Theo đó, mức giá dự kiến thu đối với các xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ (là đối tượng chính của thu phí) được đề từ 25.000đ - 60.000đ/lượt; xe ô tô từ 9 chỗ trở lên và xe tải các loại được đề xuất mức thu từ 15.000đ - 40.000đ/lượt. 5h00-21h00 có phân biệt mức thu theo giờ cao điểm (giờ cao điểm sáng từ 6h00-9h00, chiều từ 16h00-19h30.
Trong đó, đối tượng chịu phí giảm ùn tắc giao thông là các xe ô tô di chuyển từ bên ngoài vào khu vực thu phí. Dự trù tổng kinh phí đầu tư xây dự 87 trạm thu phí là trên 2.646 tỉ đồng, trong số này, chi phí thiết bị chiếm tới 2.155 tỉ đồng. Các chi phí còn lại bao gồm xây dựng, quản lý, chi phí dự phòng và chi phí khác.
Mục tiêu chính yếu của việc thu phí là giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông và cũng là lý do để mức phí thay đổi theo thời gian trong ngày (tăng trong giờ cao điểm). Do vậy, xe ô tô con cá nhân là đối tượng chính chịu phí nhằm hạn chế số lượng phương tiện, thay đổi hành vi lựa chọn phương tiện đi lại để hạn chế ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong khu vực thu phí.
Theo Sở GTVT Hà Nội, các vị trí đơn vị tư vấn lập ra mới chỉ là những dự thảo, đề xuất. Sau khi nhận phương án, Sở còn phải tiến hành rà soát, đánh giá, nghiên cứu và đề xuất thành phố. Do đó, hiện nay, chưa thể thông tin thêm.
Về mức giá dự kiến thu đối với các xe ô tô cá nhân dưới 9 chỗ, trao đổi với Lao Động, chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình cho rằng, khung giá này đưa ra chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hành vi giao thông. Tuy nhiên, thu phí đến 60.000 là giá quá cao cho một lần đi lại của người dân. Nếu áp dụng khung giá này sẽ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân.
Theo TS Phan Lê Bình, cơ quan chức năng cần khảo sát, lấy ý kiến người dân để đánh giá tác động của mức giá đưa ra. Cần xem "mức độ chịu đựng" của người dân đến đâu, nguyện vọng thay đổi thế nào khi giao thông nội đô đang quá tải. Cần đưa ra những giải pháp để người dân trải rộng thời gian đi lại của mình, không dồn vào giờ cao điểm và chuyển sang giao thông công cộng.
"Đây là thu phí để giảm ùn tắc, giảm phương tiện cá nhân chứ không phải là thu phí bù lại tổng mức đầu tư như các dự án BOT. Do đó, cần tính toán lại khung giá cho hợp lý với túi tiền của người dân" - ông Bình thông tin.
TS Đặng Minh Tân – Phó trưởng bộ môn Đường Bộ, trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, những khu vực được đề xuất thu phí xe cơ giới đi vào đều là khu vực đông dân cư, nhiều cơ quan, công sở, trường học, lượng phương tiện qua lại đông, nếu không có biện pháp căn cơ, khoa học rất có thể sẽ gây ùn tắc trong một số thời điểm.
Nếu không ứng dụng khoa học, công nghệ vào việc thu phí, tổ chức phân luồng từ xa thì rất dễ xảy ra ùn tắc tại các trạm, gây phiền hà cho người dân.
Cùng nói về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, để thu phí phương tiện vào nội đô TP.Hà Nội cần phải có một giải pháp hài hòa nhất, đảm bảo được lợi ích của nhà nước với doanh nghiệp và người dân, tránh "phí chồng phí". Do đó, rất cần một kế hoạch dài hạn để thực hiện thu phí một cách đồng bộ, khoa học.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, trên góc độ tài chính, dự án này mang lại hiệu quả kinh tế nhưng lại ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội, nhất là vào thời điểm người dân đang khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Chuyên gia giao thông nhìn nhận, còn khá sớm để đánh giá nên hay không áp dụng phương án này, bởi chưa có các tính toán thuyết phục. Trước mắt, chính quyền cần đánh giá tác động, tính toán tốc độ tăng phương tiện và những thiệt hại, ảnh hưởng mà người dân gặp phải. Nếu chứng minh được lợi ích vượt trội của việc thu phí thì mới nên triển khai.
Ý kiến ()