Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:09 (GMT +7)
Thúc đẩy chương trình OCOP
Thứ 6, 02/12/2022 | 10:00:00 [GMT +7] A A
Toàn tỉnh hiện có 565 sản phẩm OCOP của 54 doanh nghiệp, 87 hợp tác xã, 78 hộ sản xuất. Chương trình OCOP đã khẳng định là chương trình kinh tế quan trọng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng nông thôn mới (NTM).
Xác định chương trình OCOP có vai trò quan trọng nâng cao thu nhập người dân khu vực nông thôn, thời gian qua TP Hạ Long đã tích cực vận động, hỗ trợ, thu hút các đơn vị tham gia. Riêng năm 2022, thành phố có thêm 14 sản phẩm OCOP của 6 đơn vị tham gia: Viên nang Đông trùng hạ thảo - Vietcor của HTX Việt Hoàng; mắm ngự của Công ty CP Thủy sản Đại Yên; bánh gạo lứt rong biển chà bông tép của hộ kinh doanh Chè Nguyễn… Thành phố thúc đẩy kết nối thị trường, đồng thời đưa ra khỏi chương trình những sản phẩm không đạt chuẩn, tạo sự phát triển bền vững của chương trình, cho từng sản phẩm. Thành phố tiếp tục nâng cấp sản phẩm đã có thông qua các hoạt động tư vấn, tập huấn, đào tạo, học tập kinh nghiệm; xây dựng các dự án liên kết chuỗi đối với các sản phẩm OCOP chủ lực, phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tập huấn kỹ năng hoạt động trong môi trường số cho các chủ cơ sở; cách thức đăng ký tài khoản bán hàng, tài khoản gian hàng, tác nghiệp trên sàn thương mại điện tử; quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận để hộ sản xuất tác nghiệp trong quá trình mua bán trên sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố đã đưa 65 sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Cùng với sự vào cuộc tích cực của các địa phương, thời gian qua các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất tham gia chương trình OCOP đã chủ động ứng dụng KHKT vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định chỗ đứng trên thị trường, thúc đẩy tiêu thụ. HTX Hợp Tiến (thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu) đã mạnh dạn đầu tư máy ép, máy hạ thủy phần, máy dán tem truy xuất nguồn gốc…để sản xuất sản phẩm "Mật ong rừng Bình Liêu". Tất cả các sản phẩm của HTX được sản xuất khép kín từ khâu khai thác nguyên liệu, chế biến đến đóng gói bao bì, chai lọ, nhãn mác đảm bảo các quy định. Trong bối cảnh thị trường bán lẻ truyền thống nhiều cạnh tranh gay gắt, ngay sau khi sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, HTX tích cực chuyển sang bán hàng trực tuyến thông qua website, zalo, facebook, sàn thương mại điện tử…
Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển chương trình OCOP. Ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến thương mại được tích cực thực hiện. Bên cạnh tổ chức các hội chợ, triển lãm, tuần xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP…, tỉnh tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị sản xuất tham gia chương trình xúc tiến thương mại quốc gia do Bộ Công Thương tổ chức tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Đồng thời tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm với các địa phương Thanh Hóa, Thái Nguyên, Sơn La, Đà Nẵng, Gia Lai… thông qua hội nghị, hội thảo, chương trình ký kết.
Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phát huy tối đa lợi thế địa phương, khẳng định uy tín của chương trình OCOP, tỉnh duy trì thực hiện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP hằng năm. Năm 2022, toàn tỉnh có 117 sản phẩm của 67 đơn vị tham gia. Thực hiện quá trình chuyển đổi số chung của tỉnh, Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (Văn phòng Điều phối NTM) tỉnh đưa công nghệ số vào đánh giá, chấm điểm sản phẩm bằng phần mềm của Công ty CP Giải pháp KYC. Đây là phần mềm được Văn phòng Điều phối NTM Trung ương sử dụng để đánh giá sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia, đang được triển khai ở 12 tỉnh, thành phố trong nước. Trên cơ sở đó, các sản phẩm OCOP xếp hạng từ 3-5 sao sẽ được công bố và trao quyết định trong khuôn khổ Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Xuân 2023.
Minh Yến
Liên kết website
Ý kiến ()