Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 04:31 (GMT +7)
Thông qua kết quả giám sát về việc chấp hành các NQ của HĐND tỉnh về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi...
Thứ 3, 21/07/2020 | 16:21:16 [GMT +7] A A
Ngày 9/7/2020, HĐND tỉnh khoá XIII, kỳ họp thứ 18 đã ban hành Nghị quyết số 279/NQ-HĐND "Thông qua kết quả giám sát về việc chấp hành các nghị quyết của HĐND tỉnh về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi; định mức phân bổ đối với chi thường xuyên và chi đầu tư ngân sách địa phương cho các cơ quan, đơn vị và các cấp ngân sách trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017 - 2020". Cụ thể như sau:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành nội dung Báo cáo kết quả giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:
1. Trong giai đoạn 2017 - 2020, việc phân cấp và phân bổ nguồn lực ngân sách theo các Nghị quyết số 38 , Nghị quyết số 16 và các Nghị quyết điều chỉnh của Hội đồng nhân dân tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực: Các quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách đã bám sát các quy định của pháp luật, đảm bảo phù hợp giữa phân cấp quản lý đơn vị hành chính với quản lý ngân sách. Cơ chế phân cấp được quy định cụ thể, rõ ràng, minh bạch, phân định rõ nhiệm vụ của 03 cấp ngân sách. Việc phân cấp nguồn thu đã tạo sự chủ động cho các địa phương trong quản lý, điều hành ngân sách, gắn nhiệm vụ thu ngân sách với trách nhiệm quản lý, nuôi dưỡng, khai thác các nguồn thu. Xây dựng hệ thống tiêu chí và định mức phân bổ chi ngân sách của tỉnh phù hợp với quy định của Trung ương, bảo đảm tương quan hợp lý cho các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng, quyết định ngân sách của cấp mình. Định mức phân bổ chi cơ bản phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của các cấp ngân sách và bao quát được các nhiệm vụ chi. Đồng thời, là công cụ kiểm soát chi, tăng cường tính công khai minh bạch trong phân phối và sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, góp phần giảm lãng phí… Việc chấp hành, triển khai nghiêm túc, hiệu quả các quy định của Nhà nước và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh đã tạo chuyển biến rõ nét trong thu - chi ngân sách ngân sách nhà nước: Quy mô thu nội địa tăng 65,7% so với giai đoạn trước; tỷ trọng thu nội địa từ 57,6% (2014 - 2016) lên 79% (2017 - 2019) trong tổng thu ngân sách nhà nước. Chuyển dịch cơ cấu chi ngân sách theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng cho chi đầu tư phát triển (năm 2017 là 58%, năm 2018 là 55%, năm 2019 là 57%) và huy động đáng kể hiệu quả nguồn lực xã hội, nhất là theo hình thức PPP, góp phần thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược, nhất là đầu tư đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội với các công trình giao thông động lực tạo kết nối vùng và quốc tế; hạ tầng du lịch, dịch vụ thương mại hiện đại; hạ tầng kỹ thuật các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa thể thao... Đảm bảo chi thường xuyên và tăng chi ngân sách hàng năm cho an sinh, phúc lợi xã hội, quốc phòng an ninh. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc duy trì đà tăng trưởng, tạo phát triển ổn định, bền vững và là tiền đề quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ "nâu" sang "xanh".
2. Bên cạnh những kết quả đạt được, qua giám sát cho thấy một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới, đó là:
2.1. Đối với phân cấp nguồn thu:
- Việc điều chỉnh phân cấp nguồn thu trong thời kỳ ổn định ngân sách đã làm mất cân đối cơ cấu chi thường xuyên ở một số địa phương như thành phố Hạ Long sau khi điều chỉnh phí cơ chế sử dụng 100% khoản phí tham quan vịnh Hạ Long và 80% phí khai thác khoảng sản ngành than cho đầu tư phát triển.
- Những năm cuối thời kỳ ổn định ngân sách tỉnh liên tiếp hụt thu so với dự toán sau phân cấp, vai trò chủ đạo của ngân sách tỉnh trong hệ thống ngân sách bị ảnh hưởng. Cơ cấu thu ngân sách cấp huyện thiếu tính bền vững, chủ yếu từ nguồn thu tiền sử dụng đất, trong khi các khoản thu từ thuế, phí và lệ phí hầu như không đạt dự toán, ảnh hưởng đến cân đối chi thường xuyên khối huyện.
