Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 09:40 (GMT +7)
Thông qua Nghị quyết giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn
Thứ 4, 06/07/2022 | 14:19:02 [GMT +7] A A
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế, áp dụng từ ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Từ 1/1/2023 sẽ áp dụng thuế bảo vệ môi trường theo tinh thần Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14, nếu không có trường hợp gì đặc biệt.
Sáng 6/7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường và đã xem xét, thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022.
Cụ thể, mức thuế đối với xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; dầu hỏa giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thời hạn áp dụng Nghị quyết là từ ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Từ ngày 1/1/2023, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, xăng, dầu là một loại vật tư chiến lược, đồng thời là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu không chỉ đối với tiêu dùng mà đối với cả sản xuất. Việc quản lý giá xăng, dầu được thực hiện theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự điều tiết của Nhà nước, và xăng, dầu nằm trong danh mục các mặt hàng nhà nước bình ổn giá.
Theo tính toán hiện nay, chi phí xăng, dầu trong nền kinh tế Việt Nam chiếm khoảng 3,52% tổng chi phí của nền kinh tế, gas khoảng 1,45%. Cũng theo tính toán của từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê, nếu giá xăng, dầu tăng khoảng 10% thì GDP của toàn bộ nền kinh tế giảm khoảng 0,5%. Do đó, trong bối cảnh giá dầu tăng như hiện nay thì việc bình ổn giá là hết sức quan trọng, góp phần kiềm chế lạm phát.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét để nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Nghị định liên quan đến thuế nhập khẩu ưu đãi tối huệ quốc MFN; đồng thời, khẩn trương xem xét, nghiên cứu đối với những vấn đề liên quan đến thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu. Trong trường hợp giá cả xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn neo ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế đời sống người dân và tăng trưởng nền kinh tế thì Chính phủ sớm nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Ngoài việc cắt giảm thuế, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có thể có những chính sách hỗ trợ đối với một số đối tượng bị tác động trực tiếp trong trường hợp giá xăng, dầu tiếp tục tăng cao hoặc neo ở mức cao, như các ngư dân đánh bắt thủy sản, nhất là đánh bắt xa bờ, giao thông vận tải, người nghèo, người thu nhập thấp.
Trước khi tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình của Chính phủ và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()