Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 04:00 (GMT +7)
Thủ tướng kiểm tra dự án xây dựng đường bộ cao tốc Nha Trang - Cam Lâm
Thứ 5, 26/01/2023 | 18:33:21 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình đi kiểm tra các dự án, công trình trọng điểm quốc gia trong những ngày đầu năm mới, ngày 26/1 (tức mồng 5 Tết), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra dự án xây dựng đường bộ cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; thăm chúc mừng năm mới cán bộ, công nhân viên tham gia dự án.
Cùng đi có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa có chiều dài hơn 49 km; có điểm giao với Hương lộ 62 tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, điểm cuối tại xã Cam Thịnh Tây, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Giai đoạn phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m. Tổng mức đầu tư dự án hơn 5.524 tỷ đồng. Dự án được đầu tư theo hình thức công tư, trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư (Tập đoàn Sơn Hải) hơn 2.556 tỷ đồng, nguồn vốn Nhà nước hơn 2.967 tỷ đồng.
Tuyến cao tốc này được khởi công xây dựng vào tháng 9/2021. Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng đạt 99,8%; các gói thầu xây lắp đạt sản lượng 64,1% giá trị hợp đồng; phấn đấu hoàn thành vào quý III/2023.
Thăm, tặng quà, chúc mừng năm mới cán bộ, công nhân viên tham gia dự án, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng, đánh giá cao, biểu dương tinh thần thi công khẩn trương, với phương châm “đã nói là làm, đã cam kết thì thực hiện, đã thực hiện có hiệu quả đo đếm được” của Tập đoàn Sơn Hải.
Theo Thủ tướng, cách đây đúng 1 năm, khi kiểm tra dự án, nhiều hạng mục mới bước đầu được triển khai, hầm Dốc Sạn (dài hơn 700 m/mỗi bên) nằm trên tuyến đường mới đào được ít mét đầu tiên, nhưng nay tuyến đường đã cơ bản hình thành, hầm Dốc Sạn đã được đào thông, đang trong quá trình hoàn thiện. Bên cạnh đó, Tập đoàn đã áp dụng có hiệu quả công nghệ mới vào thi công tuyến đường như việc làm dải phân cách cứng bằng công nghệ hiện đại, kết hợp chống chói cao 1,2m...
Thủ tướng cho rằng, qua dự án này có thể rút ra bài học là cần phải bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, cái gì lợi cho đất nước, có lợi cho nhân dân thì cố gắng làm; phải chọn được nhà đầu tư, nhà thầu có năng lực, tâm huyết; phải huy động được nguồn lực toàn xã hội cho phát triển, trong đó có hợp tác công tư, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhân đây, Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành phối hợp sửa các quy định, quy chế, tiêu chuẩn chọn nhà đầu tư, nhà thầu phù hợp với thực tiễn để thu hút được nhiều hơn nhà đầu tư, nhà thầu có năng lực, tâm huyết vào thực hiện các dự án. Vì trên thực tế có những doanh nghiệp có năng lực, đã thực hiện hiệu quả một số dự án, vẫn không được lựa chọn. Cùng với đó xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá chuẩn xác, công nhận những đơn vị thực sự có năng lực, triển khai chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý Tập đoàn Sơn Hải tiếp tục phát huy thành tích, tiếp tục thúc đẩy thi công đảm bảo tiến độ, song phải đảm bảo chất lượng, không làm đội vốn dự án; đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ môi trường, cảnh quan nơi tuyến đường đi qua và tại các mỏ khai thác vật liệu. Đặc biệt, đề nghị Tập đoàn tiếp tục cải tiến phương pháp, tổ chức thi công, phấn đấu hoàn thành dự án trước 3 tháng.
Đối với các đề xuất của Tập đoàn, Thủ tướng Chính phủ cơ bản ủng hộ, trên tinh thần “hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp”. Theo đó, giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu công nhận và áp dụng công nghệ tiên tiến trong làm dải phân cách cứng vào các dự án khác; xem xét công nhận cam kết của Tập đoàn về bảo hành 10 năm đối với các tuyến đường do Tập đoàn xây dựng; mở rộng nền lề đường thêm 0,5 m...
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()