Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 19:11 (GMT +7)
Thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền
Thứ 3, 31/08/2021 | 07:40:43 [GMT +7] A A
Giai đoạn 2016-2021, với việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế, khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng miền trong tỉnh đã từng bước được thu hẹp, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh hiện có trên 162.000 người, chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh và cư trú trên 85% diện tích của tỉnh.
Để thu hẹp khoảng cách vùng miền, nâng cao mức sống cho người dân, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên dành cơ chế đặc thù, nguồn lực lớn để tập trung phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Trong đó, nổi bật là thực hiện hiệu quả Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 (Đề án 196).
Thực hiện Đề án, tính riêng trong giai đoạn 2017-2020, tỉnh đã bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực với tổng kinh phí 1.544 tỷ đồng để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, hệ thống điện, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt và công trình hạ tầng khác phù hợp quy hoạch nông thôn mới... Đến nay, đã đưa 17 xã, 54 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn sớm hơn 1 năm so với lộ trình mục tiêu đặt ra. Đồng thời, các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất vào khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã phát huy hiệu quả, góp phần thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP, làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn. Hiện thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 45 triệu đồng/người/năm, tăng 1,5 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn khoảng 1%.
Đáng chú ý, để nâng cao mức sống, đời sống cho người dân, trong giai đoạn 2016-2021, tổng chi cho an sinh xã hội của tỉnh ước đạt hơn 8.900 tỷ đồng, bình quân tăng 14,9%/năm, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011-2015. Tỉnh đã bố trí hơn 2.600 tỷ đồng thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh cũng đã hoàn thành Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo (giai đoạn 2) và triển khai hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công (giai đoạn 2) với gần 4.000 hộ gia đình được thụ hưởng chính sách.
Các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tín dụng ưu đãi cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm được triển khai hiệu quả. Qua đó, đã giúp cho nhận thức, ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân tại địa bàn khó khăn được nâng lên, nhiều hộ dân đã tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo. Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm từ 4,56% năm 2015 xuống còn 0,36% năm 2020; giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn 3,9% (đạt chỉ tiêu dưới 4%).
Cùng với đó, tại các kỳ họp HĐND nhiều Nghị quyết, chính sách phù hợp với thực tiễn cũng đã được tỉnh thông qua và triển khai đồng bộ, hiệu quả góp phần nâng cao mức sống cho người dân vùng sâu, xa. Điển hình như các chính sách về: Phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, biển đảo, vùng đồng bào dân tộc; đầu tư hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, hệ thống cảng biển và cảng lưỡng dụng trên các tuyến đảo; tập trung phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển các lĩnh vực kinh tế gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền; chính sách an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội và chăm sóc sức khỏe nhân dân, chăm sóc phụ nữ và trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo…
Tỉnh Quảng Ninh đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm… Theo đó, đến hết năm 2022 tỉnh Quảng Ninh sẽ không còn thôn, bản đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới, 100% cơ sở giáo dục đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ giáo viên. Đến năm 2025, có trên 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và trên 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; lao động trong độ tuổi được qua đào tạo nghề đạt 87,5%; 100% số xã duy trì đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; duy trì 100% số hộ dân trên địa bàn được sử dụng điện an toàn và nâng cao chất lượng điện; trên 99% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…
Minh Đức
- Thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo
- Giảm nghèo bền vững: Chú trọng đào tạo nghề chất lượng cao
- Nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo trong công tác giảm nghèo
- Tăng tốc giảm nghèo bền vững
- "Chìa khóa" giảm nghèo bền vững
- Tiên Yên: Gắn xây dựng NTM với giảm nghèo bền vững
- Nhân rộng các mô hình giảm nghèo
Liên kết website
Ý kiến ()