suốt hành trình. Đây là sản phẩm du lịch mang lại cho du khách trải nghiệm mới mẻ, khai thác tối đa các tàu du lịch, tạo được mô hình kinh doanh bền vững trong tương lai.
Theo Giám đốc Điều hành Sun Group vùng Đông Bắc Phạm Văn Hiệp: Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long có hạ tầng đồng bộ, giao thông thuận lợi, nhiều du thuyền cập bến. Từ năm 2020, Sun Group đã có ý tưởng về phố đêm du thuyền nhằm hình thành sản phẩm du lịch mới, khai thác hiệu quả hệ thống tàu tại cảng, phát huy tiềm năng về du lịch của TP Hạ Long.
Việc đưa phố đêm du thuyền vào hoạt động là một trong những hoạt động cụ thể hóa định hướng phát triển kinh tế đêm của tỉnh. Khi đưa sản phẩm này vào hoạt động, yếu tố an toàn được được lên hàng đầu. Theo đó, đều là tàu sắt, đóng mới từ năm 2020 đến nay, đảm bảo điều kiện về kỹ thuật, an toàn, vệ sinh thực phẩm, phòng cháy chữa cháy...
Tiếp đó, tháng 5/2022, TP Cẩm Phả khai trương phố đi bộ với tên gọi "Phố đêm thợ mỏ" được tổ chức từ 18h các ngày thứ 7 và chủ nhật. "Phố đêm thợ mỏ" xuất phát từ Nhà Văn hoá công nhân Cẩm Phả, kết thúc là ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai. Tại đây có các gian hàng tại chợ ẩm thực, liên hoan các nhóm nhảy, trình diễn ca nhạc, văn nghệ đường phố, triển lãm tranh, ảnh, tượng, tác phẩm nghệ thuật... "Phố đêm thợ mỏ" còn có nhiều điểm di tích gắn bó với những năm tháng chiến đấu anh dũng, kiên cường của nhân dân Vùng mỏ Cẩm Phả như: Khu lưu niệm Vùng than, phố Lê Hồng Phong, bưu điện cũ...
Nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng từng bước đưa kinh tế đêm vào kế hoạch phát triển du lịch của mình để thu hút khách du lịch, tạo ra những trải nghiệm mới mẻ cho du khách, chung tay cùng tỉnh phát triển hiệu quả hơn mô hình còn nhiều tiềm năng này.
Cần các giải pháp đồng bộ
Mặc dù đã có bước khởi động, nhưng phát triển kinh tế đêm hiện chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, các dịch vụ hoạt động về đêm chủ yếu mới tập trung ở một số địa bàn, trung tâm du lịch lớn như TP Hạ Long, TP Móng Cái, TP Cẩm Phả... Các hoạt động du lịch về đêm vẫn theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún, ít có sự đầu tư bài bản, không phong phú, thiếu nét đặc trưng, chưa thu hút được những nhà đầu tư lớn, trong khi đó ở nhiều thành phố lớn khác như Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt... kinh tế đêm đang rất phát triển, là một sản phẩm đặc sắc để hấp dẫn du khách trở lại sau đại dịch. Nhất là đối với giới trẻ, khách du lịch quốc tế luôn coi các hoạt động chi tiêu vào ban đêm là điểm nhấn thú vị cho những chuyến trải nghiệm của họ.
