Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 21:26 (GMT +7)
Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO
Thứ 3, 11/07/2023 | 07:20:08 [GMT +7] A A
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã từ bỏ quan điểm phản đối đơn xin gia nhập khối quân sự phương Tây của Stockholm.
Theo đài RT, NATO đã dọn đường cho Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự phương Tây bằng cách thuyết phục Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chấm dứt sự phản đối của ông đối với nỗ lực của Stockholm.
Sau khi chủ trì cuộc gặp giữa ông Erdogan và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson ngày 10/7 tại Vilnius, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý ủng hộ đơn đăng ký của Thụy Điển và chuyển đề xuất này tới các nhà lập pháp Ankara để phê chuẩn.
“Đây là một bước đi lịch sử giúp tất cả các đồng minh NATO mạnh mẽ hơn và an toàn hơn", ông Stoltenberg nói thêm.
Thổ Nhĩ Kỳ đã cản trở quá trình mở rộng mới nhất của NATO, sử dụng quyền phủ quyết của mình chủ yếu do lo ngại rằng Thụy Điển đã không làm hết sức để giúp trấn áp “các tổ chức khủng bố” thân người Kurd.
Liên minh quân sự gồm 31 quốc gia đòi hỏi sự chấp thuận nhất trí cho tất cả các thành viên để cho phép một thành viên mới gia nhập.
Theo đài CNN, việc ông Erdogan từ bỏ cản trở Thụy Điển đánh dấu một bước tiến quan trọng, nhưng không có nghĩa là Thụy Điển sẽ ngay lập tức trở thành thành viên tiếp theo của liên minh.
Ông Stoltenberg không đưa ra mốc thời gian cụ thể khi nào Tổng thống Erdogan sẽ chuyển tài liệu xin gia nhập của Stockholm tới Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ để bỏ phiếu thông qua. Hungary cũng chưa bỏ phiếu chấp thuận tư cách thành viên của Thụy Điển, mặc dù ông Stoltenberg cho biết Hungary đã nói rõ rằng họ sẽ không phải là nước cuối cùng phê chuẩn đơn của Thụy Điển.
Khi được một phóng viên hỏi khi nào Thụy Điển có thể chính thức trở thành thành viên NATO, ông Stoltenberg không sẵn lòng đưa ra câu trả lời, nói rằng việc đưa ra thông báo là tùy thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ và ông muốn tập trung hơn vào giá trị của một "ngày lịch sử".
“Tôi nghĩ chúng ta phải tôn trọng rằng mỗi quốc hội đều có tính chính trực, thời hạn riêng, vì vậy tôi hoan nghênh việc tổng thống Erdogan đã nói rõ rằng ông sẽ làm việc với quốc hội để đảm bảo việc phê chuẩn, nhưng thời điểm chính xác phải được thông báo bởi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ", ông Stoltenberg trả lời, đồng thời cho biết thêm rằng động thái này là kết quả của một năm đàm phán.
Trước đó cùng ngày 10/7, ông Erdogan gợi ý rằng Ankara sẽ chấp thuận đề xuất của Thụy Điển nếu Thổ Nhĩ Kỳ được chào đón vào Liên minh châu Âu.
Ông Stoltenberg, người phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào giữa việc mở rộng NATO và khả năng Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU, cho biết ông Erdogan và ông Kristersson đã hợp tác chặt chẽ với nhau để giải quyết “những lo ngại về an ninh chính đáng” của Ankara. Lãnh đạo NATO nói thêm: “Là một phần của quá trình đó, Thụy Điển đã sửa đổi hiến pháp, thay đổi luật pháp, mở rộng đáng kể hoạt động chống khủng bố chống lại PKK (Đảng Công nhân người Kurd) và nối lại hoạt động xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ.”
Thụy Điển và nước láng giềng Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm ngoái, từ bỏ truyền thống lâu đời về trung lập quân sự do lo ngại xung đột Nga-Ukraine. Phần Lan chính thức được kết nạp vào liên minh vào tháng 4 năm nay, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ chặn đơn đăng ký của Thụy Điển với cáo buộc nước này che chở cho các phần tử người Kurd mà Ankara coi là những kẻ khủng bố.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, người dự kiến gặp người đồng cấp Erdogan vào tối 11/7, đã hoan nghênh cam kết của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ “chuyển Nghị định thư gia nhập của Thụy Điển tới Đại hội đồng quốc gia để nhanh chóng phê chuẩn”.
“Tôi sẵn sàng hợp tác với Tổng thống Erdogan và Thổ Nhĩ Kỳ để tăng cường khả năng phòng thủ và răn đe ở khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương", ông Biden cho biết trong một tuyên bố ngày 10/7.
Các quan chức hàng đầu của Mỹ đã tăng cường áp lực lên những người đồng cấp của họ ở Ankara trong những ngày trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO.
Bản thân Tổng thống Biden đã nói chuyện với ông Erdogan khi đang bay trên chiếc Không lực Một hôm 9/7. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan trao đổi với các quan chức ở Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển vào 10/7 để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh. Ngoại trưởng Antony Blinken cũng trao đổi với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan ba lần trong năm ngày qua.
Quyết định của Ankara thể hiện một chiến thắng lớn cho Tổng thống Biden, người luôn bày tỏ sự tin tưởng rằng Thụy Điển sẽ được chấp thuận tham gia liên minh tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()