- Cơ chế sử dụng một số nguồn thu chưa phù hợp như: (i1) Chưa điều tiết tối đa cho địa phương các khoản thu ngoài quốc doanh, đây là khoản thu gắn với trách nhiệm và công tác quản lý ở địa phương nên chưa khuyến khích các địa phương khai thác tốt nguồn thu này (i2) Việc dành 100% phí tham quan vịnh Hạ Long, 80% phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác than cho đầu tư, cùng với tốc độ tăng thu tiền đất lớn đã làm nguồn lực đầu tư ở một số địa phương (Hạ Long, Cẩm Phả) tăng lên đột biến, gây áp lực trong công tác quản lý và chuẩn bị đầu tư; (i3) Các khoản thu về đất trên địa bàn tỉnh được phân cấp tối đa (điều tiết 100%) cho các địa phương làm phân tán nguồn lực của tỉnh; (i4) Việc cơ cấu số thu tiền thuê đất (ngân sách hưởng 100%) để cân đối chi thường xuyên cho các địa phương chưa phù hợp đối với các trường hợp trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; (i5) Số lượng các đơn vị cấp huyện, xã đảm bảo khả năng tự cân đối ngân sách tăng chậm.
- Các ngành, địa phương, đơn vị chậm triển khai một số khoản thu phí do Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành như phí tạm thời sử dụng lòng đường hè phố; thu tiền sử dụng khu vực biển trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển; chưa triệt để thu từ khai thác mỏ đất để phục vụ các dự án san lấp.
2.2. Đối với phân cấp nhiệm vụ chi và định mức phân bổ nguồn lực
a) Đối với chi đầu tư phát triển:
- Nguồn lực dành cho chi đầu tư của khối huyện theo phân cấp có quy mô ngày càng tăng, song số vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ các địa phương để triển khai nhiệm vụ theo phân cấp không giảm so với giai đoạn trước, làm giảm tính hiệu quả trong phân cấp đầu tư.
- Các cơ chế sử dụng nguồn ngân sách tập trung của tỉnh để phân bổ, hỗ trợ cho các địa phương chưa thật sự phù hợp, phân tán nguồn lực của tỉnh và không hiệu quả, như: (i) Nguồn vốn phân bổ theo tiêu chí chấm điểm chiếm tỷ trọng rất nhỏ (10,7%) trong tổng nguồn vốn đầu tư khối huyện; đồng thời việc thực hiện cơ chế hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho ngân sách huyện để triển khai một số công trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi ngân sách huyện theo phân cấp dẫn đến vẫn còn tình trạng “xin - cho”; (ii) Một số dự án được hỗ trợ theo cơ chế (70% - 30%; 50% - 50%) có tổng mức đầu tư lớn, địa phương không có khả năng cân đối làm phát sinh nợ xây dựng cơ bản; (iii) Hỗ trợ các nguồn lực cho địa phương theo chương trình mục tiêu chưa có sự lồng ghép dẫn đến việc đầu tư chồng chéo cho cùng đối tượng trên cùng một địa bàn.
- Một số nhiệm vụ chi phân cấp cho ngân s ách cấp huyện (đầu tư đường giao thông liên huyện, đường xuyên đảo, đê cấp IV…) chưa phù hợp với khả năng cân đối của địa phương. Việc phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư cho cấp xã ở một số địa phương (Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều...) là chưa đảm bảo theo quy định của Luật đầu tư công.
b) Đối với chi thường xuyên:
- Về tiêu chí xác định xây dựng định mức và định mức phân bổ: (1) Tiêu chí xây dựng định mức chi quản lý hành chính chưa đồng bộ ( cấp tỉnh tính theo biên chế, cấp huyện, xã tính theo khu vực), có sự chênh lệch lớn giữa các cấp về định mức phân bổ; (2) Giai đoạn cuối của thời kỳ ổn định, Định mức chi hoạt động cho giáo dục - chưa đáp ứng được các khoản kinh phí phục vụ chung (thuê bảo vệ, chi phí điện, nước khu vệ sinh học sinh, vận hành thiết bị trường lớp học thông minh…); (3) Định mức chi sự nghiệp môi trường cho cấp huyện được xây dựng từ năm 2015 không còn phù hợp do mức thu phí vệ sinh môi trường (đã chuyển thành giá) đối với người dân hiện nay đã tăng lên từ 4 - 10 lần so với năm 2015.
3. Những tồn tại, hạn chế trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan đã được đề cập trong Báo cáo kết quả giám sát, nhưng chủ yếu là:
- Công tác dự báo, dự đoán về tốc độ tăng trưởng nguồn thu chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa kịp thời phát hiện và tham mưu điều chỉnh cơ chế điều hành, cơ chế sử dụng một số nguồn thu, cơ chế hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho các địa phương phù hợp với thực tế.
