Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 22:40 (GMT +7)
Thu hút, phát triển nguồn nhân lực, lao động có kỹ năng nghề
Thứ 2, 24/06/2024 | 14:57:41 [GMT +7] A A
Hiện nhu cầu lao động trên địa bàn tỉnh rất lớn. Năm 2024 tỉnh đặt mục tiêu tạo ra khoảng 30.000 việc làm tăng thêm. Để thực hiện mục tiêu trên thì việc tập trung thu hút, phát triển nguồn nhân lực, lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu lao động trên địa bàn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Để làm rõ hơn nội dung này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn ông Vũ Quang Trực, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH (ảnh).
- Ông cho biết nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào? + Theo kết quả rà soát tổng số nhu cầu lao động năm 2024 tính đến thời điểm hiện nay là 32.422 lao động; trong đó nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp là 22.811 người; lao động được tạo việc làm từ cho vay vốn giải quyết việc làm là 5.446 người; lao động tự tạo việc làm là 4.145 người. Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm rà soát cho thấy tập trung vào các ngành, lĩnh vực: Dệt may 5.843 lao động (chiếm 25,6%), sản xuất than 3.242 lao động (14,2%), công nghiệp chế biến chế tạo 3.010 lao động (13,2%), dịch vụ - du lịch 1.064 lao động (4,7%)… Theo chất lượng, trình độ lao động: Lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất, 10.291 lao động (45,1% tổng nhu cầu tuyển dụng), sơ cấp 5.681 lao động (24,9%). Nhu cầu tuyển dụng đối với các cấp trình độ cao hơn lại có tỷ trọng thấp: Trung cấp 12,1%, cao đẳng 9,2%, đại học 8%, trên đại học 0,7%. Nhu cầu tuyển dụng lao động trong năm 2024 của các doanh nghiệp tập trung vào các quý đầu năm, có xu hướng giảm dần cuối năm. Cụ thể: Quý I: 10.455 lao động (37,3% tổng nhu cầu), quý II: 9.137 lao động (27,1%), quý III 4.457 lao động (19,5%), quý IV 3.663 lao động (16,1%). |
- Ông cho biết kết quả thực hiện công tác giải quyết việc làm thời gian qua?
+ Trong các năm qua, công tác giải quyết việc làm đã được các cấp chính quyền, địa phương, ngành triển khai đồng bộ, hiệu quả. Các mục tiêu, chỉ tiêu về tạo việc làm tăng thêm đều được các địa phương rà soát, triển khai gắn với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tỉnh đã cân đối, bố trí nguồn lực đảm bảo cho thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động, thông tin thị trường lao động, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...
Công tác kiểm tra, giám sát được xây dựng, tổ chức toàn diện, bám sát các quy định của pháp luật; công tác truyền thông, nâng cao năng lực cán bộ được quan tâm thực hiện..., đem lại một số kết quả tích cực. Các nội dung triển khai bám sát theo quy định của trung ương (Luật Việc làm, Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP của Chính phủ...), góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì việc làm bền vững, tăng thu nhập cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Các dự án, cơ sở SXKD được hỗ trợ, thúc đẩy phát triển, đặc biệt là tại các KCN, với nhiều chính sách hỗ trợ tuyển dụng, thu hút lao động của các cấp, ngành và doanh nghiệp, đã thu hút, giải quyết việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập ổn định; nguồn vốn vay giải quyết việc làm được quan tâm bổ sung đã hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là phát triển ngành kinh tế thủy sản, ngành dịch vụ vừa và nhỏ... Các hoạt động hỗ trợ giải quyết việc làm đã nâng cao vai trò của quản lý nhà nước; giảm tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm; nâng cao chất lượng việc làm, an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh ước tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 17.400 lượt lao động (đạt 58% kế hoạch năm 2024, tăng 7.800 so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 410 người (68,3% kế hoạch năm).
- Để thu hút, phát triển nguồn nhân lực, lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu lao động trên địa bàn tỉnh, thời gian tới cần tập trung những giải pháp gì, thưa ông?
+ Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc. Trong đó xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, coi đây là yếu tố quan trọng, là nền tảng vững chắc để tạo đà cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong giai đoạn mới. Để thu hút, phát triển nguồn nhân lực, lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu lao động trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:
Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tạo sự chuyển biến mạnh về phát triển, thu hút, đào tạo nguồn nhân lực ở các cấp, ngành, địa phương từ tỉnh đến cơ sở và người dân. Vận động các doanh nghiệp tích cực tham gia đào tạo nguồn nhân lực.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông, lâm, ngư nghiệp sang khu vực du lịch, dịch vụ, công nghiệp; chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chính sách thu hút, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; kết nối doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nghề, khuyến khích doanh nghiệp hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Quan tâm tạo dựng chuỗi liên kết lao động sau đào tạo với doanh nghiệp, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia đào tạo nghề theo hướng gắn đào tạo với sử dụng, nhất là các tập đoàn, doanh nghiệp có thương hiệu hiện đã thành công ở Quảng Ninh. Tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng và chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa... để thu hút lao động có kỹ năng tay nghề từ các tỉnh ngoài về làm việc tại các KCN, KKT của tỉnh.
Thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển giáo dục đào tạo, trong đó có các chính sách đặc thù của tỉnh, như: Nghị quyết số 310/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo và hỗ trợ học phí học văn hóa cho học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh và Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025; các chính sách hỗ trợ cho các học sinh đoạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế...
Chú trọng phát triển nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học trên địa bàn tỉnh. Phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả, hội nhập, chú trọng cả quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo; đẩy mạnh chuyển đổi số và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động...
- Xin cảm ơn ông!
Thu Trang
Liên kết website
Ý kiến ()