Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 13:36 (GMT +7)
Thích ứng trong xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm OCOP
Chủ nhật, 19/12/2021 | 13:49:54 [GMT +7] A A
Vận dụng các kênh xúc tiến, linh hoạt nguồn lực, cách làm cùng nỗ lực thay đổi, mở hướng đi mới, hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP đã và đang "tiếp sức" hiệu quả cho các doanh nghiệp trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Theo thống kê, tới nay, chương trình OCOP đã có khoảng 500 sản phẩm, trong đó 230 sản phẩm đạt sao, số ít được phân hạng sản phẩm cấp Quốc gia. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm trên được sản xuất theo phương thức thủ công, chất lượng, quy cách mẫu mã còn hạn chế, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường. Các kênh tiêu thụ và việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP, nhất là trong bối cảnh chịu ảnh hưởng rất lớn do dịch Covid-19, còn hạn chế.
“Chính vì thế cần sự thích ứng, linh hoạt và đổi mới trong cách thức tổ chức tiêu thụ, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, đặc biệt trong tình hình mới khi các hoạt động kinh tế xã hội dần thích ứng, chung sống với dịch bệnh”, ông Hoàng Đức Khá, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương (Sở Công thương cho biết.
Theo đó, các hoạt động xúc tiến, tiêu thụ truyền thống, thường niên, dù ở quy mô lớn hay nhỏ, vẫn được xác định đóng vai trò quan trọng. Điểm khác biệt, thay đổi chính là ở khâu tổ chức cẩn thận, công phu hơn, như: Yêu cầu xét nghiệm Covid-19 với người bán hàng, quét mã, kiểm soát chặt người ra vào, không cho người dưới 12 tuổi vào hội chợ... Qua thực tế, tổ chức Hội chợ OCOP 2021 (từ 26/11- 2/12) tại TP Hạ Long vừa qua cho thấy hiệu quả từ sự thay đổi, thích nghi này.
Từ nay tới cuối năm 2021, dự kiến tỉnh sẽ có Hội chợ OCOP Xuân với quy mô khoảng trên 200 -250 gian hàng. Trong đó, thay vì chiêu thương rộng rãi như các năm trước, BTC hội chợ chỉ tập trung mời một số gian hàng ở các khu vực phía Bắc, gần về địa lý cũng như đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.
Ngoài các kênh truyền thống, Trung tâm xúc tiến và Phát triển Công thương, đơn vị chủ trì các hoạt động xúc tiến cũng xác định đề cao các thị trường trọng điểm, như: Đà Nẵng, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội - nơi thường có các sự kiện quy mô lớn, từ nguồn xúc tiến thương mại quốc gia của Bộ Công thương. Dự kiến, thời gian tới, Quảng Ninh cũng tiếp nhận và tổ chức một số sự kiện xúc tiến lớn từ chính nguồn này.
Trong bối cảnh chuỗi tiêu thụ đứt gẫy, việc quan tâm phát triển đưa hàng OCOP vào Vinmart, Big C, các chuỗi cửa hàng nông đặc sản, siêu thị nhỏ, cửa hàng tiện ích… vẫn được triển khai tốt thời gian qua. Đơn cử, gần đây đã có một số thương hiệu như: Nước mắm Đại Cát (Uông Bí), chả mực và hải sản Cô Tô (Cô Tô), trà hoa vàng (Ba Chẽ)… liên tục được đưa vào siêu thị và các chuỗi tiêu thụ trên.
Hoà chung xu thế, một trong những hướng được quan tâm chính là thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm qua sàn thương mại điện tử tỉnh. Ngoài chính sách hỗ trợ chung cho doanh nghiệp, thời gian tới, các chính sách hỗ trợ, miễn phí sẽ được đẩy mạnh hơn qua các hoạt động và việc nâng cấp sàn.
Theo thống kê của Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương thì cho tới thời điểm này trên sàn thương mại điện tử của tỉnh đã có trên 320 sản phẩm của 76 doanh nghiệp, tăng đáng kể so với năm 2020. Sự quan tâm của người mua cũng tăng, với trung bình trên 1000 lượt truy cập/ngày. Doanh thu của các doanh nghiệp tham gia sàn đã tăng trên 15%, trong đó có trên 90% các đơn hàng đặt qua sàn, đã được chuyển về cho các doanh nghiệp thực hiện.
Như vậy có thể thấy, việc thay đổi, linh hoạt trong cách làm, thích nghi với tình hình mới, các hoạt động xúc tiến đang dần ổn định, hỗ trợ đắc lực các doanh nghiệp OCOP.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()