Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 13:49 (GMT +7)
Thúc đẩy cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp
Thứ 5, 25/07/2024 | 10:25:10 [GMT +7] A A
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm tổn thất trong thu hoạch nông sản, giảm sức lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất… thời gian qua, tỉnh, các ngành liên quan và các địa phương trên địa bàn đã có nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.
Là đơn vị chuyên nghiên cứu, khảo nghiệm và sản xuất, cung ứng giống cây trồng cho sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa, những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh đã đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa giống, góp phần tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng nông dân sản xuất đúng thời vụ. Đến nay, Công ty đã cơ giới hóa 90% các khâu sản xuất lúa giống. Trong đó, nổi bật là việc dùng mạ khay, máy cấy đã giúp Công ty đẩy nhanh tiến độ cấy lúa, mỗi ngày có thể cấy được 3ha, trong khi cấy truyền thống trước đây phải dùng đến 109 công. Công ty đã đầu tư 3 dàn máy sấy, công suất 30 tấn/ngày, thay thế 1,5ha làm sân phơi theo phương thức truyền thống. Nhờ đó, lúa thu hoạch từ ruộng đưa về sấy, sau 30 giờ đã có thể đóng bao để cung ứng cho nông dân.
Trong khâu phòng trừ sâu bệnh, Công ty chủ động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp TX Đông Triều sử dụng hiệu quả Trạm giám sát sâu rầy thông minh tại xã Hưng Đạo; sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc trừ sâu, góp phần tiết kiệm nhân công, hạ giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường. Lực lượng lao động của Công ty hiện chỉ còn 50 người, giảm 1/2 so với trước. Bình quân mỗi năm, Công ty cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh 1.200 tấn giống lúa các loại, giá 22.000 đồng/kg, thấp hơn từ 16.000-18.000 đồng/kg so với các giống lúa tỉnh ngoài.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, tốc độ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây tương đối cao, bước đầu tạo sự chuyển biến lớn trong sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Với việc tiếp cận KHKT và hệ thống máy móc, trang thiết bị đã giúp nông dân ngày càng chủ động, sáng tạo, thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất bền vững.
Là người tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất chè ở thôn Hải Đông (xã Quảng Thành, huyện Hải Hà), anh Nguyễn Văn Thiện đầu tư hệ thống tưới tự động tiết kiệm cho hơn 2ha chè của gia đình, vận hành thông qua điện thoại di động. Trước đây với diện tích này, anh Thiện phải thuê 4 lao động, hiện chỉ cần một mình anh điều khiển từ xa cũng có thể hoàn thành trong chưa đầy 1 giờ. Hệ thống này không chỉ giúp cung cấp nước cho vùng chè, mà toàn bộ phân bón sử dụng là phân chuồng, phân xanh và các loại phân hữu cơ khác được hòa qua hệ thống tưới tự động để bón cho cây. Anh Thiện cho biết: Áp dụng công nghệ số vào sản xuất là xu hướng tất yếu đối với nông nghiệp hiện đại. Cách làm này góp phần tiết kiệm tối đa nhân lực, mà vẫn đảm bảo hiệu quả cao nhất trên một diện tích canh tác.
Toàn tỉnh hiện có trên 7.000 máy làm đất các loại, đáp ứng 95% diện tích canh tác; hơn 2.500 máy tuốt đập, 3.000 máy xay xát đáp ứng trên 95% nhu cầu sản xuất. Một số chủng loại máy mới được đưa vào sản xuất tại các khâu: Vận chuyển, đập tách hạt, bơm nước, phun thuốc bảo vệ thực vật, xúc đào mương. Hiện tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch đạt trên 80%; tưới tiêu chủ động đạt 80% diện tích. Ngoài ra, còn nhiều mô hình ứng dụng cơ giới hoá trong chế biến thức ăn chăn nuôi, tự động cho ăn, uống, máy vắt sữa, nghiền thức ăn...
Hiện tại, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đang đặt mục tiêu phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, xây dựng nền tảng dữ liệu số phục vụ quản lý ngành; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm; phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực... Với các chinh sách ưu đãi của tỉnh, các điều kiện, cơ chế để mở đường cho cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp rất thông thoáng, thuận lợi sẽ là điều kiện quaN trọng để ngành nông nghiệp Quảng Ninh hoàn thành các mục tiêu đặt ra, từng bước hướng tới nền nông nghiệp hiện đại và bền vững, nông dân có thu nhập tốt hơn và không còn phải "chân lấm tay bùn" như trước kia.
Liên kết website
Ý kiến ()