Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 22:19 (GMT +7)
Ưu tiên đất đá thải mỏ phục vụ san nền các dự án trọng điểm
Thứ 4, 06/04/2022 | 15:19:14 [GMT +7] A A
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh có trữ lượng khoảng 1,5 tỷ m3 đất, đá thải mỏ. Trung bình mỗi năm các mỏ than phát sinh hơn 100 triệu m3 đất đá thải, đang chiếm ngày càng nhiều diện tích đất và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan và sạt lở đất. Để giải quyết bài toán môi trường cũng như đáp ứng nhu cầu vật liệu phục vụ san nền GPMB, tỉnh đang tiếp tục ưu tiên phương án sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp GPMB.
Thực hiện chủ trương này, hiện TKV đã quy hoạch 8 bãi thải mỏ ở 2 vùng Cẩm Phả và Hạ Long để sẵn sàng phục vụ nhu cầu về vật liệu san lấp mặt bằng các dự án hạ tầng của tỉnh. Ngày 21/3/2022, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ra văn bản số 761/ĐCKS-KS về việc thu hồi, sử dụng đất, đá thải trong khai thác than mỏ Suối Lại, tỉnh Quảng Ninh.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng ý về nguyên tắc cho phép TKV thu hồi đất, sử dụng đá thải trong quá trình khai thác than tại mỏ Suối Lại (Công ty Than Hòn Gai) theo giấy phép khai thác khoáng sản số 45/GP-BTNMT để làm vật liệu san lấp mặt bằng cho các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Tổng khối lượng đất, đá thải thu hồi, sử dụng 3,5 triệu m3, thời gian thực hiện đến ngày 31/12/2022. Như vậy, từ khi tỉnh Quảng Ninh và TKV có chủ trương tận dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng, đây là lần đầu tiên TKV được các cấp có thẩm quyền đồng thuận cấp phép sử dụng đất đá thải làm vật liệu san lấp mặt bằng phục vụ dự án trọng điểm.
Hiện nay, phía TKV đã giao cho Công ty Chế biến Than Quảng Ninh làm đầu mối thực hiện chủ trương sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp. Hiện, Công ty đã chuẩn bị sẵn sàng phương án khai thác đất đá thải mỏ phục vụ dự án trên địa bàn khi có nhu cầu. Trước đó năm 2021, tỉnh đã thí điểm sử dụng 700.000m3 đất đá thải mỏ đầu tiên được vận chuyển từ bãi thải mỏ của Công ty CP Than Núi Béo (TP Hạ Long) sử dụng để san lấp mặt bằng cho Dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả.
Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, việc sử dụng đất đá thải làm vật liệu san lấp sẽ mang lại lợi ích kép không chỉ giảm áp lực đổ thải của các công ty khai thác than mà còn đáp ứng được nhu cầu vật liệu san lấp của các dự án đầu tư hạ tầng trên địa bàn ngày một lớn và bảo vệ môi trường ngày càng bền vững.
Các bãi thải tập trung chủ yếu tại địa bàn: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều. Thực tế qua nhiều năm đổ thải, hầu hết các bãi thải mỏ đang gây ra nhiều hệ lụy như nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí, bụi, nước và đất. Không những vậy, hằng năm vào mùa mưa bão các bãi thải còn có nguy cơ sạt lở đất đá xuống khu vực dân cư xung quanh. Trong khi đó, tỉnh Quảng Ninh đang trong giai đoạn phát triển, triển khai nhiều dự án hạ tầng cần khối lượng lớn vật liệu san lấp mặt bằng. Dự kiến, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Ninh cần hơn 788 triệu m3 vật liệu đắp, san lấp mặt bằng.
Trong chuyến kiểm tra tại TP Cẩm Phả (ngày 2/3 vừa qua) đồng chí Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, nhấn mạnh: Thời điểm hiện tại, nhu cầu sử dụng đất đá san lấp phục vụ cho các dự án đầu tư hạ tầng trên địa bàn TP Cẩm Phả nói riêng và của cả tỉnh là rất lớn, vì vậy, việc tận dụng đất đá thải mỏ là rất cần thiết. Qua đó, vừa giảm chi phí đầu tư của các dự án vừa giảm áp lực đến môi trường của các bãi thải mỏ, giảm giá thành khai thác than và phát triển kinh tế tuần hoàn; hạn chế tối đa việc phải khai thác các mỏ đất mới.
Tỉnh sẽ ưu tiên rà soát, xác định nhu cầu sử dụng đất đá san lấp đối với các dự án đầu tư công giai đoạn 2022-2025 và các dự án đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn. Tỉnh cũng sẽ yêu cầu các sở, ngành liên quan cùng vào cuộc, hỗ trợ địa phương cũng như các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()