Người dân có thể làm xét nghiệm nhanh Covid-19 mẫu gộp các thành viên trong gia đình, thay vì mỗi người dùng một bộ kit, Thứ trưởng Y tế khuyến cáo.
Tại họp báo thường kỳ Chính phủ, chiều 3/3, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên giải thích, việc làm test nhanh mẫu gộp đã được cơ quan chuyên môn hướng dẫn từ lâu, nhằm tránh lãng phí và hạn chế tình trạng khan hiếm, tăng giá kit. Hơn nữa, hiện nay chủng Omicron có tốc độ lây lan nhanh, nên việc làm mẫu gia đình gộp là phù hợp.
"Người dân không nên quá lo lắng, chỉ nên mua kit và xét nghiệm khi cần thiết", ông Tuyên nói và cho rằng, chỉ nên xét nghiệm mẫu gộp hai đến ba ngày một lần.
Để tránh tình trạng tăng giá kit xét nghiệm, Bộ Y tế đã yêu cầu các doanh nghiệp công khai giá; nơi nào không niêm yết sẽ không được cung cấp kit để bán.
Về ý kiến đề xuất dừng công bố ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày, ông Tuyên nói việc thống kê hằng ngày vẫn cần thiết để phục vụ công tác dự báo, nghiên cứu, đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch. "Còn có dừng công bố số ca nhiễm mỗi ngày trên phương tiện thông tin đại chúng hay không, Bộ đã giao Cục Y tế dự phòng nghiên cứu, đề xuất giải pháp phù hợp. Sau đó, Bộ sẽ báo cáo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19", ông Tuyên nói.
Thứ trưởng Tuyên cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến số ca nhiễm Covid-19 tăng cao như hiện nay bởi một bộ phận người dân chủ quan, không thực hiện đầy đủ các khuyến cáo phòng dịch. "Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, thời điểm này còn quá sớm để coi Covid-19 là bệnh cúm mùa. Tình hình dịch bệnh còn tương đối phức tạp và chưa kết thúc trong năm nay", ông Tuyên nói thêm.
Bộ Y tế đã giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu giảm thời gian cách ly với F1 để phù hợp với tình hình hiện nay.
Về tiêm vaccine cho trẻ từ 5 - 11 tuổi, ông Tuyên cho hay trong tháng 3/2022 sẽ tiếp nhận 7 triệu liều; quý 4 nhận 15 triệu liều vaccine còn lại. Thời gian tiêm cho trẻ từ 5 tuổi có thể kéo dài đến đầu năm 2023.
Nói thêm về tình hình số ca nhiễm tăng cao những ngày gần đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, cho biết trong phiên thảo luận hôm nay, các thành viên Chính phủ nhận định, một bộ phận cán bộ, người dân đang có tâm lý chủ quan. "Một số người có tâm lý ai rồi cũng sẽ bị nhiễm Covid-19, nhất là khi Việt Nam đã thực hiện thành công chiến dịch tiêm chủng", ông Sơn nói và đề nghị cần khắc phục tình trạng này.
Tối 3/3, Bộ Y tế công bố cả nước ghi nhận 176.000 ca nhiễm Covid-19 mới; 95 ca tử vong. Trung bình số ca nhiễm mới tại Việt Nam một tuần qua là 95.000 ca/ngày.
Từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát cuối tháng 4/2021 đến nay, Việt Nam ghi nhận 3,8 triệu ca nhiễm; trong đó 2,5 triệu ca được chữa khỏi.
Ý kiến ()