- Các địa phương chưa quan tâm nhiều đến công tác thu thuế, phí, tập trung chủ yếu thu tiền sử dụng đất để dành cho đầu tư, dẫn đến cơ cấu thu không bền vững và ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cân đối chi thường xuyên. Chưa quyết liệt trong thu từ khai thác các mỏ đất phục vụ dự án san lấp, thu từ khu vực ngoài quốc doanh, chưa kiểm soát hết các đối tượng nộp thuế. Chưa mạnh dạn khuyến khích cấp xã khai thác nguồn thu, tập trung chủ yếu thu phí chứng thực và công chứng.
Điều 2. Để khắc phục những tồn tại hạn chế đã nêu và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thu - chi ngân sách nhà nước, Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung thực hiện các kiến nghị đã được đề cập trong Báo cáo kết quả giám sát và nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm sau:
1. Đề xuất, kiến nghị với Bộ, ngành, Trung ương.
- Xem xét việc điều tiết 100% cho ngân sách địa phương đối với khoản thu tiền sử dụng đất các trụ sở của cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn sau khi sắp sếp dôi dư đem đấu giá đất;
- Nghiên cứu tỷ lệ điều tiết về số thu từ các sắc thuế của khu vực ngoài quốc doanh theo hướng gắn với nhiệm vụ thu và phân cấp quản lý thu trên địa bàn của địa phương nhất là đối với các hộ kinh doanh;
- Sửa đổi quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 39, Luật Ngân sách nhà nước chuyển nhiệm vụ chi đầu tư các trường phổ thông công lập trên địa bàn các thành phố, thị xã từ ngân sách huyện về ngân sách tỉnh để phù hợp với công tác phân cấp quản lý;
- Sớm ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công năm 2019; quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và hướng dẫn về việc triển khai hỗ trợ đầu tư các công trình thuộc khối An ninh, Quốc phòng, Tư pháp.
2. Chỉ đạo các Sở ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong phân cấp thu - chi và định mức phân bổ ngân sách nhà nước.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, đánh giá và sớm tham mưu cho UBND tỉnh để trình Hội đồng nhân dân tỉnh Nghị quyết quy định về việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức chi thường xuyên trong thời kỳ ổn định ngân sách mới và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách cấp tỉnh cho cấp huyện giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết về danh mục các công trình, dự án trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025 để tập trung ưu tiên nguồn lực thực hiện nhằm thúc đẩy kinh tế trên địa bàn phát triển mạnh mẽ hơn; Ngân sách tỉnh chỉ xem xét hỗ trợ cho các địa phương khó khăn bằng công trình động lực, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nhằm thu hẹp dần khoảng cách giữa các địa phương. Xem xét việc phân cấp nhiệm vụ chi cho ngân sách huyện đối với việc đầu tư đê cấp IV, đường giao thông liên huyện, đường trục chính xuyên đảo…cho phù hợp. Chỉ thực hiện phân cấp với khả năng cân đối nguồn lực của địa phương cho cấp xã thực hiện chi đầu tư đối với các chương trình xây dựng nông thôn mới, các nguồn vốn chương trình mục tiêu và nguồn xã hội hóa của địa phương... nhiệm vụ cụ thể đối với các cơ quan, đơn vị như sau:
2.1. Đối với Sở Tài chính
a) Tham mưu về phân cấp nguồn thu cần tập trung:
- Rà soát, đánh giá kỹ về phân cấp nguồn thu, các định mức phân bổ của Trung ương cho Tỉnh; Chủ trì tham mưu và đề xuất kiến nghị với Trung ương (những nội dung kiến nghị tại mục 1 Điều 2 của Nghị quyết này) về phân cấp nguồn thu và định mức phân bổ giữa ngân sách Trung ương với ngân sách cấp tỉnh;
- Dự báo các nguồn thu phát sinh, các nguồn thu còn dư địa ở từng địa phương để tham mưu cơ chế phân cấp nguồn thu phù hợp ổn định để các đơn vị có khả năng tự cân đối bền vững. Xây dựng cơ chế điều hành và sử dụng nguồn lực đảm bảo cơ cấu chi phù hợp khắc phục tình trạng mất cân đối trong chi thường xuyên trong giai đoạn vừa qua.
- Phân cấp nguồn thu cho các cấp ngân sách phải đảm bảo nguyên tắc: (i)Ngân sách tỉnh giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống ngân sách địa phương. (ii) Phân cấp tối đa các nguồn thu gắn với trách nhiệm về công tác quản lý và tổ chức thực hiện của các địa phương. (iii) Tăng tỷ lệ điều tiết từ ngân sách cấp dưới về ngân sách cấp trên đối với các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách. (iiii) Tăng khả năng tự cân đối của một số địa phương cấp huyện như Đông Triều, Vân Đồn.
- Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết phí tham quan vịnh Hạ Long, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thu khu vực ngoài quốc doanh… phù hợp tình hình thực tiễn.
- Đề xuất cơ chế điều hành, quản lý (kể cả nguồn thu) đối với quỹ đất được tạo ra bởi các dự án động lực về hạ tầng giao thông do ngân sách tỉnh đầu tư.
b) Tham mưu về phân cấp nhiệm vụ chi, tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên.
- Chủ trì tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng nhiệm vụ chi, các định mức phân bổ chi thường xuyên trong thời kỳ ổn định ngân sách mới đảm bảo gắn trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương; công khai, minh bạch, công bằng giữa các đối tượng, tương quan hợp lý giữa các địa phương; định mức chi thường xuyên cơ bản phải bao quát hết nhiệm vụ chi và tạo điều kiện cho cơ sở tiết kiệm chi để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
- Xem xét cơ chế sử dụng tiền thuê đất để cân đối chi thường xuyên đối với trường hợp trả tiền một lần cho cả thời gian thuê. Điều chỉnh một số định mức chi thường xuyên cho phù hợp với thực tế như: Định mức chi hoạt động quản lý hành chính đảm bảo sự công bằng giữa các đơn vị sự nghiệp và giữa biên chế với hợp đồng. Định mức chi giáo dục đào tạo tính toán quy mô số lớp theo vùng, miền và nguồn thu từ học phí. Định mức chi sự nghiệp môi trường, chi sự nghiệp kinh tế phù hợp với thực tiễn.
2.2. Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Đề xuất tham mưu phân bổ nguồn lực hợp lý trên cơ sở định hướng phát triển trong 05 năm tiếp theo nhằm phát huy hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; rà soát, tham mưu đánh giá về nhiệm vụ chi và nguồn lực cân đối cho các địa phương trong thời gian qua để tham mưu xây dựng phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển và định mức chi đầu tư cho thời kỳ ổn định mới
- Tham mưu, đề xuất việc phân cấp nhiệm vụ chi cho khối xã để đảm bảo triển khai các nhiệm vụ theo các chương trình mục tiêu trên cơ sở phân cấp quản lý và khả năng nguồn lực thực hiện.
- Xây dựng các tiêu chí phân bổ vốn đảm bảo luật định; điều chỉnh hệ thống tiêu chí chấm điểm và các tiêu chí đặc thù làm cơ sở xây dựng định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển cho ngân sách cấp huyện phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách tỉnh; xem xét có hệ số điều chỉnh hợp lý để ưu tiên vốn cho các địa phương khó khăn, nguồn thu thấp; hạn chế tối đa hỗ trợ ngoài tiêu chí chấm điểm.
- Đề xuất cơ chế hỗ trợ cho các địa phương khó khăn bằng công trình động lực, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nhằm thu hẹp dần khoảng cách giữa các địa phương; nghiên cứu tham mưu việc phân cấp nhiệm vụ chi cho ngân sách huyện đối với việc đầu tư đê cấp IV, đường giao thông liên huyện, đường trục chính xuyên đảo…cho phù hợp, theo hướng thực hiện phân cấp với khả năng cân đối nguồn lực của địa phương cho cấp xã thực hiện chi đầu tư đối với các chương trình xây dựng nông thôn mới, các nguồn vốn chương trình mục tiêu và nguồn xã hội hóa của địa phương.
3.3. Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Tăng cường thu ngân sách, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu thuế, phí theo dự toán giao hàng năm, đảm bảo khả năng cân đối của ngân sách cấp huyện.
- Khẩn trương triển khai thu các loại phí được quy định tại Nghị quyết số 62/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh; rà soát, đề xuất các khu vực biển đưa vào quy hoạch các vùng biển được phép khai thác, sử dụng; rà soát các dự án có sử dụng đất san lấp để truy thu các khoản thu từ hoạt động khai thác mỏ đất…
- Tiếp tục chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng tư vấn thuế; phối hợp với Cục thuế triển khai hiệu quả hình thức ủy nhiệm cho các phường, xã, thị trấn thu đối với các hộ kinh doanh. Tích cực giao quyền tự chủ, tăng số lượng và khả năng tự cân đối cho ngân sách cấp xã.
Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:
- Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.
- Thường trực, các ban, các tổ và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XIII, Kỳ họp thứ 18 thông qua ngày 09/7/2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày thông qua./.
Liên kết website
Ý kiến ()