Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:55 (GMT +7)
“Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”
Thứ 2, 23/10/2023 | 16:15:49 [GMT +7] A A
Trong 60 năm xây dựng và phát triển, Quảng Ninh có biết bao sự kiện đặc biệt đáng nhớ. Trong đó những năm tháng quân và dân trong tỉnh vừa sản xuất, vừa chiến đấu ngoan cường, dũng cảm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam là dấu ấn không thể nào quên.
Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh
Theo tiếng gọi của Tổ quốc, nhiệt huyết của tuổi trẻ, tháng 12/1969, chàng thanh niên Lê Long Triệu, xã Bình Dương, huyện Đông Triều (nay là TX Đông Triều) lên đường nhập ngũ khi chưa tròn 18 tuổi. Sau 1 năm huấn luyện đặc công, anh cùng Tiểu đoàn T40, Đoàn Đặc công 429, tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Bằng cách đánh “bí mật, bất ngờ, luồn sâu, đánh hiểm”, vận dụng sáng tạo chiến thuật “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”, Đoàn Đặc công 429 đã tham gia tác chiến nhiều trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng vạn tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của đối phương.
Ông Triệu kể, trận đánh diễn ra đêm 22, rạng sáng 23/3/1972, Tiểu đoàn T40 tham gia cùng Sư đoàn 1 tiến đánh cứ điểm Công-pông-trách (Campuchia), nằm sát biên giới Việt Nam. Đây là nơi đóng quân của Liên đoàn biệt động số 9 ngụy Sài Gòn (có 9 tiểu đoàn với khoảng 8.000 quân) và 2 thiết đoàn thiết giáp 12, 16 với gần 100 xe tăng. Trận đánh có ý nghĩa mở màn tại mặt trận Tây Nam, diễn ra ác liệt, cam go. Sau nhiều ngày đánh địch, đến ngày 16/4/1972, ông cùng đồng đội đánh địch đến gần sáng thì hết đạn. Tiểu đoàn của ông hy sinh gần hết, chỉ còn lại ông và Tiểu đoàn trưởng. Gọi hàng không được, quân địch tiến tới nơi ông và đồng đội cố thủ chiến đấu với ý định bắt sống, nhằm tra khảo, khai thác thông tin. Lúc này không quản nguy hiểm, ông Triệu lao lên đánh nhau tay không với lính biệt động ngụy, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn trưởng rút lui an toàn. Quá trình rút lui, ông Triệu bị thương vào đầu. Điều trị được gần 1 tháng, ông lại cùng các đồng đội xông pha chiến trường. Đến cuối năm 1972, trong trận đánh tại đồi pháo Hà Tiên, Kiên Giang, ông bị thương nặng ở 2 chân. Do tình hình sức khỏe, đến năm 1974 ông được tổ chức bố trí ra Bắc công tác.
“Chiến tranh rất khốc liệt, ranh giới giữa sống, chết càng mong manh, nhưng tôi luôn tin rằng bất cứ người con nào của Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung, đều không chịu kiếp sống đớn hèn, khuất nhục trước kẻ địch, đều chung một lòng đánh đuổi giặc Mỹ, thống nhất đất nước” - CCB Đàm Quang Dược, thương binh hạng 1/4 (trú tại xã Tiền An, TX Quảng Yên) nhớ lại.
Tháng 2/1968 từ miền quê Tiền An, huyện Yên Hưng (nay là TX Quảng Yên), ông Dược khi ấy vừa tròn 18 tuổi, hăng hái xung phong vào chiến trường miền Nam ác liệt. Trung đoàn 52 của ông tham gia nhiều trận đánh lớn, hoạt động ở vùng Quảng Trị, miền Tây Nam Bộ. Ông và các đồng đội đã mưu trí, dũng cảm, kiên cường chiến đấu, lập nhiều thành tích trong các trận đánh. Lớp người trước ngã xuống, lớp người sau lại đứng lên.
Để dân tộc Việt Nam được sống với độc lập, tự do, hạnh phúc, trong cuộc chiến cam go ấy, các chiến sĩ bộ đội của ta đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, có những người còn trở về được, có những người mãi mãi ra đi. Trong số những người anh hùng không thể trở về, có 2 con của Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Sinh (xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu). Mẹ Hoàng Thị Sinh có 12 người con thì 2 người con của mẹ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Người con nuôi của mẹ là anh Hoàng Văn Quý (SN 1948) tình nguyện lên đường nhập ngũ năm 1966, làm Trung đội trưởng E38, F74. Anh đã anh dũng hy sinh vào ngày 6/7/1972. Tiếp nối truyền thống của anh trai, năm 1968 anh Hoàng Văn Hai (SN 1950) cũng tình nguyện tham gia chiến trường miền Nam, anh được điều động vào chiến trường Trường Sơn là Tiểu đội phó, tham gia chiến đấu trong thời gian chiến sự oanh liệt nhất.
Những thanh niên như CCB Lê Long Triệu, CCB Đàm Quang Dược, Liệt sĩ Hoàng Văn Quý, Liệt sĩ Hoàng Văn Hai và hàng vạn người con của Quảng Ninh ngày ấy luôn dương cao ngọn cờ của ý chí sục sôi chống giặc với tinh thần chiến đấu cao nhất “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ
Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, những năm 1964, 1965, bị thất bại đau đớn trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ và tay sai đã dùng không quân và hải quân ra bắn phá miền Bắc nước ta. Quân dân Quảng Ninh cùng nhân dân cả nước vừa chiến đấu ngoan cường, dũng cảm đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa ra sức chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Từ đầu năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc, nhất là từ các tỉnh khu IV (cũ). Quảng Ninh có vị trí kinh tế, quân sự quan trọng đã bị đế quốc Mỹ tiến hành đánh phá ngay từ trận đầu (5/8/1964).