Nhận định về tiềm năng phát triển kinh tế đêm của Quảng Ninh, GS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chia sẻ: Quảng Ninh có đầy đủ mọi điều kiện để phát triển du lịch 4 mùa. Trong đó, phát triển kinh tế đêm góp phần thu hút du khách quanh năm. Tuy nhiên điều quan trọng là tỉnh cần xác định thị trường, chính sách phát triển du lịch, trong đó quy hoạch các giai đoạn đầu tư, phát triển đồng bộ, hợp lý. Quảng Ninh cũng cần hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư, nhất là các tập đoàn kinh tế tư nhân, tham gia kinh doanh khu dịch vụ kinh tế đêm. Bởi họ có kinh nghiệm và vận dụng các mô hình quốc tế, có nhân lực được đào tạo, có nguồn lực tài chính, từ đó mang đến dịch vụ chất lượng cao, chuyên nghiệp. Kinh tế đêm không thể hình thành nhờ vào việc kéo dài thời gian hoạt động của vài cơ sở kinh doanh, mà phải đồng bộ từ phương tiện công cộng đến các dịch vụ thương mại đi kèm. Bên cạnh đó, cần thành lập các phòng, ban chuyên biệt về mặt pháp lý để bảo đảm tổng thể kinh tế đêm hợp pháp, an toàn, giúp du khách yên tâm trải nghiệm và sử dụng dịch vụ. Chính quyền và các phương tiện thông tin truyền thông cũng cần thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ tội phạm tới người dân và du khách để có được kiến thức, kỹ năng khi tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch, mua sắm ban đêm cũng như cách thức ứng phó trong các tình huống bất ngờ.
Cũng liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Thế Huệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, chia sẻ: Kinh tế đêm là nền tảng quan trọng thúc đẩy ngành Du lịch nói riêng, kinh tế địa phương nói chung. Để kinh tế đêm phát triển thì các cấp, ngành, địa phương cần xây dựng phương án bài bản, chính sách hỗ trợ phù hợp, liên kết chặt chẽ giữa các hoạt động. Một trong những vấn đề cần khắc phục đó là tiếng ồn. Bởi hiện nay, một số dịch vụ tại khu vực Bãi Cháy có âm thanh hoạt động công suất cao suốt đêm đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến du khách tại các khách sạn khu vực xung quanh. Đồng thời, cần chú trọng đảm bảo ANTT, kinh doanh lành mạnh, không để phát sinh tình trạng chặt chém, ép giá, đe dọa, giữ gìn vệ sinh môi trường, duy trì ATGT, ANTT xã hội...
Phát triển kinh tế đêm là xu thế tất yếu, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thúc đẩy mạnh mẽ ngành Du lịch, góp phần phục hồi tối đa nền kinh tế. Tuy nhiên, phát triển kinh tế đêm cần các giải pháp đồng bộ, bài bản, chặt chẽ để đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, cần cân nhắc việc xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động kinh tế đêm, vừa bảo đảm phát triển kinh tế, vừa kiểm soát tốt các vấn đề liên quan đến ANTT. Đồng thời cần có quy chế đặc thù đối với các loại hình kinh doanh quán bar, nhà hàng, cơ sở giải trí và các lĩnh vực vui chơi văn hoá, ca nhạc khác nhằm phát triển các loại hình trên một cách phù hợp, tránh bị lệch hướng và vi phạm các quy định của pháp luật.
Từ thực tế này, với quyết tâm xây dựng Quảng Ninh trở thành một điểm đến sôi động, hấp dẫn, phát huy tối đa cơ sở hạ tầng, giải quyết việc làm và thu nhập cho người dân, UBND tỉnh đang quyết liệt yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan cho ý kiến để sớm hoàn thiện Đề án thí điểm mô hình phát triển kinh tế đêm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Tại cuộc họp cho ý kiến liên quan đến vấn đề này ngày 6/9 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khắng đã yêu cầu TP Hạ Long, TP Uông Bí chủ động phối hợp với doanh nghiệp để tiếp tục tham mưu xây dựng Đề án. Các doanh nghiệp phải quyết tâm thực hiện, mời đơn vị tư vấn có kinh nghiệm xây dựng đề án kinh tế đêm. Đồng chí nhấn mạnh phát triển kinh tế đêm là một loại hình mới, các đơn vị phải tổ chức đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm trực tiếp ở những địa phương đã triển khai. Các sở, ngành, đơn vị tham gia Đề án phải nhanh chóng hoàn thiện các phần việc được giao, đặc biệt bám sát nội dung Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020, tiếp tục đóng góp ý kiến xây dựng Đề án của tỉnh để sớm đưa vào thực hiện.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()