Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 01:34 (GMT +7)
Thấy gì từ việc phim Nhà nước đặt hàng ra rạp?
Chủ nhật, 03/03/2024 | 19:00:00 [GMT +7] A A
Không được truyền thông bài bản, ra rạp “âm thầm” với 3 suất chiếu mỗi ngày vào đúng kỳ phim Tết, bộ phim do Nhà nước đặt hàng “Đào, phở và piano” bất ngờ trở thành hiện tượng của làng phim Việt. Sự thành công của bộ phim "để lộ" nhiều điểm yếu trong các khâu truyền thông, phát hành và cả cơ sở hạ tầng của các rạp, cụm rạp nhà nước nếu muốn tiếp tục đón những làn sóng “yêu phim Việt” từ khán giả.
Xếp hàng mua vé
"Đào, phở và piano" là phim do Nhà nước đặt hàng, được sản xuất năm 2023 với kinh phí hơn 20 tỷ đồng, Nghệ sỹ Ưu tú Phi Tiến Sơn (Hãng phim truyện 1) là đạo diễn kiêm biên kịch.
Thời điểm phim “Đào, phở và piano” ra rạp, thị trường phim Tết Việt là cuộc cạnh tranh của nhiều phim “hot”. Trong đó, phim “Mai” của Trấn Thành có số lượng suất chiếu áp đảo tại các rạp thương mại. Thành công kỳ lạ của "Đào, phở và piano" khiến không chỉ công chúng bất ngờ mà đơn vị phát hành phim duy nhất tại thời điểm đó là Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội) cũng trở tay không kịp.
“Đào, phở và piano” chính thức được công chiếu từ ngày 10/2 (mùng 1 Tết Giáp Thìn) với 3 suất chiếu/ ngày. Từ mùng 7 Tết, sau những bài viết đánh giá tích cực trên mạng xã hội về bộ phim, lượng khán giả kéo đến rạp tăng đột biến. Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đã liên tục tăng suất chiếu, từ 3 suất lên 5 suất, rồi 11 suất, 18 suất và 23 suất chiếu ngày 24/2… gấp gần 8 lần thời điểm phim mới công chiếu nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của người xem, vì đây là cụm rạp duy nhất chiếu “Đào, phở và piano”.
Do số lượng khách truy cập đặt mua vé quá đông, toàn bộ hệ thống bán vé trực tuyến của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia bao gồm: Trang web, ứng dụng di động, các trang thanh toán ngân hàng gặp sự cố trong 5 ngày liên tiếp. Bộ phim này chỉ được bán vé trực tiếp tại quầy.
Trao đổi với báo chí, đại diện Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cho biết, cập nhật đến sáng 26/2, đơn vị này đã bán được 42.000 vé phim "Đào, phở và piano", thu về hơn 2 tỷ đồng. Trung tâm đã phải giảm 50% suất chiếu phim “Mai” để chuyển sang chiếu “Đào, phở và piano”.
Trước sức hút của phim, hai doanh nghiệp điện ảnh tư nhân là Beta Media và Cinestar Vietnam chủ động liên hệ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) để được chiếu phim “Đào, phở và piano” tại các cụm rạp của hai đơn vị này (có hệ thống rạp tại nhiều tỉnh trên cả nước) từ ngày 22/2, đồng thời khẳng định, sẽ nộp toàn bộ doanh thu bán vé của bộ phim về cho Nhà nước.
Nghịch lý cơ chế
Có nhiều lý do để làm nên thành công chưa từng có của một bộ phim nhà nước như vậy. Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành đánh giá, “Đào, phở và piano” là bộ phim chất lượng, xứng đáng được khán giả quan tâm, ủng hộ. Bộ phim được chú ý nhờ sự lan truyền trên mạng xã hội khiến các nhà quản lý, đơn vị phát hành và phổ biến phim bất ngờ.
Thêm vào đó, “Đào, phở và piano” được chiếu dịp phim Tết, nhận được hiệu ứng đòn bẩy từ “phim Trấn Thành”. Hình ảnh khán giả xếp hàng dài mua vé do cơ chế chiếu hạn hẹp (ở 1 rạp) của Nhà nước càng làm tăng thêm phần tò mò.