Từ ngày 5/8/1964 đến 30/12/1972, đế quốc Mỹ đánh vào Quảng Ninh tổng số 2.340 trận, thả 28.531 quả bom, mìn, thủy lôi các loại (khoảng 9.680 tấn) và hàng ngàn quả tên lửa, rốc két khác. Chỉ riêng 6 tháng cuối năm 1972 có 173 ngày địch đánh phá với 603 trận, 8.007 quả bom, 976 quả thủy lôi; 34 nhà máy bị đánh phá. Qua 2 cuộc chiến, bom đạn của Mỹ đã giết chết 2.501 người, làm bị thương 3.976 người, thiệt hại tài sản gần 70 triệu đồng.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ, quân và dân Quảng Ninh đã đoàn kết anh dũng chiến đấu, góp phần cùng nhân dân miền Bắc đánh thắng 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Toàn tỉnh đã bắn rơi 200 máy bay (170 máy bay bị bắn rơi trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất), bắn bị thương nhiều chiếc, bắt sống nhiều giặc lái. Đặc biệt, trong trận “thử lửa” đầu tiên ngày 5/8/1964, quân dân Quảng Ninh bắn rơi 3 máy bay của Mỹ, bắt sống tên giặc lái đầu tiên trên miền Bắc. Thắng lợi vang dội đã khích lệ tinh thần chiến đấu của quân dân trong tỉnh, niềm tự hào dân tộc, thêm vững tin chiến thắng quân thù.
Vừa làm nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ninh cùng nhân dân miền Bắc ra sức chi viện cho đồng bào miền Nam ruột thịt. Với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, từ năm 1965-1968, nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã cung cấp nông sản cho Nhà nước 42.240 tấn lương thực (lương thực nghĩa vụ 4.927 tấn), bình quân chiếm 13,2% lượng lương thực sản xuất hằng năm, giá trị nông sản cung cấp là 43.649 đồng.
Cùng với huy động sức của, tỉnh đã huy động sức người chi viện cho tiền tuyến. Với khí thế sôi sục cả nước cùng đánh Mỹ, hưởng ứng phong trào “3 sẵn sàng” do Đoàn Thanh niên phát động, thanh niên trong tỉnh hăng hái xung phong lên đường nhập ngũ. “Lệnh động viên cục bộ” của Nhà nước ta và lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 17/7/1966 được nhiệt liệt hưởng ứng.
Ngày 22/7/1966, 3.000 dân quân tự vệ huyện Yên Hưng (phần lớn là thanh niên) mít tinh vũ trang, giương cao khẩu hiệu: “Quyết tâm thực hiện Lời kêu gọi ngày 17/7/1966 của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. TX Hòn Gai có 3.214 thanh niên xin tái ngũ, nhập ngũ; 1.293 thanh niên tham gia đội xung kích.
Ngày 30/7/1967, tại cửa rạp chiếu phim Bạch Đằng (TX Hòn Gai), Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ninh long trọng tổ chức Lễ tuyên bố thành lập Binh đoàn Than, tiễn đưa những người con ưu tú của Đất mỏ lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Từ năm 1965-1968, năm nào tỉnh Quảng Ninh cũng hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giao quân (từ 2% trở lên).
Trong 3 năm (1969-1971), công tác tuyển quân tiếp tục được đảm bảo cả về số lượng, chất lượng và thời gian quy định. Năm 1972 Quảng Ninh thực hiện 3 đợt tuyển quân, giao quân, vượt chỉ tiêu 8,7%, là năm tuyển số quân nhiều nhất. Các huyện, thị xã đều vượt chỉ tiêu. 7 xã của hai huyện Quảng Hà, Tiên Yên từ chỗ chỉ có 2 thanh niên đi bộ đội, đến năm 1970, riêng 4 xã đã có 47 thanh niên nhập ngũ, xã Đường Hoa (1971-1972) có 67 thanh niên nhập ngũ. Năm 1971, Móng Cái tuyển gấp 5 lần so với 2 năm 1969-1970…
Tỉnh cũng thực hiện xuất sắc nhiều nhiệm vụ đột xuất được Trung ương giao để phục vụ cho cuộc chiến. Huyện ủy Móng Cái đã huy động phương tiện, vượt mọi khó khăn, vận chuyển thành công hơn 1.800 tấn vũ khí hàng hóa vào cho tiền tuyến. Quân dân Quảng Ninh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Trung ương giao trong việc đảm bảo an toàn cho tàu Ba Lan chở thuốc nổ cập cảng Hạ Long đầu năm 1967; tăng cường lực lượng đột xuất vận chuyển hàng cho tiền phương cuối năm 1968; vận tải hàng hóa từ Lạng Sơn về các tỉnh miền Bắc, thi công đường ống dẫn dầu từ Móng Cái về Thủy Nguyên (Hải Phòng) năm 1972...
Ghi nhận về những đóng góp, cống hiến, hy sinh của Đảng bộ, quân dân Quảng Ninh, những thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, đã có nhiều cá nhân, tổ chức, đơn vị, tập thể trong tỉnh được tặng thưởng huân, huy chương, danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước.
Những năm tháng chiến đấu kiên cường, Đảng bộ và quân dân Quảng Ninh đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang trên các lĩnh vực sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần cùng quân và dân cả nước đánh bại 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, buộc Tổng thống Mỹ Ních-Xơn phải tuyên bố tạm ngừng ném bom bắn phá miền Bắc, tiếp tục cuộc đàm phán ở Pari, đi đến ký kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27/1/1973.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()