Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:39 (GMT +7)
Thỏa đam mê với thú chơi mô tô thể thao “khủng”
Chủ nhật, 22/05/2022 | 13:31:36 [GMT +7] A A
Sở hữu một chiếc mô tô “khủng” là mơ ước của rất nhiều người chơi xe, đặc biệt với những người mê tốc độ, thích trải nghiệm những cung đường trên mô tô phân khối lớn. Thế nhưng, thú chơi khá tốn kém này cần hơn thế rất nhiều…!
Chơi xe cũng lắm công phu
Tôi tình cờ được tiếp cận lần đầu với dòng mô tô thể thao "khủng" khi cậu em đồng nghiệp sở hữu một con Suzuki Rmz250, mà dân dã gọi là "cào cào". 70 triệu là giá thị trường của chiếc xe, khá cao so với thu nhập của cậu ta, khiến tôi ngạc nhiên. Thế nhưng khi thấy cậu ta trong trang phục đua chuyên dụng, vẻ chuyên nghiệp trên con cào cào vượt chướng ngại vật, qua cung đường gập ghềnh…quả thật thú vị.
Giá xe như thế nhưng theo cậu em tôi, đó chỉ là hạng xoàng, còn nhiều siêu xe đẹp và đáng mê hơn! Và không chỉ có vậy, các tay chơi “sang chảnh” của dòng xe mô tô thể thao cần nhiều hơn thế. Được dân sành chơi “chỉ điểm”, tôi đến gặp anh Nguyễn Duy Phong, chủ một salon ô tô mặt đường ở Cái Dăm (Bãi Cháy). Dong dỏng cao, chừng ngoài 40 tuổi, anh Phong có thâm niên chơi xe thể thao. Với anh, đam mê dịch chuyển và mô tô thể thao ngấm vào "máu" từ hồi sinh viên. Ban đầu anh cũng chỉ sở hữu những chiếc FX, GL từ 125-150cc… rồi tới những chiếc xe phân khối lớn và chuyển sang dòng xe của Honda từ quãng năm 2008, khi anh có điều kiện kinh tế hơn.
“Dòng Honda, tôi thích và gắn bó nhất với dòng Gold Wing. Không chỉ vì tốc độ, vẻ đẹp mà còn vì độ an toàn của "xế" được mệnh danh “Ông vua đường trường”. Sau nhiều trải nghiệm các dòng xe khác nhau, tôi vẫn quyết định lấy Gold Wing 1.800cc năm 2018. Nhiều người gàn, chê đắt đỏ bởi khi đó xe có giá hơn 50 nghìn đô” - anh Phong cười kể.
Để lấy được con xế mơ ước, anh Phong phải đặt hàng từ sớm, chờ cả tháng. Xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Mỹ giá chừng 1,2 tỷ đồng, mức giá “khủng” ngang với một chiếc ô tô hạng sang. Vừa kể, anh vừa dẫn tôi đi ngắm chiếc Gold Wing được đặt giữa gara. Anh bảo: Không chỉ vì giá trị, người yêu xe mê nhất ở dòng này là trang bị an toàn, tiện nghi như một chiếc ô tô thu nhỏ, như: sấy ghế, túi khí, sưởi ấm tay, số tự động, khi giảm ga tự động giảm số nên không bị rê xe khi phanh, cục chống đổ xe...
Anh nhiệt tình mời tôi ngồi sau tay lái của anh để cảm nhận cảm giác “phiêu” cùng Gold Wing. Quả thật ngồi lên siêu xe mới thấy hết sự thoải mái mà chiếc xe này mang lại. Trong dòng xe đường trường, Gold Wing không chỉ gọn, đẹp mà chinh phục người lái bởi tính năng an toàn, hệ thống giải trí trên xe. Hệ thống loa ngoài trời, có khả năng chịu nước, âm thanh tự động điều chỉnh theo tốc độ mang lại cảm giác thư thái cho người ngồi trên xe. Có lẽ vì thế mà Gold Wing luôn được anh Phong sử dụng trong các chuyến đi dài, như chuyến xuyên Việt “để đời” dài hơn 5.000 cây số trong 14 ngày vào năm 2018.
Thích những con xe độc, không bị "đụng hàng" là điểm chung của những tay chơi xe thể thao phân khối lớn. Một trong số được nhắc tới chính là chiếc Harley Ultra của anh Bùi Ngọc Tân (Phường Cẩm Bình, TP Cẩm Phả), một trong những người đầu tiên chơi dòng xe Harley Davidson (trong Liên đoàn Mô tô và Xe đạp thể thao Quảng Ninh).
