Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 07:22 (GMT +7)
Thị trường chứng khoán 2022: Một năm biến động hiếm có
Thứ 4, 28/12/2022 | 22:19:04 [GMT +7] A A
Thị trường chứng khoán trải qua một năm 2022 đầy biến động, thăng trầm, lên xuống khó lường với nhiều kỷ lục vui buồn lẫn lộn.
VN-Index nằm trong top tăng, giảm mạnh nhất thế giới
Sau một năm 2021 thăng hoa, chỉ số VN-Index tiếp tục duy trì ở đỉnh cao lịch sử trong 3 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, sau đó, thị trường liên tục đi xuống và nằm trong top giảm sâu nhất thế giới. Tới ngày 27/12, VN-Index xuống còn 1.004,57 điểm, thấp hơn 34,2% so với mức trên 1.520 điểm hồi đầu tháng 4.
Trong năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) cũng ghi nhận những kỷ lục về số lượng nhà đầu tư mới tham gia, có tháng lên tới gần nửa triệu tài khoản được mở mới, khối ngoại mua ròng kỷ lục hay thanh khoản một số cổ phiếu lên tới cả trăm triệu đơn vị/phiên. Thị trường cũng ghi nhận những biến động khó lường và đầy cảm xúc của nhiều cổ phiếu.
Trong tháng 11 và 12, TTCK cũng ghi nhận những phiên hồi phục mạnh nhất thế giới.
Các mã chứng khoán lên đỉnh, xuống đáy
Rất nhiều kỷ lục đã được ghi nhận trong năm qua, trong đó nhiều mã cổ phiếu có những lúc mang đến niềm vui lớn, nhưng cũng có lúc là nỗi buồn xót xa đối với nhiều nhà đầu tư trên sàn.
Không ít mã cổ phiếu lên đỉnh cao mọi thời đại, tăng gấp 5-7, thậm chí vài chục lần, trong một khoảng thời gian ngắn nhưng rồi rớt rất nhanh, khiến các nhà đầu tư hoang mang lo sợ.
Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng - DIC Corp (DIG) là một trong số cổ phiếu thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư trên thị trường trong năm 2022. Từ cuối năm 2020, cổ phiếu này đã trở thành một điểm nóng trên thị trường khi tăng vọt từ mức dưới 10.000 đồng/cp lên ngưỡng 100.000 đồng/cp hồi đầu 2022.
DIG được xem là một hiện tượng và được đánh giá có thể lên “500.000 đồng/cp”, khiến không ít người mua ở mức giá 70.000 đồng/cp cảm thấy “rất hời”. Tuy nhiên, cú sụt giảm của DIG về ngưỡng 10.000 đồng/cp vào đầu tháng 11/2022 gây sốc cho không ít cá nhân. Vốn hóa của DIG Corp. có lúc mất vài tỷ USD.
Ngoài ra, thị trường ghi nhận hàng loạt mã bất động sản có biến động 'hoang dại', tăng trần không ai bán và có lúc giảm sàn hàng chục phiên không ai mua.
Ít ai có thể nghĩ rằng cổ phiếu Novaland (NVL) của doanh nghiệp bất động sản hàng đầu phía Nam - CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va của ông Bùi Thành Nhơn - có ngày xuống mức 13.100 đồng/cp như sáng 27/12, thấp hơn nhiều so với mức 95.000 đồng/cp hồi đầu năm.
Cú giảm giá hàng chục phiên sàn của Bất động sản Phát Đạt (PDR) hay Hải Phát (HPX)... cũng khiến nhiều người không tin vào mắt mình. Ít ai ngờ rằng, cổ phiếu Vingroup (VIC) và Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng xuống ngưỡng 50.000 đồng/cp.
TTCK hồi đầu tháng 1/2022 ghi nhận kỷ lục 135 triệu cổ phiếu FLC được giao dịch trong một phiên, tương đương gần 20% lượng cổ phiếu lưu hành và chiếm tới gần 10% thanh khoản sàn HOSE.
Tuy nhiên, kỷ lục này được phá vỡ hôm 30/11 bởi ‘tay chơi’ bất động sản miền Bắc. CTCP Đầu tư Hải Phát - Hải Phát Invest (HPX) ghi nhận 165 triệu cổ phần được chuyển nhượng, tương đương khoảng 54% số lượng cổ phiếu HPX đang niêm yết trên TTCK, sau khi cổ phiếu HPX giảm sàn cả chục phiên.
Thao túng cổ phiếu
Hồi tháng 8/2022, cơ quan chức xác nhận trường hợp bị can Trịnh Văn Quyết có hành vi thao túng TTCK từ đầu tháng 12/2021 kéo dài đến phiên giao dịch ngày 10/1/2022. Đây là phiên cựu chủ tịch FLC bán chui 74,8 triệu cổ phiếu.