Trên thực tế, tác phẩm Bông Sen Bạc “Đào, phở và piano” có được truyền thông sau khi hoàn thành phim. Nhưng đó là cách đưa thông tin cho báo chí một cách hết sức truyền thống, không truyền thông mạng xã hội, không khai thác sức hút của diễn viên, đạo diễn, nhân vật, bối cảnh… Và có lẽ, “Đào, phở và piano” cứ thế trôi qua mà không gặp được lớp khán giả của mình, trở thành một tác phẩm bị “đắp chiếu”, nếu không có hiệu ứng trên mạng xã hội từ chính những khán giả có tầm ảnh hưởng.
Giới chuyên gia nhận xét, trở ngại lớn nhất cho việc tạo nên những kịch bản truyền thông, đưa thông tin về phim đến với nhiều khán giả hơn là không có kinh phí cho công tác này. Bộ phim làm từ ngân sách Nhà nước thì không được phép kinh doanh.
Theo quan điểm của đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, đạo diễn phim "Dành cho tháng Sáu”, thì hiện nay không có quy định về việc kinh doanh phim Nhà nước. Để làm được việc này, Nhà nước phải lập ra một doanh nghiệp riêng. Nếu hoạt động không hiệu quả, nếu phim không thành công, sẽ gây thêm nhiều hao hụt ngân sách. Điều này là rất rủi ro.
Trong những năm qua, phim do Nhà nước đầu tư sản xuất có số lượng hạn chế. Mỗi năm, Nhà nước đặt hàng từ 2 - 3 phim truyện, khoảng hơn 20 phim tài liệu, khoa học và 20 phim hoạt hình, với kinh phí sản xuất thấp và không có kinh phí để phát hành, phổ biến phim.
Về mặt phát hành, theo chủ trương trước đây, một phim được đặt hàng làm từ ngân sách Nhà nước sẽ được chiếu miễn phí để đảm bảo người dân tiếp cận rộng rãi. Tuy nhiên, nghịch lý xảy ra là phim sản xuất sử dụng ngân sách Nhà nước, không vì mục đích thương mại nên chỉ được chiếu duy nhất tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia - đơn vị phát hành phim của Nhà nước và 100% doanh thu chiếu phim phải nộp vào ngân sách Nhà nước.
Cơ chế chiếu phim một rạp Nhà nước cũng khiến khán giả tiếp cận được ít, nhất là trong thời điểm bộ phim tạo được tiếng vang, sự chú ý của công chúng. Trong khi đó, việc mua vé trực tuyến của rạp Nhà nước bị sập trong nhiều ngày không thể khắc phục cũng đặt ra yêu cầu đầu tư hơn nữa cho hạ tầng cơ sở cho Trung tâm Chiếu phim Quốc gia.
Việc Bộ VH,TT&DL thông qua phát hành phim của hai doanh nghiệp tư nhân giúp “hạ nhiệt” cơn sốt vé tại rạp Nhà nước. Tuy nhiên, do phim chiếu không doanh thu nên có thể thấy hầu hết các đơn vị phát hành phim tư nhân lớn như CGV, BHD, Galaxy… đều không tham gia chiếu dù phim rất hút khách. Đại diện một số đơn vị phát hành phim tư nhân khác cho rằng, phim do Nhà nước đặt hàng nhưng khi phát hành, phổ biến ngoài hệ thống rạp tư nhân cần trích tỷ lệ % cho đơn vị phát hành, bởi đơn vị đã phải đầu tư nhiều chi phí để xây dựng, vận hành hệ thống rạp nên không thể phát hành mà không có kinh phí.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cũng thừa nhận: Việc phổ biến phim rộng rãi hiện còn một số bất cập, bởi “Đào, phở và piano” là phim được Nhà nước cấp hoàn toàn kinh phí sản xuất, nhưng chưa có kinh phí phát hành. Vì thế, để có thể phát hành phim ở hệ thống rạp tư nhân trên toàn quốc, cũng cần phải có tỷ lệ % cho đơn vị phát hành.
Có thể thấy, việc đưa các bộ phim sử dụng ngân sách Nhà nước ra rạp là một “phép thử” và bước đầu đã cho thấy những tín hiệu khả quan. Từ hiện tượng của “Đào, phở và piano”, nhiều chuyên gia điện ảnh đặt câu hỏi, để phim sử dụng ngân sách Nhà nước đến gần hơn nữa với khán giả, liệu có thể xây dựng cơ chế “mở” để truyền thông bài bản, phát hành diện rộng như các phim tư nhân khác, trích % doanh thu sau phát hành để tái đầu tư, quảng bá cho các phim nghệ thuật khác…
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()