Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 16:20 (GMT +7)
Yên Tử qua một số hiện vật khảo cổ
Chủ nhật, 20/03/2022 | 15:29:34 [GMT +7] A A
Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử với những biến động của thiên nhiên và xã hội, phần lớn các di tích cổ ở Yên Tử đã bị mai một. Vì vậy, thời gian qua, một số cuộc điều tra nghiên cứu khảo cổ học đã được tiến hành ở khu vực này.
Đợt nghiên cứu từ những năm 70 của thế kỷ trước đã tập trung điều tra thu thập các tư liệu về di tích, di vật hiện còn trên mặt đất. Sau đó, vào những năm 2001, 2002, trước khi tiến hành trùng tu, tôn tạo chùa Lân, chùa Hoa Yên, Viện Khảo cổ học đã tiến hành khai quật nghiên cứu khảo cổ học tại hai di tích này và đã phát hiện được các dấu tích kiến trúc sớm có niên đại thời Trần, Lê, Nguyễn cùng với nhiều di vật có giá trị cao trong nghiên cứu khoa học.
Năm 2001, PGS Trịnh Cao Tưởng cho rằng, những di vật rồng đá có niên đại cuối thế kỷ 12 có thể là hình ảnh còn sót lại của Thiền viện Vô Ngôn Thông trên núi Yên Tử. Và ông giả thuyết rằng dưới thời Lý, Yên Tử chưa có quy mô đồ sộ như thời Trần song đã có sự hiện diện của các công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của thời đại.
Đợt nghiên cứu năm 2007, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao), Ban Quản lý di tích - danh thắng Yên Tử (nay là Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử) đã tập trung điều tra và thám sát hệ thống các loại hình di tích nhằm đánh giá tiềm năng khảo cổ và giá trị lịch sử văn hóa các di tích. Trên cơ sở đó, đưa ra những kiến nghị kịp thời cho việc bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích Yên Tử.
Tại các di tích như chùa Lân, vườn tháp Tổ, chùa Hoa Yên, am Thiền Định, chùa Vân Tiêu, am Hoa, am Dược, chùa Giải Oan, chùa Cầm Thực, khu vực An Kỳ Sinh, chùa Đồng, chùa Quỳnh Lâm, di tích Thái Lăng... đều xuất lộ các di tích và khá nhiều loại hình di vật khảo cổ.
Các di tích có niên đại chủ yếu vào thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 19. Các di vật có niên đại trải dài từ giai đoạn chuyển tiếp từ thời Lý sang thời Trần cho đến tận thời Nguyễn. Các di vật thu được trong các đợt thám sát có giá trị quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử khu di tích cũng như sự phát triển của thiền phái Trúc Lâm.
Trong số những di vật tìm được có đầu rồng đất nung thời Trần có chất liệu và kỹ thuật chế tác gần giống với đầu rồng ở Hoàng thành Thăng Long; các mảnh vỡ thân rồng. Bên cạnh đó, còn có lá đề gốm trang trí hình rồng, gạch hoa cúc, ngói mũi hài sen kép, tháp đất nung, một số mảnh gốm men thời nhà Mạc v.v.. Các di vật thời Lê tìm được như gạch ngói đồ gốm phong phú hơn, nhiều hơn và có niên đại tập trung vào thế kỷ 17, 18 phản ánh sự phát triển của kiến trúc chùa tháp thời Lê Trung Hưng.
Tại khu vực Tây Yên Tử, các nhà khoa học tìm thấy các di vật đá chân tháp, bài vị sư trụ trì chùa Hòn Tháp; tượng Phật, đồ thờ tự, chuông bia đá, 3.000 tấm ván (mộc bản) khắc kinh sách đạo Phật chùa Vĩnh Nghiêm; móng tháp chùa Linh Quy v.v..
Ở Hải Dương, cũng phát hiện nhiều hiện vật khảo cổ tại 16 di tích thuộc dòng Trúc Lâm ở các địa phương như: Chí Linh, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Nam Sách, Gia Lộc và TP Hải Dương. Đặc biệt, có bia Thanh Mai Viên Thông tháp, giếng Ngọc ở Côn Sơn, ngói mũi hài, tháp mộ đất nung thời Trần, ngói tráng men, tảng kê chân cột, bia đá ở chùa Côn Sơn; gạch trang trí, đồ gốm, dao, đinh, tiền đồng niên hiệu Nguyên Phong thông bảo thời Trần Thái Tông ở di tích Kiếp Bạc; lò nung gạch và đồ sành ở chân núi Nam Tào v.v..
Hiện nay, do các công trình mới được dựng lên trên nền các công trình kiến trúc cũ nên dấu tích xưa được bảo tồn dưới lòng đất. Do đó, việc tìm địa điểm khai quật thăm dò là hết sức khó khăn. Tuy nhiên, những di vật thu được đã bước đầu giúp xác định được vị trí và hình dung được bức tranh chùa tháp Yên Tử.
Theo TS Bùi Văn Hiếu, Viện Khảo cổ học, những bằng chứng khảo cổ học cho thấy Yên Tử không chỉ là công quả của thời Trần mà là của nhiều thời đại với một tầng văn hóa dày gần 1.000 năm lịch sử. Đây là một trong những giá trị nổi bật của Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử.
Theo TS Lê Thị Liên, Hội Khảo cổ học Việt Nam, cố vấn khoa học Viện Khảo cổ học Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Quốc tế về di sản văn hóa dưới nước của UNESCO (ICUCH), cần tổ chức khai quật tại các di tích nếu tập hợp được những tư liệu ấy, "nhặt nhạnh" những gì còn lại để khôi phục nên một bức tranh về di sản. Bức tranh đó, vì nhiều lý do khác nhau trước đây, như chiến tranh, thiên tai và cả sự phát triển của xã hội đã bị mờ đi, thậm chí vỡ đi, rất cần chúng ta thu nhặt, hàn gắn, trùng tu lại cho rõ rệt hơn.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()