Anh Tân đến với Harley rất tình cờ. Vốn là lái xe, anh Tân mê ngay dòng xe thể thao này khi được người bạn lần đầu cho tham gia buổi dã ngoại xe thể thao ở Cửa Lò (Nghệ An) năm 2014. Trải qua nhiều dòng xe, anh Tân thích nhất dòng xe Harley bởi dáng đẹp, bệ vệ và tiếng nổ giòn.
Đắt không kém Gold Wing, để sở hữu chiếc Harley ưng ý, anh Tân đã phải bỏ nhiều công sức. “Tôi phải cất công lặn lội nhiều lần lên Hà Nội tìm mua lại chiếc xe nhập khẩu từ Mỹ của một thành viên Hội Harley Hà Nội. Các phụ tùng nâng cấp, làm đẹp cho xe cũng phải là hàng chính hãng nhập từ Mỹ, trị giá hàng trăm triệu đồng và phải thuê thợ giỏi ở Hải Phòng về lắp đặt” - anh Tân kể.
Thế nhưng để gắn bó lâu dài với chiếc xe đắt giá này, theo anh Tân thì không chỉ có điều kiện kinh tế mà người chơi còn phải có sự đam mê rất lớn. “Chơi dòng xe này phải chăm sóc rất công phu. Ở Việt Nam chưa có đại lý phân phối phụ tùng chính hãng, thời tiết và địa hình lại khác biệt nên cũng tác động một phần đến động cơ xe. Khi xe có vấn đề, chỉ có thể nhờ anh em có kinh nghiệm hoặc thợ cơ khí giỏi mới hy vọng tìm ra cách sửa. Nếu đồ đạc xe hư hỏng thì cũng phải đặt hàng linh kiện từ nước ngoài".
Ngoài ra, anh cũng trang bị "đồ chơi", “bộ giáp” đảm bảo an toàn cho người điều khiển, gồm: quần áo, mũ, phụ kiện… chính hãng. Tất cả các thiết bị này từ chi tiết nhỏ nhất như logo trang trí, vòng đeo tới mũ, quần áo bảo hiểm... được nhập khẩu với giá hàng triệu tới hàng chục triệu đồng/loại.
Theo ông Phạm Quốc Việt, Chủ tịch Liên đoàn Mô tô và Xe đạp thể thao Quảng Ninh thì một Liên đoàn gồm những người đam mê mô tô thể thao đã được thành lập năm 2019, trở thành mái nhà chung chia sẻ đam mê, kinh nghiệm chơi, chăm sóc xe. Và không chỉ anh Phong, Tân, hiện có hơn 20 thành viên ở Liên đoàn có các loại mô tô thể thao trên. Nhiều người sở hữu các loại mô tô thể thao giá trị cao từ vài trăm triệu tới cả tỷ đồng. Thế nhưng, điều kiện tiên quyết để chơi môtô không phải giàu có mà là đam mê và yêu thể thao. Hơn hết, những người yêu xe mô tô thể thao còn tham gia các sự kiện lớn, các hoạt động cộng đồng.
Đam mê và hơn thế nữa…
Ông Phạm Quốc Việt chia sẻ: “Nhiều người cho rằng chúng tôi dư tiền, rảnh rỗi, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” mà không thấy được phía sau đó là một niềm sở thích, đam mê mãnh liệt với nhiều hoạt động gắn với tỉnh nhà, với cộng đồng. Không ít trong số các hoạt động đó đòi hỏi kỹ năng và cả đối mặt với nguy hiểm trên đường".
Còn nhớ, ở điểm xuất phát chặng đua thứ 3 Giải đua xe đạp toàn quốc năm 2022-Cúp truyền hình TP Hồ Chí Minh, giải uy tín hàng đầu trong làng đua xe đạp Việt Nam, lần đầu tổ chức 3 chặng đầu tại Quảng Ninh tháng 4/2022. Ở chặng này, rất nhiều khán giả đã đến xem. Nhưng không ít trong số đó đến xem môtô hỗ trợ Giải đua chứ không phải đua xe đạp. Họ không ngớt bàn tán, trầm trồ trước vẻ đẹp lộng lẫy, mạnh mẽ của những chiếc môtô đắt giá. Tuy nhiên ít ai biết rằng, hỗ trợ, dẫn đoàn là công việc không hề đơn giản, vất vả thậm chí nguy hiểm. Để có thể xuất phát cùng đoàn đua xe đạp lúc 7g30 sáng, các thành viên Hội Mô tô thể thao phải đi từ sớm, nhất là với những thành viên ở xa.
