Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 18:04 (GMT +7)
Thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý: Đã có Quy chế
Thứ 3, 25/06/2013 | 05:14:44 [GMT +7] A A
Việc Quảng Ninh tiên phong tổ chức thi tuyển lãnh đạo, quản lý đã tạo “hiệu ứng lan toả” tích cực. Cụ thể, ngày 20-6, Thành uỷ Hải Phòng thông báo chính thức về việc thi tuyển chức danh Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng. Đây là lần đầu tiên Hải Phòng tổ chức thi tuyển công khai chức danh lãnh đạo cấp Thành uỷ quản lý. Đồng thời, đây sẽ là trường Đại học đầu tiên có hiệu trưởng theo hình thức thi tuyển. Trước đó, việc thi tuyển người đứng đầu cơ quan cấp Tổng Cục Đường bộ Việt Nam đã được Bộ Giao thông - Vận tải lập đề án.
Tiếp nối thành công từ lần đầu tiên, tỉnh tiếp tục mở đợt thi tuyển chức danh Phó Giám đốc đối với 6 Sở. Đợt thi tuyển này thực hiện theo Quy chế thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý do Tỉnh uỷ vừa ban hành (kèm theo Quyết định số 1106-QĐ/TU ngày 10-6-2013).
Bên cạnh quy định chung, phạm vi, đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục, trình tự thi tuyển... Quy chế còn chỉ rõ quyền lợi của đối tượng dự thi. Đó là, được yêu cầu cơ quan tham mưu giúp việc của hội đồng thi cung cấp hoặc giới thiệu đến cơ quan có liên quan để cung cấp các tài liệu khi có nhu cầu. Không chỉ vậy, đối tượng dự thi đạt kết quả tốt (tổng số điểm thi từ 80 điểm trở lên) được bảo lưu kết quả thi trong thời gian một năm và được xem xét bổ nhiệm vào vị trí đã thi tuyển nếu có nhu cầu.
Theo Quy chế này, cách tính điểm theo thang điểm 100 cho 2 phần thi (thuyết trình đề tài 50 điểm, trả lời câu hỏi 50 điểm). Biểu điểm cụ thể do Hội đồng thi tuyển quyết định. Đối tượng dự thi tối thiểu phải đạt 50% số điểm trở lên đối với mỗi phần thi mới được xác định đạt yêu cầu. Điểm của mỗi đối tượng dự thi là điểm trung bình cộng của các thành viên Hội đồng của mỗi phần thi cộng lại. Trường hợp thành viên hội đồng chấm điểm chênh lệch 20% trở lên so với điểm trung bình cộng của các thành viên hội đồng, nếu không điều chỉnh được thì không được tính để lấy kết quả thi.
Nguyên tắc lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ với đối tượng có kết quả thi là người đạt trên 50% số điểm trong mỗi phần thi và có tổng số điểm cao nhất. Trên cơ sở đó, cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm căn cứ kết quả thi tuyển, hồ sơ cán bộ và yêu cầu nhiệm vụ, tiến hành đánh giá, lựa chọn bằng phiếu kín để xem xét, bổ nhiệm có thời hạn.
Một trong những điểm rất đáng quan tâm của Quy chế này chính là việc quy định chế độ tập sự. Người dự thi được bổ nhiệm vào vị trí chức danh phải thông qua cơ chế “tập sự lãnh đạo, quản lý” một năm. Trong thời gian tập sự sẽ được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm phân công thành viên theo dõi, hướng dẫn, tạo điều kiện để cán bộ được bổ nhiệm thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Sau thời gian tập sự, sẽ tổ chức hội nghị cán bộ lãnh đạo chủ chốt nhận xét, đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm. Nếu cán bộ đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được cấp bổ nhiệm xem xét bổ nhiệm chính thức; trong trường hợp không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cấp có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ sẽ xem xét cụ thể.
Tin tưởng rằng, với một bước tiến mới khẳng định bằng việc ban hành Quy chế, Quảng Ninh sẽ có nhiều đột phá mà đầu tiên chính từ công tác cán bộ.
Ngọc Lê
Liên kết website
Ý kiến ()