Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 17:47 (GMT +7)
Thúc đẩy sử dụng bền vững, hiệu quả đất đá thải mỏ
Thứ 6, 27/01/2023 | 10:20:35 [GMT +7] A A
Thay mặt cử tri thành phố Uông Bí, tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, đại biểu Phạm Thành Trung, Tổ đại biểu thành phố Uông Bí chất vấn: Thực hiện chủ trương tận dụng đất đá thải mỏ để phục vụ san lấp, đặc biệt là các dự án không có yêu cầu kỹ thuật thi công phức tạp để bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ an toàn bãi thải mỏ, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực vào cuộc, báo cáo cấp thẩm quyền cấp phép khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ tại một số địa phương để phục vụ san lấp mặt bằng các công trình dân dụng và công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường làm rõ kết quả thực hiện chủ trương nêu trên; đến nay tỉnh đã có nhiều khu vực đất đá thải mỏ được cấp phép; đánh giá tác động đối với môi trường, hiệu quả sử dụng của nguồn vật liệu san lấp này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các địa phương.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Như Long trả lời:
Về tiềm năng đất đá thải mỏ và sự phù hợp chủ trương sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng:
Ngành than luôn đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của tỉnh Quảng Ninh, cùng với quá trình khai thác, nhu cầu đổ thải ngành than cũng là rất lớn. Hàng năm, các mỏ than Quảng Ninh đưa ra các bãi thải khoảng 150 triệu m3 đất đá; trên tổng diện tích bãi thải khoảng 4.000 ha, đến thời điểm hiện tại phần lớn các bãi thải đạt cốt cao từ 200 đến 300m, trữ lượng có thể huy động khoảng 1,2 tỷ m3. Việc phát sinh khối lượng đất đá thải lớn hàng năm dẫn đến các áp lực về diện tích đổ thải, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, để đảm bảo công tác đổ thải sẽ kéo theo chi phí kinh tế lớn để thiết kế, xây dựng bãi thải; cải tạo, phục hồi môi trường; kinh phí thực hiện đề án di dân ra khỏi các khu vực nguy cơ sạt lở bãi thải.
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh luôn thực hiện hiệu quả chủ trương đột phá về phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, đòi hỏi khối lượng vật liệu san lấp mặt bằng là rất lớn. Theo tính toán, nhu cầu khối lượng vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 là 595 triệu m3 (trung bình khoảng 150 triệu m3/năm); giai đoạn đến năm 2026-2030: 510 triệu m3 (trung bình khoảng 100 triệu m3/năm). Do vậy việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp vừa đáp ứng được nhu cầu thiếu hụt vật liệu san lấp mặt bằng, tiết kiệm được các kinh phí chi cho cải tạo, phục hồi môi trường, vừa giải quyết được các vấn đề về diện tích đổ thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên, nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn; phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022- 2030.
Kết quả thực hiện chủ trương tăng cường sử dụng đất đá thải mỏ, đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp, hướng tới phát triển nền kinh tế tuần hoàn:
Thực tế từ khi hình thành phát triển ngành than đến trước khi Luật Khoáng sản có hiệu lực, tỉnh Quảng Ninh đã sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp, điển hình như khu trung tâm thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả cơ bản đều dùng đất đá thải mỏ san lấp mặt bằng, đến hiện tại vẫn đảm bảo chất lượng, ổn định nên các dự án, công trình xây dựng bên trên, chưa có dấu hiệu xuống cấp.
Trước nhu cầu đột biến trong những năm gần đây, đồng thời thực hiện Luật Khoáng sản, từ năm 2019 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Sở, ngành, địa phương và các đơn vị ngành than đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, giải quyết một số cơ chế, chính sách cấp phép cho việc sử dụng đất đá thải mỏ, đến nay đã có những kết quả nhất định.
Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất cao với Tỉnh về chủ trương tăng cường sử dụng đất đá thải mỏ phục vụ nhu cầu san lấp các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xem xét, giải quyết việc khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ cho từng trường hợp cụ thể theo đề nghị của UBND tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 04 trường hợp được Bộ đồng ý cho khai thác thu hồi, với tổng khối lượng khoảng 12,4 triệu m3, cụ thể: 1) Bãi thải vỉa 14 cánh tây của Công ty cổ phần than Núi Béo (0,8 triệu m3); 2) Bãi thải Tây Khe Sim - Tây Lộ Trí của Tổng Công ty Đông Bắc (3,5 triệu m3); 3) Bãi thải Suối Lại của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (3,5 triệu m3); 4) Bãi thải Nam Tràng Bạch của Tổng Công ty Đông Bắc (4,6 triệu m3). Khối lượng này đã và đang được khai thác sử dụng hiệu quả phục vụ các công trình xây dựng trên địa bàn.
