Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 15:15 (GMT +7)
Thắp sáng vùng cao từ những lớp học xóa mù chữ
Thứ 2, 07/11/2022 | 13:47:10 [GMT +7] A A
Từ chỗ không viết nổi tên mình, đến nay nhiều người dân tộc thiểu số vùng cao huyện Ba Chẽ đã đọc được sách báo, ghi họ tên khi thực hiện các thủ tục hành chính... Đó chính hiệu quả của các lớp học xóa mù chữ cho người trên 16 tuổi tại các thôn, bản của huyện Ba Chẽ.
Cuộc sống nương rẫy quanh năm từ khi còn là đứa trẻ, khi đã ngoài 30 tuổi, chị Chíu Thị Bình (thôn Nam Kim, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) vẫn không biết đọc, biết viết. Việc tính toán đối với chị chỉ là tính nhẩm những phép tính đơn giản để phục vụ trong cuộc sống hằng ngày như mua mớ rau, cái áo, cái quần, bán nông sản vừa thu hoạch... Nhưng sau khi hoàn thành lớp học xóa mù chữ, cuộc sống của chị như được "sang trang mới". Đợt tiêm vắc-xin phòng Covid-19 vừa qua chị đã tự tay điền được các thông tin của bản thân. Nhờ biết chữ, chị mạnh dạn hơn trong việc mua giống cây trồng và áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nên chất lượng, năng suất cây trồng, thu nhập của gia đình cao hơn hẳn.
Những ngày đầu, khi các giáo viên Trường Tiểu học Đồn Đạc đến vận động tham gia lớp học xóa mù chữ tại Nhà văn hóa thôn, cũng như bao người lớn khác ở đây, bà Đặng Thị Xuân (50 tuổi) không tin tưởng: "Mình già rồi, đi học liệu có tiếp thu được bài không...". Thế nhưng, nhờ sự kiên trì, gần gũi của các giáo viên tuyên truyền, vận động ngày này qua ngày khác, bà Xuân đã vui vẻ đồng ý đến lớp. Những ngày đầu tiên mới làm quen với nét chữ, con số, mọi thứ thực sự khó khăn. "Chẳng biết học được nhiều không, nhưng tự mình có thể viết được họ tên của mình tôi thấy vui, thấy ham và muốn tiếp tục đi học" - Bà Xuân chia sẻ.
Đang là vụ thu hoạch hoa hồi bận rộn, nhưng vợ, chồng anh Tằng A Sằng, chị Chíu Nhì Mai (thôn Lang Cang, xã Đồn Đạc) vẫn cố gắng tới lớp. Anh, chị có 3 con, đứa lớn nhất học lớp 6. Được các đoàn thể và Bí thư Chi bộ - Trưởng thôn tuyên truyền, vận động, anh, chị đã tham gia lớp học từ đầu năm 2022. Buổi sáng lên rẫy, buối tối đến lớp học xóa mù chữ, được sự kèm cặp của thầy, cô giáo, hỗ trợ của các con, đến nay anh, chị đã biết đọc, chữ viết đôi lúc còn nhầm lẫn, sai chính tả, nhưng đó là cả một sự tiến bộ vượt bậc, niềm vui to lớn đối với anh, chị.
Anh Tằng A Sằng chia sẻ: “Từ khi biết đọc, tôi tự tin hơn, đi đường đọc được chỉ dẫn nên đi dễ dàng hơn. Mua viên thuốc uống, đọc được hướng dẫn sử dụng, không sợ uống nhầm. Lên xã, huyện làm các thủ tục là có thể ghi tên mình, không phải điểm chỉ như trước nữa. Vui lắm”.
Lớp xóa mù chữ tại các thôn của xã Đồn Đạc, học viên có nhiều độ tuổi khác nhau, từ cô bé 16 tuổi cho đến những người hơn 60 tuổi... Sáng con đến trường, bố mẹ lên nương; tối con học ở nhà, bố mẹ đến lớp xóa mù chữ. Trước không biết chữ, không tiếp cận được với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, họ ngại động chạm đến kê khai giấy tờ, thậm chí không làm giấy khai sinh cho con. Giờ đây đa phần người dân đã tự tin hơn rất nhiều khi tham gia các hoạt động xã hội.
Ở xã Đồn Đạc có 6 lớp học xóa mù chữ tại các thôn Nam Kim, Lang Cang, Làng Hang, Làng Mô, Trường PTDT bán trú TH&THCS Đồn Đạc II, Trường Tiểu học Đồn Đạc. Lớp mở vào các buổi tối từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần. Sau 9 tháng, học viên được cấp chứng chỉ xóa mù chữ khi vượt qua các bài kiểm tra theo quy định. Những bàn tay thô ráp chỉ quen với con dao, cái cuốc, nay ngượng ngùng cầm cây bút, nắn nót viết từng cái chữ, con số, với mong muốn viết và đọc thành thạo tiếng phổ thông, để biết nhiều hơn, để học hỏi thêm cách phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình...
Thầy giáo Nguyễn Đăng Đam, Trường Tiểu học Đồn Đạc, cho biết: Bên cạnh tuổi cao, tiếp thu chậm, không ít học viên nói tiếng phổ thông chưa thạo. Để giúp các học viên tiếp thu nhanh hơn, giáo viên phải học ngôn ngữ tiếng Dao để giải thích cho họ hiểu. Đa phần các bác, các anh chị lớn tuổi rất ngại đi học, nên giáo viên vừa dạy, vừa nói chuyện, động viên để bà con chịu khó đến lớp. Lớp học ban đầu lúc vắng, lúc đông, nhưng sau khoảng 2 đến 3 tuần, mọi người đến lớp đầy đủ và đua nhau đọc chữ, đánh vần.
Từ những lớp học này, cùng với nỗ lực tuyên truyền của nhà trường và chính quyền địa phương đã làm thay đổi rõ rệt tư tưởng của người dân. Trước đây giáo viên phải đến từng nhà vận động từng người, thậm chí cả gia đình đi học xóa mù chữ; nhưng giờ thấy được hiệu quả của lớp học, hầu hết mọi người đã tự giác, tình nguyện, bố trí thời gian hợp lý, động viên nhau cùng đi học. Khi trình độ của đồng bào được nâng lên, việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với bà con dễ dàng hơn, nhất là truyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn minh, cho con em đến trường.
Năm 2021, huyện Ba Chẽ mở được 16 lớp xoá mù chữ cho hơn 700 học viên, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, nâng mức độ xoá mù chữ từ mức độ 1 lên 2. Bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Chẽ, cho biết: Công tác phổ cập giáo dục luôn được lãnh đạo huyện và Phòng GD&ĐT huyện đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, bên cạnh tích cực vận động người trong độ tuổi từ 15-60 tham gia học các lớp học xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, Phòng chỉ đạo các trường cử các giáo viên có năng lực, nhiệt huyết dạy lớp xóa mù chữ vào các buổi tối trong tuần. Đến nay, các lớp học này đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Số người dân biết chữ trong độ tuổi từ 15-60 đã tăng đáng kể, 100% học sinh ở độ tuổi lớp 1 đã ra lớp đúng thời điểm.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()