Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:39 (GMT +7)
Thủ tướng Israel nêu 3 điều kiện tiên quyết cho hòa bình ở Dải Gaza
Thứ 3, 26/12/2023 | 16:34:22 [GMT +7] A A
Trong một bài báo trên tờ Wall Street Journal, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nêu ra 3 điều kiện tiên quyết cho hòa bình ở Dải Gaza - bao gồm tiêu diệt Hamas, phi quân sự hóa Gaza và phi cực đoan hóa xã hội Palestine.
Theo tờ The Times of Israel, đáng chú ý, bài viết tên tờ WSJ không đề cập đến vấn đề nhiều con tin vẫn đang bị phong trào Hamas bắt giữ ở Gaza, và không liệt kê việc đưa họ trở về là điều kiện tiên quyết.
Trong đó, ông Nentanyahu vạch rõ điều kiện thứ nhất chính là tiêu diệt Hamas.
“Mỹ, Anh, Pháp, Đức và nhiều nước khác đều ủng hộ ý định tiêu diệt nhóm khủng bố Hamas của Israel. Để đạt được mục tiêu đó, khả năng quân sự của nhóm này phải bị phá bỏ và sự cai trị chính trị của Hamas đối với Gaza phải chấm dứt”, Thủ tướng Israel cho biết.
Thứ hai, Israel cũng phải đảm bảo rằng Gaza không bao giờ được sử dụng làm căn cứ để tấn công Israel lần nữa.
Ông Netanyahu lập luận điều này sẽ yêu cầu thiết lập một khu vực an ninh tạm thời ở chu vi Gaza và một cơ chế kiểm tra ở biên giới giữa Gaza và Ai Cập nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh của Israel và ngăn chặn buôn lậu vũ khí vào vùng lãnh thổ này.
Trước những gợi ý cho rằng Chính quyền Palestine nên quản lý Gaza sau xung đột, Thủ tướng Israel nói rằng “kỳ vọng rằng Chính quyền Palestine sẽ phi quân sự hóa Gaza là một giấc mơ xa vời”.
Thứ ba, ông nói rằng trường học nên dạy trẻ em quý trọng sự sống hơn là cái chết, và các giáo sĩ phải ngừng rao giảng về diệt chủng người Do Thái.
Ông Netanyahu chỉ ra “quá trình phi cực đoan hóa” đã diễn ra thành công ở Đức và Nhật Bản sau chiến thắng của quân Đồng minh trong Thế chiến thứ hai. Ngày nay, cả hai quốc gia này đều là đồng minh lớn của Mỹ và thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở châu Âu và châu Á. Ông cũng nói rằng sau vụ 11/9, các nhà lãnh đạo Arab có tầm nhìn xa ở vùng Vịnh đã dẫn đầu những nỗ lực nhằm phi cực đoan hóa xã hội và làm thay đổi đất nước của họ.
“Một khi Hamas bị tiêu diệt, Gaza được phi quân sự hóa và xã hội Palestine bắt đầu quá trình phi cực đoan hóa, Gaza có thể được tái thiết và triển vọng về một nền hòa bình rộng lớn hơn ở Trung Đông sẽ trở thành hiện thực”, ông kết luận.
Trong khi đó, ngày 25/12, hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin phong trào Hồi giáo Hamas đã từ chối tham gia đàm phán bất kỳ thỏa thuận mới nào về trao đổi con tin tại Dải Gaza để đổi lấy lệnh ngừng bắn, trước khi Israel chấm dứt các hoạt động quân sự ở vùng lãnh thổ này.
Trong những ngày qua, các cuộc đàm phán nhằm thiết lập một thỏa thuận ngừng bắn mới đi kèm với việc trả tự do cho các con tin vẫn diễn ra tại Cairo, Ai Cập. Các cuộc đàm phán này được tiến hành thông qua các đối tác trung gian nước ngoài như Mỹ, Ai Cập và Qatar.
Hôm 24/12, truyền thông khu vực và Israel cho biết Ai Cập đã đưa ra đề xuất mới về thỏa thuận trao đổi con tin tại Dải Gaza, theo đó lực lượng Hamas sẽ thả 40 người Israel bị giam giữ để đổi lấy lệnh ngừng bắn kéo dài 14 ngày. Hồi tháng 11, Hamas và Israel đã ngừng bắn trong khoảng 1 tuần, tạo điều kiện cho 80 con tin phía Israel và 240 tù nhân người Palestine được trả tự do. Thỏa thuận do Qatar làm trung gian, với sự trợ giúp của Mỹ và Ai Cập.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()