Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 11:54 (GMT +7)
Thiện nguyện trong học đường
Chủ nhật, 15/11/2015 | 07:31:22 [GMT +7] A A
Trong một cuộc trò chuyện với chúng tôi, cô giáo Trần Thị Thu, Hiệu phó Trường THPT Cẩm Phả, đã chia sẻ rằng vào dịp Quảng Ninh gặp thiên tai nặng nề do mưa lụt cuối tháng 7 vừa rồi, trong khi nhà trường chưa kịp phát động thì chính các em học sinh ở nhiều lớp đã khởi xướng phong trào tình nguyện giúp đỡ người dân và các bạn nhỏ ở những nơi bị thiệt hại nặng nề ngay trên địa bàn thành phố. Theo cô Thu, đó là điều rất đáng mừng, nó cho thấy các em học sinh bây giờ không còn thờ ơ với hoạt động thiện nguyện; tự bản thân các em đã có mong muốn giúp đỡ người khác, muốn được làm một việc gì đó để san sẻ với những người gặp khó khăn, hoạn nạn. Và tất nhiên, một khi đã như vậy thì việc tổ chức các hoạt động này trong nhà trường trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn nhiều...
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, điều đó không phải tự dưng mà có; muốn phong trào tình nguyện sôi nổi và đi vào chiều sâu, cần phải tạo dựng và bồi đắp cho các em học sinh ý thức “hướng thiện”. Điều này thoạt nghe có vẻ chẳng có gì mới, nhưng để ý sẽ thấy không phải ở đâu cũng làm được điều đó. Ở một số trường học, hầu như hoạt động tình nguyện được “khoán gọn” cho tổ chức Đoàn, coi đây là một hoạt động phong trào mang tính “bề nổi”… Và vì là phong trào Đoàn nên đã là ĐVTN thì bắt buộc phải tham gia, vấn đề “thích” hay “không thích” hầu như không được đặt ra; các bạn trẻ tham gia hoạt động thiện nguyện như một nghĩa vụ hơn là một nhu cầu tự thân. Chính điều này khiến cho hoạt động thiện nguyện giảm đi đáng kể ý nghĩa cao đẹp của nó, mặc dầu nó vẫn được tiến hành “một cách bài bản”… Hay nói cách khác, thiện nguyện là một hoạt động mang tính nhân văn mà mỗi cá nhân tham gia hoạt động đó mong muốn làm vì nhu cầu tự thân. Muốn thế, không thể hô hào chung chung, mà phải có biện pháp giáo dục thường xuyên; đã đành việc tổ chức phát động và triển khai thực hiện phong trào giao cho tổ chức Đoàn là hợp lý nhất, nhưng Ban Giám hiệu cũng như các thầy cô giáo, Hội Cha mẹ học sinh v.v. cũng phải có trách nhiệm trong vấn đề này. Bắt đầu từ những việc nhỏ, gần gũi với các em, như giúp đỡ các bạn gặp khó khăn trong lớp, trong tổ v.v.. Bởi nếu không biết quan tâm đến những người gần gũi, ngay bên cạnh mình thì làm sao có thể quan tâm đến những người xa lạ… Chính những việc thiện nguyện nho nhỏ hàng ngày ấy sẽ tạo lập cho các em một cái nhìn đúng đắn, nhân văn về hoạt động thiện nguyện, các em tham gia các hoạt động một cách có cảm xúc. Và đây mới chính là mục đích cao nhất của phong trào thiện nguyện trong học đường…
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()