Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 00:11 (GMT +7)
Thúc đẩy tín dụng tăng trưởng hiệu quả
Thứ 2, 04/03/2024 | 09:03:08 [GMT +7] A A
Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cho các tổ chức tín dụng ngay từ đầu năm ở mức 15% (có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế), không chỉ giúp các ngân hàng thương mại tăng tính chủ động trong cho vay, mà còn góp phần mở rộng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 được nhiều tổ chức quốc tế dự báo thấp hơn năm 2023, tác động đến hoạt động thương mại, đầu tư và các ngành sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo. Với những khó khăn đến từ thế giới, cầu tín dụng trong nước có thể tiếp tục bị tác động bởi sự khó khăn trong đầu ra của doanh nghiệp dẫn đến nhu cầu vay vốn giảm.
Bối cảnh này đòi hỏi ngành ngân hàng phải đặt quyết tâm cao hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, chung tay cùng các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Tập trung cho vay sản xuất, kinh doanh
Ngay khi bước vào năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai một loạt giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, điều hành hoạt động tín dụng, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Đặc biệt, gửi thông điệp tới các tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ: Năm 2024 các tổ chức tín dụng phải có những đánh giá, nhận diện đầy đủ để tăng trưởng tín dụng bám sát thực tế, an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng;…
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cũng tích cực đẩy mạnh cho vay ngay từ đầu năm, nhất là thời điểm từ sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Theo Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nguyễn Thanh Tùng, định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024, Vietcombank tập trung tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng khách hàng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân với các dự án trọng điểm, dự án lớn có vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội tại địa phương và toàn quốc; tập trung cho vay các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI nằm trong chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu;…
Ngoài ra, nếu như mọi năm lãi suất là nút thắt lớn khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì gây trở ngại trong tiếp cận vốn, thì nay vấn đề này đã phần nào được tháo gỡ.
Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Hà Thu Giang thông tin: đến ngày 31/1, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023.
Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Phạm Toàn Vượng cho biết: Để tạo điều kiện tăng trưởng tín dụng, từ đầu năm 2024 đến nay, Agribank đã 2 lần giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,3% - 0,5% và 1 lần giảm lãi suất cho vay ngắn hạn với mức giảm từ 0,5% - 1%. Hiện lãi suất cho vay bình quân của Agribank giảm 0,42%/năm so thời điểm đầu năm 2023 và giảm 0,13% so với thời điểm đầu năm 2024 (phổ biến ở mức 7-9%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 9-9,5%/năm đối với cho vay trung dài hạn).
Chung tay hóa giải các điểm nghẽn
Trên thực tế, các giải pháp của hệ thống ngân hàng đã và đang từng bước lan tỏa hiệu quả đến cộng đồng doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dược và Vật tư thú y (HANVET) Nguyễn Hữu Vũ, thuộc nhóm ngành ưu tiên, nên mức lãi vay của công ty cũng được giảm sâu, chỉ bằng một nửa so với cao điểm của năm trước.
"Lãi suất đang tương đối thấp, hiện giờ là 4,5%/năm. Mức này đã giảm rất nhiều bởi có những lúc cao thì thường thường là xấp xỉ 10%/năm. Việc ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh", ông Nguyễn Hữu Vũ chia sẻ.
Tuy nhiên, ngoài những doanh nghiệp như HANVET, còn không ít doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận vốn vay dù họ đang rất cần. Thực trạng ngân hàng - doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung cũng là một trong những lý do khiến tín dụng suy giảm trong tháng đầu năm.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đến hết tháng 1/2024 giảm 0,6%, trong khi tiền gửi tiết kiệm vẫn đổ mạnh vào hệ thống. "Điểm nghẽn chính trong tăng trưởng tín dụng đó là sự giảm sút trong nhu cầu hấp thụ vốn của doanh nghiệp do tác động của các yếu tố kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước", Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) Đỗ Thanh Sơn nhận xét.
Song bên cạnh đó cũng có nguyên do nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn vay vì thiếu tài sản thế chấp. Trong khi đó, ngân hàng trong bối cảnh nợ xấu tăng nhanh lại chỉ yên tâm với tài sản thế chấp là bất động sản.
Báo cáo từ Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa gửi tới Thủ tướng trong tháng 1/2024 cho thấy: "Đơn hàng có vẻ tăng lên, nhưng doanh nghiệp đã cạn nguồn vốn, hết tài sản thế chấp để vay thêm, khó khăn lại lặp lại: Không có tiền để sản xuất".
Cũng theo Kết quả khảo sát doanh nghiệp của Ban IV, doanh nghiệp đang kiệt sức là sự thật. Dù đơn hàng đang bắt đầu khởi sắc, nhưng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp trong năm 2024 vẫn ở mức đáng lo. Trong đó, nhóm doanh nghiệp ngành xây dựng có đánh giá bi quan nhất (điểm trung bình chỉ đạt 2,16/5). Doanh nghiệp trong ngành công nghiệp và nông, lâm nghiệp, thủy sản dù đánh giá triển vọng tiếp cận vốn cao nhất, nhưng điểm số vẫn ở mức điểm 2,34 - mức tiêu cực.
Chia sẻ quan điểm, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng nhận định, các tổ chức tín dụng đang rất thận trọng cho vay vì áp lực nợ xấu đang tăng lên rất nhanh. Trong bối cảnh rủi ro pháp lý lớn, ngân hàng không thể cho vay không có tài sản bảo đảm. Thậm chí, trong bối cảnh hiện nay, ngay cả khi khoản vay có tài sản bảo đảm, ngân hàng cũng chưa chắc đã thu hồi được nợ.
Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) Nguyễn Đức Vinh cho hay, sở dĩ ngân hàng "chuộng" tài sản thế chấp là bất động sản bởi nếu rủi ro xảy ra, ngân hàng vẫn thu hồi được vốn. "Chủ trương của Nhà nước về cho vay theo dòng tiền là đúng, song rủi ro đi kèm với ngân hàng cũng rất lớn. Nếu bình thường, nền kinh tế tốt thì không sao. Nhưng nếu rủi ro xảy ra, khả năng mất là mất tất, vì thứ mà các ngân hàng thu hồi được thường chỉ là nhà máy, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất,...", ông Nguyễn Đức Vinh cho biết thêm.
Chưa kể, nhiều doanh nghiệp hiện nay trên thực tế vẫn chưa minh bạch thông tin với ngân hàng. Khi vay vốn, các doanh nghiệp chỉ đưa ra các thông tin tốt đẹp cho ngân hàng, trong khi những thông tin mà ngân hàng tự thu thập được lại cho bức tranh khác biệt. Vì vậy, nếu cho vay theo dòng tiền, thì ngân hàng rất rủi ro. Do đó, đại diện VPBank đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục làm đầu mối để làm việc với các cơ quan liên quan hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong công tác thu hồi nợ.
Ngoài ra để giải bài toán tăng trưởng tín dụng, theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, chỉ mình sự nỗ lực của ngành ngân hàng là chưa đủ, cần có sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành các giải pháp, cũng như tháo gỡ khó khăn về pháp lý để kích cầu tiêu dùng trong nước, từ đó mới thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả.
Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng đề xuất, để đạt hiệu quả cao, ngoài sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng, cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương trong công tác giải quyết các vấn đề về pháp lý đối với các dự án đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư và thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()