Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:11 (GMT +7)
Thiết bị thực tế tăng cường đầy tham vọng của Facebook
Thứ 6, 06/08/2021 | 11:09:06 [GMT +7] A A
Phòng thí nghiệm thực tế Facebook (Facebook Reality Labs - FRL) muốn mọi người nhìn thấy đôi mắt của bạn khi bạn đang sử dụng thực tế ảo - ngay cả khi điều này thật mơ hồ và khó hiểu!
Đầu tuần này, FRL đã có bài viết về "thực tế ảo đảo ngược" - một tính năng giúp tai nghe VR đỡ bị "cô lập" hơn. Tóm lại, các nhà nghiên cứu đã nghĩ ra một phương pháp để đưa khuôn mặt của bạn lên mặt trước của tai nghe, mặc dù họ nhấn mạnh rằng tất cả vẫn đang là thử nghiệm.
"Passthrough VR" đề cập đến tính năng hiển thị nguồn cấp dữ liệu video trực tiếp từ camera của tai nghe, cho phép người dùng nhìn thấy thế giới thực trong khi họ vẫn đeo thiết bị. Ví dụ, nền tảng Oculus Quest của Facebook hiển thị nguồn cấp dữ liệu cho người dùng khi họ bước ra ngoài ranh giới không gian VR. Điều này giúp người dùng VR nhanh chóng bước ra khỏi thế giới VR và nó cũng có thể kích hoạt một dạng thực tế tăng cường bằng cách thêm các đối tượng ảo vào nguồn cấp dữ liệu camera. Nhưng như FRL lưu ý, những người xung quanh người dùng kính thực tế ảo không thể giao tiếp bằng mắt với người đeo, ngay cả khi người đeo kính VR có thể nhìn thấy họ một cách hoàn hảo. Điều này giống như tình thế một người có thể nhìn thấu khuôn mặt trần trụi của những người khác, trong khi họ không hề hay biết.
Nhà khoa học FRL Nathan Matsuda đã quyết định thay đổi điều này. Một bài đăng trên blog giải thích rằng bắt đầu vào năm 2019, Matsuda đã gắn màn hình 3D vào tai nghe Oculus Rift S. Màn hình hiển thị phần khuôn mặt phía trên của anh ấy và các camera theo dõi mắt được tùy chỉnh đã chụp lại mọi ánh nhìn của Matsuda. Kết quả là Matsuda đang đeo một chiếc máy tính bảng, và chiếc máy tính này có khả năng hiển thị một bản sao khuôn mặt của chính anh ấy.
Theo bài đăng trên blog, nhà khoa học trưởng của FRL, Michael Abrash không thấy ý tưởng này thực tế lắm. "Phản ứng đầu tiên của tôi là ý tưởng đó thật ngốc nghếch. Nhưng tôi không nói với các nhà nghiên cứu, bởi vì bạn sẽ không thể có sự đổi mới nếu không có quyền tự do thử những điều mới".
Matsuda đã thực hiện ý tưởng này, và trong hai năm tiếp theo, anh ấy đã dẫn đầu một nhóm phát triển một thiết kế sắc sảo hơn. Tai nghe nguyên mẫu của nhóm bổ sung một loạt ống kính và máy ảnh vào màn hình tai nghe VR tiêu chuẩn. Camera âm thanh nổi ghi lại hình ảnh của khuôn mặt và đôi mắt bên trong tai nghe và chuyển động của đôi mắt được ánh xạ vào một mô hình khuôn mặt kỹ thuật số. Sau đó, hình ảnh được chiếu lên màn hình trường ánh sáng hướng ra bên ngoài. Màn hình đó tạo ra ảo giác khi nhìn qua thấu kính của kính bảo hộ dày và nhìn thấy một đôi mắt, mặc dù trên thực tế, đôi mắt đó là một bản sao hoạt hình theo thời gian thực. Nếu người đeo chuyển sang chế độ VR đầy đủ, màn hình có thể trống để báo hiệu rằng họ không còn tương tác với thế giới bên ngoài.
Kết quả là một cặp kính hình bát giác trông giống như trong một bộ phim của Terry Gilliam. FRL thừa nhận rằng các thành phần riêng lẻ của hệ thống không phải đều mang tính cách mạng. HTC đã có một tiện ích bổ sung theo dõi khuôn mặt cho tai nghe Vive Pro của mình; nó ánh xạ chuyển động lên hình đại diện bên trong VR, không phải màn hình hướng ra bên ngoài, nhưng nguyên tắc cũng tương tự. Tất cả nỗ lực tập trung vào tiềm năng hiển thị trường ánh sáng và các cơ hội của hệ thống VR để người đeo tương tác xã hội trực tiếp tốt hơn.
Về mặt lý thuyết, kính chiếu kiểu HoloLens giúp khuôn mặt của bạn rõ ràng hơn nhiều so với kiểu hiển thị "xuyên thấu" (passthrough) của Facebook - mặc dù rất nhiều loại kính đó có thấu kính bị tối và ngoài ra, ánh sáng chiếu vào thấu kính trong cũng có thể cản tầm nhìn của bạn. Theo The Verge, nhưng khi các công ty như Apple được báo cáo đang thử nghiệm với các thiết kế xuyên thấu, thì Facebook cũng không thể nằm ngoài cuộc chơi.
Theo Vnreview
Liên kết website
Ý kiến ()