Tới điểm đua, không ai bảo ai, họ cùng lao vào chăm lo, xem xét kỹ “xế cưng”. Nhờ dàn xe hiện nay rất hiện đại nên việc bảo trì khá nhẹ nhàng, các tay lái chủ yếu lau xe sau một đêm ướt sương, làm nóng máy, kiểm tra dầu nhớt, còi chuyên dụng... Xong đâu đó họ mới đi ăn sáng chuẩn bị cho hành trình dài.
Công việc vất vả nhất chính là hộ tống đoàn đua. Để bảo vệ cuộc đua an toàn, đội môtô được chia thành nhiều nhóm, gồm: tiền phương (đi trước dẹp đường), chở phóng viên, trọng tài, tiếp tế trung gian, khóa đuôi (cuối đoàn đua). Nhóm tiền phương gồm chừng 20 tay lái cứng nhất, làm việc vất vả nhất và cũng nguy hiểm nhất vì phải đi trước đoàn đua nhiều km để dẹp đường.
Ông Phạm Quốc Việt là một "tiền phương" dày dặn ở cuộc đua, vừa chạy một mình trên chiếc xe phân khối lớn vừa hướng dẫn anh em vừa dùng dụng cụ ra hiệu, miệng không ngừng đọc loa đề nghị phương tiện giao thông hai bên đường dừng lại. “Đi trước dẹp đường đối diện nhiều nguy hiểm. Ngoài thông báo cho lực lượng an ninh và các lực lượng phối hợp khác, tiền phương phải dẹp những phương tiện gây cản trở, thậm chí có khi phải có kỹ năng, ép một số phương tiện dẹp vào vỉa hè đảm bảo an toàn cho đoàn đua. Rồi đối đầu với xe tải, xe buýt trên đường, sự chống cự của những người ngoan cố không nhường đường… và không ít những loại động vật băng qua đường." - ông Việt chia sẻ.
Cùng với tiền phương, nhóm chở trọng tài cờ, phóng viên, tiếp tế trung gian... cũng cần nhanh, giỏi, giàu kinh nghiệm, phải hiểu và “đọc” được chiến thuật trên đường đua để không vượt lên lúc các tay đua thực hiện chiến thuật, bứt tốc, tách nhóm… vì sẽ rất nguy hiểm. Ở tuyến sau, nhóm chở trọng tài quan sát ngay phía sau các VĐV cũng khá vất vả vì phải cầm lái những chiếc môtô hàng ngàn phân khối nhưng chỉ cài số 2, số 3 để “bò” hơn 40km/giờ. Cuối cùng, nhóm khóa đuôi phải có sự kiên nhẫn, được tập luyện bài bản để đối phó với người hiếu kỳ đi theo đoàn, theo chụp ảnh hoặc cả những quái xế, "giặc lái"... muốn phá đoàn đua.
Đó không chỉ là một trong nghìn lẻ sự vất vả của các tay lái trong Liên đoàn thực hiện nhiệm vụ dẫn đoàn, bảo vệ, hỗ trợ trong hàng loạt các sự kiện lớn của các địa phương và tỉnh gần đây, như: Lễ phát động ngày hội rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, các hoạt động hướng tới SEA game 31; Hỗ trợ Giải đua xe đạp phong trào tại Lễ hội hoa sở Bình Liêu năm 2019, 2020; Giải đua xe đạp phong trào quảng bá du lịch biển đảo Vân Đồn...
Ngoài ra, với mục tiêu là nơi tập hợp những người cùng đam mê để chia sẻ kinh nghiệm chơi xe cũng như những dòng xe trên thế giới, nhưng phần lớn thành viên các CLB chơi môtô cùng nhau đóng góp, tạo thành cầu nối, công tác từ thiện. Từ khi thành lập, Liên đoàn đã có nhiều hoạt động tình nguyện, từ thiện gắn với hỗ trợ cơ quan chức năng, tuyến đầu chống dịch năm 2019, 2020; góp sức tổ chức những chuyến đi chia sẻ khó khăn với những hoàn cảnh, những vùng đất khó nơi miền núi, biên giới, hải đảo ở Tiên Yên, Ba Chẽ, Vân Đồn…“Hàng năm, các thành viên Liên đoàn thường tự đóng góp kinh phí để hoạt động, quyên góp hàng trăm triệu đồng để làm từ thiện” - ông Phạm Quốc Việt cho hay.
Cuối bài viết, chúng tôi xin mượn lời của những tay lái tâm huyết hay chia sẻ: Cái xe không làm nên một biker (dân chơi xe), quan trọng là con người, họ chơi xe như thế nào, ứng xử với mọi người ra sao khi ngồi trên xe mới là quan trọng. Nó là văn hóa, văn hóa của một lái xe nói chung và một biker nói riêng!...
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()