Ông Quyết đã vẽ ra một "kịch bản" khá tinh vi, chỉ đạo nhiều người cùng tham gia "thổi giá" cổ phiếu của chính tập đoàn mình lên một mức cao ngất ngưởng, rồi bán chui số cổ phiếu ông mua rẻ với mục đích hưởng lợi bất chính.
Bị can Quyết đã chỉ đạo nhiều người thân trong gia đình và một số người khác điều hành nhân viên CTCP Chứng khoán BOS và các công ty con, sử dụng khoảng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thực hiện việc "làm giá". Những cá nhân này liên tục mua, bán chứng khoán FLC với tần suất lớn nhằm tạo ra cung cầu giả, đẩy giá lên cao thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.
Sau khi xảy ra việc bán chui cổ phiếu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBNCKNN) đã hủy giao dịch toàn bộ số cổ phiếu do ông Quyết bán ra.
Bên cạnh đó, theo Bộ Công an, Trịnh Văn Quyết còn thao túng giá nhiều mã chứng khoán khác.
TTCK còn chứng kiến những vụ thao túng “thổi giá” cổ phiếu của Chủ tịch Louis Holdings Đỗ Thành Nhân với sự hỗ trợ vốn từ Trí Việt.
Kỷ luật lãnh đạo ngành chứng khoán
Giữa tháng 5/2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 15 và xử lý kỷ luật các tập thể và cá nhân liên quan đến những vi phạm của Đảng ủy Cơ quan UBCKNN.
Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra cảnh cáo Đảng ủy Cơ quan UBCKNN các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025. Ủy ban Kiểm tra đã khai trừ khỏi Đảng ông Lê Hải Trà, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Sở GDCK TP.HCM. Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Trần Văn Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài chính, Bí thư Đảng ủy Cơ quan, Chủ tịch UBCKNN.
Cảnh cáo các ông Vũ Bằng, nguyên Bí thư Đảng ủy Cơ quan, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Nguyễn Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài chính, Bí thư Đảng ủy Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam; Nguyễn Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Trái phiếu đóng băng, dòng tiền tụt giảm, lãnh đạo bị bán giải chấp
Trong năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận khoảng nửa cuối năm “đóng băng” sau các sự kiện Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát và dự thảo Nghị định 65 sửa đổi thay cho Nghị định 153.
Nhiều doanh nghiệp tái cấu trúc dư nợ và mua lại khoảng 164 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trong 11 tháng, tăng khoảng gấp rưỡi so cùng kỳ.
Sự thiếu hụt dòng tiền cùng với áp lực mua lại trái phiếu cũng như việc giá cổ phiếu liên tục lao dốc khiến không ít lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết bị bán giải chấp cổ phiếu, đặc biệt ở nhóm bất động sản, xây dựng như trường hợp ông Nguyễn Văn Đạt (chủ tịch PDR), ông Đỗ Quý Hải (chủ tịch Hải Phát), ông Bùi Thành Nhơn (chủ Novaland), Nguyễn Thiện Tuấn (chủ tịch DIG)...
TTCK ghi nhận hiệu ứng “hòn tuyết lăn”, càng xuống càng to và lao dốc nhanh hơn.
Khối ngoại đổ tiền vào kỷ lục
Trái với đà bán mạnh của các nhà đầu tư trong nước khiến VN-Index có lúc giảm xuống 873 điểm hôm 6/11, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh trong hai tháng 11 và 12, tổng lên tới hơn 29 nghìn tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2022, khối ngoại mua ròng khoảng 27 nghìn tỷ đồng.
Đợt mua ròng với tốc độ nhanh và khối lượng lớn kỷ lục trên TTCK Việt Nam trong vòng 22 năm qua. Việc mua ròng cả chục nghìn tỷ đồng chỉ trong vòng 2 tháng là hiện tượng chưa từng xảy ra trong gần 4 năm lại đây.
Gương mặt nổi bật là các quỹ của Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Hàn Quốc,... Một số quỹ mua nhiều cổ phiếu Việt như Fubon (Đài Loan) , VNM (US), DR Diamond của Thái, Dragon Capital...
Quỹ ETF Fubon đã được phép huy động thêm khoảng 4.000 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt Nam trong tháng 12 và năm 2023.
Thay đổi về chính sách
Trong năm 2022, TTCK ghi nhận việc rút ngắn chu kỳ thanh toán về ngày T+2. Đây là một bước trong nỗ lực góp phần vào trong quá trình nâng hạng thị trường.
HOSE trong tháng 9/2022 cho phép các nhà đầu tư chứng khoán đã được giao dịch lô lẻ trở lại nhưng chưa được như kỳ vọng do được thực hiện trên bảng riêng, hoàn toàn tách biệt với giao dịch chứng khoán lô chẵn.
Ngày 16/5, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) đã đổi cách tính giá thanh toán ngày đáo hạn phái sinh và ngày 15/12 đã thực hiện điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ ban đầu tối thiểu từ 13% lên 17% nhằm giảm “tính đầu cơ” cũng như sức ảnh hưởng của phái sinh lên thị trường cơ sở, qua đó góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()