Trong thời gian tới, dựa trên nhu cầu thực tiễn và đề xuất của các đơn vị ngành than, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh đẩy mạnh triển khai nội dung trên, đồng thời đã rà soát, xác định 32 vị trí các bãi thải mỏ có thể khai thác, thu hồi đất đá thải làm vật liệu san lấp (với trữ lượng gần 1 tỷ m3), đưa vào Phương án bảo vệ tài nguyên, khoáng sản trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh, để đáp ứng nhu cầu lớn vật liệu san lấp.
Đánh giá tác động môi trường, hiệu quả việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp:
Việc đưa vào khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ tại 04 bãi thải gần đây đã bước đầu giải quyết được nhu cầu về vật liệu san lấp của một số dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: Dự án cầu Cửa Lục 3 (bãi thải Suối Lại), Dự án khu đô thị - du lịch, dịch vụ Bái Tử Long II (bãi thải Tây Khe Sim - Tây Lộ Trí), Dự án Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều (bãi thải Nam Tràng Bạch) và một số dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn.
Quá trình xây dựng Đề án Bảo vệ môi trường Tỉnh đến năm 2030, các giáo sư, chuyên gia hàng đầu Việt Nam và quốc tế đã nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng khả năng sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp, từ kết quả nghiên cứu, các chuyên gia đều thống nhất khuyến khích Quảng Ninh ưu tiên sử dụng loại vật liệu này để thay thế vật liệu san lấp truyền thống.
Trong các Quyết định phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường đều phân loại Đất đá thải mỏ thuộc nhóm Chất thải rắn công nghiệp thông thường đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật được sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng theo Điều 81 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Các khu vực khai thác đất đá thải mỏ được Bộ TN&MT cấp phép đều yêu cầu phải xây dựng phương án và giải pháp kỹ thuật trong khai thác, vận chuyển và sử dụng, đồng thời ràng buộc trách nhiệm pháp lý giữa đơn vị có liên quan để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường; vật liệu đất đá thải mỏ trước khi đưa ra sử dụng đều được lấy mẫu, phân tích thành phần cơ lý hóa bởi các cơ quan kiểm định độc lập. Các kết quả phân tích mẫu đất đá thải hiện nay do Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam thực hiện cho thấy đất đá thải tại các bãi thải hiện đang sử dụng đều đảm bảo đủ điều kiện làm vật liệu san lấp mặt bằng, vật liệu xây dựng thông thường.
Kiểm nghiệm thực tiễn cho thấy hoạt động sử dụng đất đá thải mỏ không làm gia tăng yếu tố gây ô nhiễm môi trường cho các dự án có sử dụng đất đá thải làm vật liệu san lấp.
Tóm lại, việc đưa vào khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ tại 04 bãi thải gần đây đã bước đầu giải quyết được nhu cầu về vật liệu san lấp của một số dự án trọng điểm trên địa bàn Tỉnh; đã hạ được độ cao bãi thải, giảm chi phí cải tạo phục hồi môi trường của mỏ, giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí, nguy cơ sạt lở trong quá trình đổ thải; tăng thu ngân sách (thông qua việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đất đá thải mỏ và các loại thuế, phí), và góp phần hoàn thiện mô hình kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, thực tiễn kết quả kiểm soát môi trường trong thời gian vừa qua cho thấy đã không làm gia tăng yếu tố gây ô nhiễm môi trường cho các dự án có sử dụng đất đá thải làm vật liệu san lấp.
Một số giải pháp thúc đẩy sử dụng bền vững, hiệu quả đất đá thải:
Từ thực tiễn kinh nghiệm qua việc triển khai 04 phương án khai thác thu hồi đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp trong thời gian gần đây, để nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững, hiệu quả đất đá thải, trong thời gian tới cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ sau:
Một là, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệu quả và sự phù hợp của việc thực hiện chủ trương, chính sách tăng cường sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp trong bối cảnh hiện nay, vừa giải quyết được vấn đề khó khăn trong nguồn vật liệu san lấp, hạn chế khai thác đất đồi, hạn chế phá vỡ cảnh quan tự nhiên, đồng thời tiết kiệm, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản, góp phần phát triển nền kinh tế tuần hoàn.
Hai là, tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương với ngành than và Tổng Công ty Đông Bắc để đẩy nhanh tiến độ tham mưu, giải quyết thủ tục khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ đúng quy định, từng bước thay thế cho vật liệu san lấp truyền thống; tăng cường giám sát việc khai thác, vận chuyển và sử dụng đảm bảo tránh thất thoát tài nguyên, không gây ô nhiễm môi trường và sử dụng đúng mục đích.
Ba là, tiếp tục bám sát Bộ Tài nguyên và Môi trường để xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện quy trình thủ tục cấp phép khai thác các khu vực bãi thải mỏ; trọng tâm là đề xuất tăng cường phân cấp và sửa đổi một số nội dung trong Luật Khoáng sản để giảm thiểu các thủ tục hành chính, thời gian cấp phép khai thác các bãi thải mỏ.
Ngọc Ánh (Biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()