Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:56 (GMT +7)
Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân lao động
Chủ nhật, 12/06/2022 | 15:35:54 [GMT +7] A A
Sáng 12/6 tại tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động năm 2022 với chủ đề “Công nhân lao động với khát vọng phát triển đất nước”. Chương trình gặp gỡ, đối thoại có 4.500 công nhân lao động tại điểm cầu chính Bắc Giang và 62 điểm cầu các tỉnh, thành phố. Cùng tham dự có lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương.
Tại điểm cầu Quảng Ninh có các đồng chí: Nguyễn Văn Hồi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và 130 CNVCLĐ tiêu biểu đại diện cho gần 400.000 CNVCLĐ trên địa bàn tỉnh.
Đây là diễn đàn để đông đảo công nhân lao động cả nước trao đổi với lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan về vấn đề việc làm, thu nhập, điều kiện lao động, cơ hội cống hiến, trách nhiệm tham gia phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.
Được biết, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã nhận được gần 10.000 câu hỏi, kiến nghị của người lao động cả nước gửi đến Thủ tướng, tập trung vào 10 nhóm vấn đề: Tăng lương tối thiểu; sửa đổi chính sách Bảo hiểm xã hội đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người lao động; giải quyết chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động; vấn đề nhà ở, trường học, thiết chế Công đoàn; chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động để hạn chế "tín dụng đen"; chính sách đào tạo nghề; xử lý những doanh nghiệp vi phạm pháp luật về các chế độ đối với người lao động; an toàn thực phẩm, chợ cung cấp nhu cầu thiết yếu cho công nhân lao động; an ninh trật tự tại nơi làm việc, nơi ở của công nhân lao động, đảm bảo trật tự an toàn giao thông các KCN giờ cao điểm; vấn đề giá nhà trọ, giá điện, giá nước sinh hoạt tăng cao.
Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trong 2 năm qua, do tình hình dịch Covid-19, chúng ta không có nhiều điều kiện để tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp, nhưng các cấp, các ngành, các cơ quan đã có nhiều hình thức để gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại với công nhân lao động. Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm, chăm lo, đồng hành để tìm giải pháp khắc phục những hậu quả, tác động của dịch bệnh Covid-19 tới đời sống và công việc của công nhân, giải quyết vấn đề thể chế, cơ chế, chính sách để bảo đảm quyền lợi của người lao động.
Tiếp nối công việc này, Thủ tướng hoan nghênh Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với các cơ quan tổ chức cuộc đối thoại hôm nay để lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu và cùng có trách nhiệm với nhau để thực hiện mục tiêu cao nhất của Đảng và Nhà nước là chăm lo cho nhân dân trong đó có công nhân lao động.
Tại chương trình đối thoại, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp lắng nghe, giải đáp và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương giải quyết kịp thời, đáp ứng nguyện vọng và kỳ vọng của công nhân lao động cả nước.
Tiêu biểu như liên quan đến đề nghị tăng lương tối thiểu vùng, Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong sáng nay (12/6), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động với mức 6%.
Với ý kiến Luật Bảo hiểm xã hội còn nhiều bất cập, nhất là thời gian đóng rất dài mới được hưởng lương hưu, dẫn đến tình trạng nhiều công nhân rút bảo hiểm xã hội 1 lần, Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết, hiện việc sửa đổi Luật BHXH đã hoàn tất xong hồ sơ thủ tục với 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm và năm 2023 sẽ trình Quốc hội. Trong các nhóm này, sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH. Trước đây, chúng ta quy định 20 năm; Dự thảo rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ngắn trên tinh thần công bằng…
Liên quan đến ý kiến về các chính sách hỗ trợ người lao động, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, thực hiện một cách rất khẩn trương, hỗ trợ hơn 55 triệu người với tổng số tiền hơn 80.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, có nơi, có lúc chưa thực hiện triệt để, kịp thời chính sách này. Thủ tướng đề nghị Bộ LĐTB&XH, Bộ Tài chính phối hợp với các địa phương, nhất là các địa phương chủ động hơn thực hiện việc này tại địa phương mình.
Nhà ở cho công nhân là vấn đề được đông đảo người lao động quan tâm, Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, xem xét, tiếp thu toàn bộ vướng mắc của luật pháp và nhu cầu nhà ở của công nhân, trên cơ sở đó, vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì sẽ sửa ngay. Vấn đề gì liên quan đến luật pháp thì tổng hợp cùng các bộ, ngành liên quan, đánh giá tác động và đề xuất giải pháp phù hợp thực tiễn làm sao bằng giải pháp nhanh nhất có thể, để giải quyết vấn đề này căn cơ, bài bản, vừa bảo đảm tính trước mắt vừa bảo đảm lâu dài, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, cũng như phù hợp điều kiện hoàn cảnh của đất nước ta hiện nay.
Đối với ý kiến xử lý những doanh nghiệp vi phạm pháp luật về các chế độ đối với người lao động, Thủ tướng giao Bộ LĐTB&XH, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan đánh giá lại tình hình chung trên phạm vi cả nước mức độ đến đâu, nguyên nhân ở đâu, trên cơ sở đó rà soát lại các quy định của pháp luật, rà soát lại khâu tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành; phân tích rõ nguyên nhân để đưa ra giải pháp xử lý dứt điểm vấn đề này càng sớm, càng tốt. Đặc biệt, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, BHXH cùng các cơ quan liên quan tổ chức thực thi pháp luật thật nghiêm.
Liên quan đến đề nghị thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động để hạn chế "tín dụng đen", thì bên cạnh việc hoàn thiện thêm hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho các ngân hàng mạnh dan cho vay với chủ trương là cho vay, phát triển thị trường nhỏ lẻ; cách đây 2 tuần, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường tín dụng tài chính vi mô, tạo điều kiện cho người yếu thế tiếp cận tín dụng tài chính ngân hàng. Ngay tại đây, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo 2 công ty thuộc 2 ngân hàng thương mại lớn: FE CREDIC là công ty tài chính thuộc ngân hàng VPBank và Công ty thuộc HD Bank cam kết mỗi ngân hàng có gói 10.000 tỷ đồng với lãi suất bằng 50% lãi suất thị trường hiện nay để cho vay đến tất cả nhu cầu chính đáng của công nhân.
Đối với đề xuất tăng cường đào tạo cho người lao động, Thủ tướng khẳng định đây là đòi hỏi chính đáng của người lao động và công nhân. Chính phủ đã có chủ trương. Vừa qua trong chương trình đầu năm khi bố trí vốn đầu tư trung hạn, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã bàn bạc với các bộ, ngành liên quan dành 2.000 tỷ đồng cho đào tạo nghề để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho công nhân. Nếu còn có dư địa sẽ tiếp tục làm.
Phát biểu kết luận chương trình đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính động viên người lao động tiếp tục phát huy vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời đề nghị các ban, ngành, địa phương tiếp thu thẳng thắn những vấn đề chưa làm được để tìm hướng khắc phục, tháo gỡ, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho công nhân, đóng góp tích cực cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân…
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã tặng 25 suất quà cho những công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang; Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel ủng hộ kinh phí chăm lo cho con công nhân có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 2,5 tỷ đồng.
Trong khuôn khổ chương trình, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam chính thức ra mắt Chương trình "Giờ thứ 9+", sau 2 số phát thử nghiệm thành công, nhận được phản hồi rất tích cực từ công nhân lao động và công chúng.
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()